Kịch bản nào cho U-crai-na

Quách Quỳnh
17:13, ngày 20-05-2014
TCCSĐT - Vùng Đô-nét-xcơ (Donetsk) và Lu-gan-xcơ (Lugansk) ở U-crai-na đã tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 11-5 vừa qua với kết quả là trên 90% cử tri ủng hộ quy chế tự trị. Nhưng liệu Nga có tiếp nhận hai vùng này như đã tiếp nhận Crưm hay không lại là câu hỏi mà hiện chưa thể có câu trả lời.
Mọi diễn biến đều không ngoài dự đoán chung. Đa số dân chúng ở hai vùng miền Đông U-crai-na này muốn độc lập với U-crai-na, nhưng quyết định sau đó như thế nào lại là chuyện khác. Mỹ, EU và chính phủ tạm quyền ở U-crai-na coi cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp trong khi Nga lại công nhận và yêu cầu những thông điệp từ cuộc trưng cầu dân ý này phải được lưu ý thỏa đáng trong những dàn xếp nội bộ hay quốc tế tới đây về U-crai-na.

Nếu cả hai khu vực này thực hiện tuyên bố không tham dự cuộc bầu cử tổng thống dự định tiến hành vào ngày 25-5 tới thì tính hợp pháp của chính cuộc bầu cử ấy sẽ bị hạn chế và rồi dù bất kể ai trở thành tổng thống mới từ đó thì cũng đều khó có quyền lực thực tế đối với hai vùng này. Cuộc đàm phán tới đây giữa phe chính phủ tạm quyền và phía ly khai ở U-crai-na với vai trò trung gian của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nếu không giải quyết được vấn đề này thì nguy cơ U-crai-na tan vỡ khó còn có thể hóa giải nổi.

Mối quan hệ giữa Chính phủ U-crai-na và những vùng lãnh thổ có đông đảo người dân Nga sinh sống cũng không còn được như trước nữa. Mỹ cùng với EU và NATO có gia tăng áp lực và siết chặt biện pháp trừng phạt nữa cũng không khuất phục được Nga và Nga vẫn nắm trong tay chìa khóa để giải quyết toàn bộ vấn đề U-crai-na. Đó là thực trạng và chiều hướng diễn biến tình hình ở U-crai-na hiện nay.

Từ đó có thể thấy, kịch bản khả dỹ nhất cho Chính phủ tạm quyền ở U-crai-na là vùng Đô-nét-xcơ và Lu-gan-xcơ không hoàn toàn tách khỏi U-crai-na. Điều kiện trước hết để kịch bản này xảy ra là Nga không tiếp nhận hai vùng này như vừa mới tiếp nhận Crưm. Nhưng ngay cả khi ấy, chắc chắn Nga cũng sẽ đảm bảo để vùng miền Đông này của U-crai-na có vị thế quyền lực đáng kể hơn trước rất nhiều dưới hình thức quyền tự trị sâu rộng hoặc một nhà nước trong thể chế nhà nước liên bang mới ở U-crai-na. Điều đó có nghĩa rằng, khi ấy U-crai-na sẽ phải có thể chế nhà nước mới. Kịch bản này đang được cả Mỹ, EU và NATO theo đuổi.

Kịch bản tồi tệ nhất cho Chính phủ tạm quyền ở U-crai-na và đương nhiên cho cả Mỹ, EU và NATO là hai vùng nói trên gia nhập Liên bang Nga như Crưm. Kịch bản này bất cứ khi nào cũng có thể xảy ra vì lực lượng ly khai ở đó sau cuộc trưng cầu dân ý đã bộc lộ ý nguyện. Chỉ có Nga là chưa quyết định.

Có ba lý do khiến Nga ngần ngừ. Thứ nhất, lặp lại kịch bản Crưm cho hai vùng này chẳng khác gì tiếp tục đánh thẳng vào thể diện và uy danh của Mỹ, EU và NATO. Các đối tác này sẽ tiếp tục làm găng với Nga về mọi phương diện. Đó là điều Nga không thể không suy tính. Thứ hai, việc tiếp nhận Đô-nét-xcơ và Lu-gan-xcơ sẽ đi cùng với trách nhiệm về an ninh và tài chính. Nga phải có sự chuẩn bị và tính toán để không bị quá tải. Thứ ba, Nga phải đặt hai khu vực này trong bàn cờ chiến lược mới ở khu vực, đặc biệt trong quan hệ với U-crai-na. Biết đâu đấy, hai vùng này cứ ở trong thể chế nhà nước U-crai-na nhưng với vị thế gần như đối trọng quyền lực với chính phủ trung ương lại còn có thể có lợi hơn cho Nga.

Giữa hai kịch bản ấy còn có một kịch bản nữa là Đô-nét-xcơ và Lu-gan-xcơ sẽ giống như Áp-kha-di-a (Abkhazia) hay Nam Ô-xê-ti-a (Ossetia) sau khi ly khai khỏi Gru-di-a (Grudia) và Tran-nít-xtri-a (Transnistria) sau khi tự tách khỏi Môn-đô-va (Moldova). Có thể Nga sẽ công nhận Đô-nét-xcơ và Lu-gan-xcơ là nhà nước độc lập như Áp-kha-di-a hay Nam Ô-xê-ti-a, nhưng cũng có thể không như đối với Tran-nít-xtri-a. Trong mọi trường hợp, các thực thể này chỉ có thể tồn tại được độc lập như thế nhờ dựa cậy vào Nga cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế.

Kich bản nào rồi đây sẽ xảy ra và khi nào xảy ra phụ thuộc vào quyết định của Nga và kết quả cuộc đàm phán tới đây giữa chính phủ tạm quyền và phe ly khai ở U-crai-na./.