Ninh Thuận tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với lợi thế và những điều kiện đặc thù là bước vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng ở Ninh Thuận. Định hướng đó đang mở ra triển vọng mới cho nông nghiệp và nông thôn Ninh Thuận trên con đường hội nhập và phát triển.
Ninh Thuận là tỉnh thuần nông, với diện tích đất nông nghiệp là 61.870 ha. Vị trí địa lý Ninh Thuận khá thuận lợi: đường quốc lộ 1A, quốc lộ 27, đường sắt Bắc - Nam đi qua; là ngã ba nối Nha Trang - Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh; gần sân bay quốc tế Cam Ranh, Cảng Ba Ngòi. Là tỉnh có lượng mưa thấp nhất toàn quốc, bình quân trên dưới 700mm/năm, được mang danh vùng đất "thiếu mưa, thừa nắng", lại là một lợi thế để Ninh Thuận phát triển nông nghiệp đặc thù, như: bông vải, thuốc lá, nho, hành, tỏi; bò, dê, cừu và sản xuất tôm thịt, tôm giống có chất lượng cao. Với 105 km bờ biển thoải, sạch, đẹp thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, nhất là xây dựng các cảng hàng hóa, cảng cá; phát triển du lịch sinh thái... Độ mặn của nước biển Ninh Thuận cao, rất thuận lợi cho sản xuất muối công nghiệp. Có thể khẳng định, biển Ninh Thuận hội đủ các điều kiện cho việc phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương và của cả vùng.
Ninh Thuận là quê hương của 27 dân tộc anh em với những nét đặc sắc về văn hóa. Đó là những vốn quý đã và đang được vun đắp, giữ gìn, bảo tồn, phát huy, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch - văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Từ sau khi tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Thuận đã tập trung lãnh đạo phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2001 - 2005 lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có mức tăng trưởng khá, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng 31,5%/năm, bình quân chiếm 48% GDP; thu hút các dự án đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch có chuyển biến tiến bộ. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch quan trọng: Nông nghiệp giảm từ 52,1% (năm 2000) xuống còn 40,9% (năm 2005) và tương ứng, công nghiệp - xây dựng tăng từ 12,1% lên 20,1%, dịch vụ từ 35,8% lên 39%. GDP bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2000.
Ninh Thuận tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng, thế mạnh gắn với phát triển vùng kinh tế của tỉnh, bước đầu phát huy có hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho phát triển những năm tiếp theo. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.115 tỉ đồng, chiếm 48% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng gấp 42 lần so với giai đoạn 1996 - 2000. Cơ cấu đầu tư vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý đầu tư vào hạ tầng kinh tế chiếm 71%, hạ tầng xã hội chiếm 29%, trong đó, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 36,3%. Nổi bật là, kết cấu hạ tầng thị xã Phan Rang - Tháp Chàm phát triển nhanh, được công nhận là đô thị loại III (năm 2005). Xây dựng trung tâm huyện lỵ Bác ái, từng bước nâng cấp, chỉnh trang thị trấn Khánh Hải, Phước Dân thuộc hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước. Hệ thống giao thông đã được chú ý đầu tư gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng; 100% số xã có đường ô-tô đến các trung tâm xã, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu hàng hóa thông suốt. Các công trình thủy lợi được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các công trình lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết nước phục vụ sản xuất và đời sống. Trong 5 năm, đã xây dựng 3 hồ chứa nước lớn, với sức chứa 113 triệu m3 nước; xây dựng các đập ngăn nước nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, đưa diện tích tưới 2 vụ tăng thêm 4.700 ha. Tu bổ, nâng cấp hệ thống kênh mương I, II và chương trình kiên cố hóa kênh mương, tăng hiệu quả sử dụng các công trình thủy lợi hiện có và phục vụ sản xuất. Việc thu hút các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vào các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh, gần 52 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.681 tỉ đồng. (32 dự án được phê duyệt với 851 tỉ đồng và 20 dự án chấp nhận chủ trương đầu tư 3.830 tỉ đồng; có 6 dự án đi vào hoạt động, tổng số vốn đầu tư 136 tỉ đồng và 9 dự án đang thi công 190 tỉ đồng). Mạng lưới trường lớp được mở rộng; hầu hết các thôn đều có trường tiểu học, trường mầm non. Đầu tư 163 tỉ đồng, tăng gấp 9,3 lần so với giai đoạn 1996 - 2000, để xây mới 44 trường phổ thông với 995 phòng học, góp phần giảm học ca ba, cơ bản thanh toán trường lớp tranh tre, nứa lá.
Thành tựu đó là sự thể hiện ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương. Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, bởi xuất phát điểm kinh tế thấp; thu ngân sách hạn chế, chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu hợp lý; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 48% so bình quân thu nhập đầu người của cả nước; kết cấu hạ tầng phát triển ở mức thấp. Tình trạng thiếu và mất cân đối về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm quản lý để khai thác một cách hiệu quả nhất những tiềm năng, thế mạnh của địa phương đang là điều trăn trở.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2006 - 2010, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận xác định tập trung lãnh đạo tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ và có hiệu quả, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm sau:
Một là, thực thi Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
Tập trung các nguồn vốn huy động để đến 2010 đầu tư hoàn thành hệ thống hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, tăng thêm nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và cắt lũ cho vùng đồng bằng, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.655 tỉ đồng; khởi công và hoàn thành hệ thông thủy lợi Tân Mỹ có hồ chứa với sức chứa 206 triệu m3 nước. Đây là hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay. Ngoài ra, tiến hành khởi công và hoàn thành một số hồ như: sông Than, sông Biêu, Lanh Ra... đập hạ lưu sông Dinh cùng hệ thống các hồ chứa nhỏ trong quy hoạch, đưa năng lực tưới tăng thêm 16.180 ha và diện tích chủ động nước chiếm 45% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hoàn thành mục tiêu chương trình phát triển giao thông nông thôn, miền núi đến 2010, gắn hệ thông giao thông nội đồng liên hoàn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá các cảng Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân; đưa vào sử dụng Trung tâm Giống thủy sản chất lượng cao An Hải. Đặc biệt tập trung cải tạo khu vực nuôi trồng thủy sản Đầm Nại với diện tích 700 ha thành khu vực nuôi tôm chất lượng cao và bền vững, gắn với khu đô thị và du lịch.
Hai là, triển khai Chương trình phát triển các tuyến giao thông quan trọng
Ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn, nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế ven biển, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn gắn kết các vùng ven biển, đồng bằng, miền núi và nối liền với hệ thống giao thông cả nước, với tổng nguồn vốn dự kiến là 1.350 tỉ đồng. Tập trung nâng cấp, mở tuyến đường ven biển Bình Tiên - Vĩnh Hy - Đông Hải - Phú Thọ - Mũi Dinh; nâng cấp mở rộng đường 2 đầu vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đầu tư mới các tuyến đường miền núi: Phước Trung - Phước Đại; quốc lộ 27 - Phước Hòa; quốc lộ 1A - Vụ Bổn - Nhị Hà và các tuyến giao thông theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe và bến xe Phan Rang mới, đạt tiêu chuẩn loại 2.
Ba là, thực hiện Chương trình đầu tư hạ tầng công nghiệp - xây dựng và đô thị
Đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ kết cầu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp; hoàn thành Cụm công nghiệp Tháp Chàm, 2 khu công nghiệp Du Long, Phước Nam. Khai thác hệ thống cấp nước Phan Rang có công suất 52.000m3/ngày đêm vào năm 2007. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, với các dự án sản xuất công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến các sản phẩm từ cây nho, cây nem, chế biến bông, thuốc lá, nhà máy đóng sửa chữa tàu biển, khai thác chế biến đá gra-nít; nước khoáng; các loại vật liệu xây dựng khác. Hoàn thành khu công nghiệp muối xuất khẩu Quán Thẻ, làm cơ sở cho việc triển khai Dự án sản xuất công nghiệp hóa chất sau muối vào năm 2008 theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (khóa IX). Phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống: Gốm Bầu Trúc, dệt thổ cẩm, nước mắm...
Tiếp tục nâng cấp toàn diện kết cấu hạ tầng giao thông, thoát nước, công trình văn hóa, thể thao của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đầu tư xây dựng mới trung tâm các huyện lỵ mới thành lập; nâng cấp kết cấu hạ tầng trung tâm hành chính các huyện; quy hoạch mở rộng và phát triển thị trấn, thị tứ thành hệ thống đô thị trong tỉnh xanh - sạch - đẹp. Đẩy nhanh việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn thị xã và các thị trấn, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và đô thị hóa giai đoạn 2006 - 2010 là 3.600 tỉ đồng.
Bốn là, phát triển Chương trình hợp tác và phát triển thương mại - du lịch
Bổ sung và hoàn thành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất, đồng bộ với cơ chế chính sách đặc thù của địa phương và hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển sản xuất. Xây dựng đề án thực hiện chương trình xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của địa phương. Có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đổi mới đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ của ngành du lịch; hình thành các khu du lịch quy mô lớn tạo động lực cho phát triển: Bình Sơn - Ninh Chữ, Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná, Mũi Dinh, Đầm Nại, Vườn quốc gia Núi Chúa, bảo tồn rùa biển, chân đèo Ngoạn Mục, du lịch khu vực lòng hồ...; tập trung phát triển đúng hướng du lịch văn hóa, bao gồm di sản văn hóa, làng nghề kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; coi trọng việc hình thành các tour du lịch thu hút du khách.
Dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực thương mại - du lịch giai đoạn 2006 - 2010 là 2.195 tỉ đồng.
Năm là, đẩy mạnh Chương trình hạ tầng thiết yếu phục vụ văn hóa - xã hội
Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, xóa học ca ba; xây dựng trường phổ thông trung học chuyên. Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường, Bệnh viện Đông y; các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tuyến tỉnh và các phòng khám đa khoa khu vực theo quy hoạch. Hoàn thành khu liên hợp thể thao của tỉnh. Mỗi huyện có một trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao; từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Dự kiến tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 là 1.210 tỉ đồng.
Sáu là, thực thi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, phù hợp tình hình của tỉnh. Xác định đầu tư hệ thống thủy lợi phát triển sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh và cải tạo môi trường sinh thái là nhiệm vụ hàng đầu; tiếp tục thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn đầu tư nhằm bảo đảm đồng bộ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa xã hội. Bên cạnh tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có (Tân Giang, CK7, sông Trâu, sông Sắt, Nước Ngọt...), tập trung xúc tiến mạnh hơn nữa việc triển khai các dự án thủy lợi Hồ Tân Mỹ, Bầu Zôn, Phước Trung, Trà Co, Phước Nhơn, La Ranh... đồng thời, khảo sát xây dựng các dự án thủy lợi vừa và nhỏ; hoàn thành và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, bảo đảm thông suốt đến các thôn vào mùa mưa lũ; triển khai tốt dự án phát triển giao thông nông thôn theo chương trình ADB5 và đường nội bộ trong từng thôn. Thực hiện hỗ trợ đầu tư toàn diện có hiệu quả cho 13 xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn II) với 130 tỉ đồng; chương trình hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo với 160 tỉ đồng. Hoàn thành việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008 với tổng kinh phí 80 tỉ đồng; cơ bản bảo đảm đủ đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách định canh định cư 80 tỉ đồng để nhân dân ổn định đời sống và sản xuất.
Các chương trình và hệ thống giải pháp trên đây là bước thể chế định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn Ninh Thuận trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Côn Đảo - hòn đảo khát vọng  (04/07/2007)
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch bền vững  (04/07/2007)
9 triệu ha đất bị hoang mạc hoá  (02/07/2007)
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp 6 tháng đầu năm 2007  (02/07/2007)
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2007  (02/07/2007)
Thương mại, giá cả và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007  (02/07/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên