TCCSĐT - Ngày 09-3-2014, Ma-lai-xi-a đã mở cuộc điều tra sau khi chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 của Ma-lai-xi-a Airlines biến mất khỏi màn hình ra-đa vào sáng 08-3 tại khu vực giữa Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

BIMSTEC tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Trong 2 ngày 03 và 04-3-2014 tại Thủ đô Nây Pi Tô của Mi-an-ma đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ ba lãnh đạo các nước thành viên tổ chức “Sáng kiến Vịnh Ben-gan về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực” (BIMSTEC). Trong tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc phiên đầu tiên của Hội nghị, lãnh đạo các nước Ấn Độ, Băng-la-đét, Xri Lan-ca, Thái Lan, Mi-an-ma, Bhu-tan và Nê-pan, các nhà lãnh đạo BIMSTEC kêu gọi xúc tiến phê chuẩn Công ước BIMSTEC về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống buôn bán ma túy, đồng thời sớm ký Công ước BIMSTEC về trợ giúp lẫn nhau trong vấn đề chống tội phạm.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo BIMSTEC đã ký ba thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về thành lập Ban Thư ký thường trực BIMSTEC (BIMSTEC), đặt tại Thủ đô Đắc-ca của Băng-la-đét nhằm phối hợp và tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động và các dự án mà nhóm đã nhất trí; thỏa thuận thành lập Trung tâm về khí hậu và thời tiết của BIMSTEC, có trụ sở tại Ấn Độ, nhằm thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu khoa học ứng dụng về dự báo thời tiết và xây dựng khả năng nghiên cứu thời tiết; văn bản về thành lập Ủy ban các ngành công nghiệp văn hóa và Đài quan sát các ngành công nghiệp văn hóa của BIMSTEC.

Trung Quốc khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII

Sáng 05-3-2014, kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XII đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang. Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày Báo cáo công tác của Chính phủ, trong đó đánh giá những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong năm qua trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định chính trị xã hội, đồng thời chỉ ra những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Báo cáo nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc, các nước điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, tạo nên những khó khăn và thách thức mới đối với Trung Quốc. Những vấn đề trong nước, như rủi ro trong ngành tài chính, ngân hàng, khủng hoảng thừa, khó khăn trong quản lý vĩ mô, tiêu thụ nông sản và đầu tư cho nông nghiệp, việc xử lý ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước cũng như các vấn đề nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc người già… cũng là những thách thức lớn. Nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục chú trọng đi sâu cải cách mở cửa, kích thích thị trường và phát huy nội lực, thực hiện chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ ổn định lành mạnh, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 7,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 3,5%, tạo 10 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức dưới 4,6%, tăng thu nhập hơn nữa cho người dân.

Nghị viện Crưm nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga

Ngày 06-3-2014, Nghị viện Crưm đã thông qua Nghị quyết nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga. Hãng tin RIA Novosti trích dẫn Nghị quyết của Nghị viện Crưm cho biết, cơ quan này đã nhất trí “sáp nhập vào Liên bang Nga với các quyền của một chủ thể trực thuộc Liên bang Nga”. Chính quyền thân Mát-xcơ-va ở Crưm đã yêu cầu Tổng thống Nga V. Pu-tin xem xét đề nghị cho phép vùng lãnh thổ tự trị này gia nhập Liên bang Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra trưng câu ý dân vào ngày 16-3 tới.

Ngày 07-3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả nếu các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) được thực hiện. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu ngày 06-3 tại Brúc-xen về tình hình U-crai-na, trong đó công bố một số biện pháp trừng phạt Nga. Tuyên bố nêu rõ trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng U-crai-na, EU có lập trường rất không xây dựng khi từ chối hợp tác với Nga trong các vấn đề quan trọng cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Nga không chấp nhập ngôn ngữ đe dọa hay trừng phạt, tuy nhiên nếu chúng được thực hiện trên thực tế, Nga sẽ đáp trả. Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ thông tin cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về quy chế của Crưm không hợp pháp.

Hội thảo quốc tế về phụ nữ tại Nam Phi

Trong hai ngày 08 và 09-3-2014, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (08-3) và trước thềm Lễ kỷ niệm 20 năm tự do và dân chủ của Nam Phi, tại thành phố Xen-tru-riên, Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh Nam Phi đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nữ cựu binh - Cùng nhau thúc đẩy tiến bộ”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Quốc phòng - cựu chiến Binh Nam Phi Nô-xi-vi-uê Ma-pi-xa (Nosiviwe Mapisa-Nqakula) đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ, đặc biệt của các nữ cựu chiến binh, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở hàng loạt nước trên thế giới trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội dân chủ hiện nay. Bà N. Nka-ku-la cho biết, phụ nữ Nam Phi không chỉ tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc nhằm đòi quyền con người, xóa chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai hà khắc mà còn gia nhập và chiến đấu trong lực lượng vũ trang Umkhonto we Sizwe (có nghĩa là “Ngọn giáo của dân tộc”) do lãnh tụ Nen-xơn Man-đê-la lãnh đạo. Bộ trưởng N. Nka-ku-la cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nam Phi nói chung và phụ nữ Nam Phi nói riêng; cho rằng sự ủng hộ quý báu đó đã giúp định hình một nước Nam Phi mới mà nhân dân Nam Phi có được ngày nay.

Các nước hỗ trợ Ma-lai-xi-a tìm máy bay mất tích

 

Các quan chức của Cục Hàng không Dân dụng Ma-lai-xi-a trong buổi họp báo tại Cua-la Lăm-pơ ngày 09-3-2014. Ảnh: theguardian.com

Ngày 09-3-2014, Ma-lai-xi-a đã mở cuộc điều tra sau khi chiếc máy bay mang mã hiệu MH370 của Ma-lai-xi-a Airlines biến mất khỏi màn hình ra-đa vào sáng 08-3 tại khu vực trên biển giữa Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Bộ trưởng Giao thông vận tải Ma-lai-xi-a Hi-xa-mu-đin Hu-xen (Hishammuddin Hussein) cho biết, nước này đang điều tra mối liên hệ khủng bố trong vụ mất tích của chuyến bay và các điều tra viên đang tìm hiểu danh tính của 2 hành khách mang hộ chiếu giả trên chuyến bay, song chưa xác định liệu máy bay có bị tấn công hay không. Tư lệnh Không quân Hoàng gia Ma-lai-xi-a, Tướng Rô-da-li Đau (Rodzali Daud) cho hay, giới chức nước này cũng đang điều tra “khả năng” chiếc máy bay đã tìm cách quay trở lại Cua-la Lăm-pơ trước khi bị mất tích theo những thông tin ghi nhận trên ra-đa. Hiện các đội cứu hộ Ma-lai-xi-a đang mở rộng quy mô tìm kiếm tại khu vực bờ biển phía Tây của nước này.

Cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) đang cử các đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ điều tra vụ mất tích trên. Trong khi đó, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cũng đã cử một nhóm chuyên gia tới châu Á để hỗ trợ cuộc điều tra.

Phía Việt Nam đã điều động 5 máy bay và 7 tàu triển khai trong khu vực xảy ra vụ việc để tìm kiếm máy bay mất tích và sẽ tiếp tục huy động thêm các máy bay và phương tiện cứu hộ. Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đang trực chỉ huy 24/24 giờ, đồng thời thành lập sở chỉ huy phía Nam đặt tại đảo Phú Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lập nhóm công tác đặc biệt ứng trực 24/24 để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Tổng cộng có 40 tàu thủy và 22 máy bay của nhiều quốc gia tham gia hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay./.