Những thách thức về an ninh mạng trong năm 2014

Theo: Vietnam+
07:47, ngày 14-01-2014

Công ty An ninh mạng Bkav chiều 13-1 phát đi thông báo cho biết, tấn công DDoS, phần mềm gián điệp và mã độc trên điện thoại di động là những vấn đề an ninh mạng nổi cộm trong năm 2013 và sẽ tiếp tục là xu hướng của 2014.

 

Trung tâm an ninh mạng tại Hàn Quốc. Trong năm qua,
 nhiều cơ quan chính phủ nước này đã bị tin tặc tấn công (Nguồn: TTXVN)

Cài virus không cần khai thác lỗ hổng

Theo Bkabv, phát tán virus đã thực sự trở thành một ngành "công nghiệp" trong hoạt động gián điệp năm 2013. Ghi nhận của Bkav cho thấy, phần mềm gián điệp đã xuất hiện tại hầu hết các cơ quan quan trọng từ Chính phủ tới doanh nghiệp. Các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) để phát tán.

Cuối năm 2013, việc lợi dụng các file văn bản để cài phần mềm gián điệp đã tiến thêm một bước. Trung tuần tháng 12-2013, Bkav phát hiện một loạt các vụ tin tặc chèn mã độc vào file văn bản không sử dụng lỗ hổng.

Cụ thể, mã độc ẩn dưới hình thức 1 ảnh thu nhỏ được hacker nhúng trực tiếp vào file văn bản. Để đọc nội dung, chắc chắn người dùng sẽ click để mở ảnh lớn hơn và làm như vậy sẽ kích hoạt mã độc.

“Với hình thức này, bất kỳ máy tính nào cũng sẽ bị cài phần mềm gián điệp mà không cần lỗ hổng. Đây là phương pháp sẽ được sử dụng rộng rãi và là xu hướng trong năm 2014,” ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav nhận định.

Mã độc lây chéo giữa máy tính và smartphone

 

 Virus lây lan từ điện thoại và máy tính. (Ảnh Bkav cung cấp)



Bên cạnh đó, với việc kết nối giữa máy tính và Smartphone trở nên phổ biến thì các loại virus cũng đã lây lan. Tháng 11-2013, DroidCleaner và SuperClean là các dòng virus đầu tiên đã có thể thực hiện hành vi lây chéo giữa máy tính và smartphone.

Mã độc có khả năng lây lan đa nền tảng được đánh giá rất đáng lo ngại giữa bối cảnh thế giới của smartphone và máy tính gần như là một. Sự tương đồng này giúp tin tặc dễ dàng tạo ra một malware có thể cùng lúc hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, khai thác tối đa khả năng lây lan.

Năm 2014, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thị trường smartphone đang tăng lên nhanh chóng. Hơn 1 tỷ smartphone được bán ra trên thế giới trong năm 2013 và con số này sẽ là 1,7 tỷ vào năm 2017 (theo IDC). Riêng tại Việt Nam, năm 2013 đã có 17 triệu người sử dụng smartphone và xấp xỉ 7 triệu máy tính đang được sử dụng.

Giả mạo trình duyệt Smartphone

Trong năm 2013, phần mềm giả mạo nhắm tới Smartphone không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn mở rộng đối tượng giả mạo để qua mắt các phần mềm diệt virus và đánh lừa người sử dụng.

Sau ứng dụng Instagram, trò chơi Angry Birds và thậm chí là phần mềm diệt virus bị mã độc mượn danh, đến lượt các trình duyệt phổ biến nhất hiện nay như Firefox, Google Chrome… cũng bị malware đội lốt để tấn công người dùng.

Tháng 11 vừa qua, hàng loạt bản update giả mạo của các trình duyệt này đã được đưa lên các chợ ứng dụng không chính thống, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm cao của người dùng để phát tán mã độc.

DDoS tiếp diễn

 

Sơ đồ tấn công DDoS. (Ảnh Bkav cung cấp)



Trong năm 2013, vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã khiến nhiều báo điện tử của Việt Nam tê liệt. Qua phân tích của các chuyên gia an ninh mạng Bkav, các cuộc tấn công này được thực hiện nhờ một hệ thống botnet khổng lồ, tạo nên từ vô số máy tính của người sử dụng.

Cụ thể, lợi dụng việc người dùng thường tùy tiện tải phần mềm, ứng dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, tin tặc phát tán virus bằng cách chèn mã độc vào các phần mềm phổ biến như Unikey, công cụ quản lý download, chỉnh sửa video… và tung lên các diễn đàn. Người dùng tải những phần mềm giả mạo này đã vô tình biến máy tính của mình thành một zombie (máy tính ma) trong hệ thống botnet.

Bởi vậy, khi người dùng chưa thay đổi thói quen tùy tiện cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, thì việc vô tình tiếp tay cho hacker thực hiện các cuộc tấn công DdoS sẽ còn tiếp diễn./.