Tăng cường thu hút đầu tư các dự án ODA vào các tỉnh Tây Bắc
TCCSĐT - Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh, toàn diện là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kết quả thu hút đầu tư các dự án ODA vào các tỉnh vùng Tây Bắc
Thời gian qua, cùng với các nguồn lực khác được huy động cho phát triển, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo của Việt Nam nói chung và các vùng nghèo, có nhiều khó khăn, trong đó có vùng Tây Bắc.
Tổng vốn ODA được ký kết từ năm 2008 đến ngày 18-11-2013, tại khu vực này đạt khoảng 2.064,99 triệu USD, bao gồm: các chương trình, dự án mà các tỉnh trong vùng được thụ hưởng trực tiếp và do tỉnh quản lý; các chương trình, dự án các tỉnh trong vùng được thụ hưởng và do Trung ương quản lý; và các chương trình, dự án vùng được thụ hưởng trực tiếp do trung ương quản lý. Cơ cấu vốn của các chương trình, dự án ODA chia theo phương thức quản lý và thụ hưởng nêu tại Bảng 1 như sau:
Bảng 1. Cơ cấu ODA theo phương thức quản lý và thụ hưởng
Phương thức quản lý và thụ hưởng | Vốn ODA (Triệu USD) | Tỷ lệ (%) |
Các chương trình, dự án các tỉnh trong vùng được thụ hưởng trực tiếp và do tỉnh quản lý | 1.264,43 | 61,23 |
Các chương trình, dự án các tỉnh trong vùng được thụ hưởng và do Trung ương quản lý | 245,40 | 11,89 |
Các chương trình, dự án vùng được thụ hưởng trực tiếp do Trung ương quản lý (thực hiện tại nhiều tỉnh trong vùng, nhưng không tách riêng phần thụ hưởng cho từng tỉnh) | 555,16 | 26,88 |
TỔNG | 2.064,99 | 100 |
Cơ cấu trên cho thấy, các tỉnh trong vùng được thụ hưởng trực tiếp và các chương trình, dự án ODA do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý chiếm tỷ lệ khá cao, trên 61%. Nguồn vốn ODA nhìn chung được phân bố tương đối đồng đều giữa các địa phương trong vùng với các lĩnh vực phù hợp với chính sách ưu tiên sử dụng vốn ODA của Chính phủ như lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xoá đói giảm nghèo, giao thông vận tải (chủ yếu là giao thông nông thôn), giáo dục và đào tạo, y tế, cấp nước sinh hoạt. Một số công trình đầu tư bằng vốn ODA đã đưa vào sử dụng được Chính phủ và các nhà tài trợ đánh giá đạt được mục tiêu phát triển và có hiệu quả. Đa số chương trình, dự án ODA tại vùng Tây Bắc ở mức quy mô nhỏ và vừa.
Cơ cấu ODA theo ngành và lĩnh vực sử dụng của vùng Tây Bắc giai đoạn 2008 đến 18-11-2013 được thể hiện trong sơ đồ 2.
Sơ đồ 2: Cơ cấu vốn ODA theo ngành và lĩnh vực
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cơ cấu sử dụng ODA trong thời gian qua tại vùng Tây Bắc cho thấy lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo được ưu tiên cao nhất, đạt 731,82 triệu USD, chiếm 35,44% tổng số ODA Chương trình, dự án do địa phương và trung ương quản lý được thụ hưởng trực tiếp.
Một số dự án ODA quy mô vốn lớn trong lĩnh vực này gồm Dự án Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ với tổng giá trị 138 triệu USD; Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với trị giá 165 triệu USD; Dự án Cải thiện đời sống của đồng bào miền núi tỉnh Bắc Kạn do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đồng tài trợ trị giá 21,65 triệu USD… Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như Nhật Bản, Pháp, Lúc-xem-bua, Quỹ Cô-oét, cũng đã và đang đồng tài trợ hoặc tài trợ trực tiếp cho nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo tại vùng Tây Bắc. Nguồn vốn ODA hỗ trợ các tỉnh trong vùng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ cơ bản nhằm nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực năng lượng, vốn ODA được huy động đạt 385,70 triệu USD, chiếm 18,68% tổng vốn ODA chương trình, dự án do địa phương và trung ương quản lý được thụ hưởng trực tiếp của vùng. Nguồn vốn ODA trong lĩnh vực này có một số chương trình, dự án lớn như Thủy điện Nậm Chiến (Sơn La). Những chương trình và dự án ODA năng lượng nói trên đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong vùng.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, vốn ODA chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng vốn ODA Chương trình, dự án do địa phương và trung ương quản lý được thụ hưởng trực tiếp của vùng (6,42%). Vốn ODA đã hỗ trợ tăng cường và phát triển giao thông nông thôn như Dự án Cải tạo đường xá do ADB tài trợ. Dự án nhằm cải thiện kết nối và tạo cơ hội kinh tế cho những người nghèo nhất tại sáu tỉnh miền núi phía Bắc, gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai… Ngoài ra, có một số Dự án tín dụng chuyên ngành của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Cô-oét tài trợ.
Trong thời gian vừa qua, nguồn vốn ODA đã được huy động để ưu tiên cho lĩnh vực phát triển đô thị thông qua các chương trình và dự án chiếm 13,88% tổng vốn ODA Chương trình, dự án do địa phương và trung ương quản lý được thụ hưởng trực tiếp của vùng như dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Lào Cai, Nghệ An do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ…
Trong lĩnh vực cấp thoát nước, y tế, giáo dục và đào tạo, thông qua nhiều dự án như Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Hàn Quốc), Dự án Hỗ trợ ngành Y tế vùng Đông Bắc (WB), Dự án Hỗ trợ y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc (WB), Dự án Bệnh viện đa khoa xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Quỹ Hợp tác phát triển của OFEC (OFID), Dự án Xây dựng bệnh viện đa khoa Yên Bái (Hàn Quốc), Trung tâm giáo dục từ xa huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ (Nhật Bản)… đã cải thiện về tình hình cấp thoát nước, giáo dục và y tế cho các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc.
Lũy kế giải ngân ODA của các dự án đang hoạt động của vùng Tây Bắc đạt khoảng hơn 373 triệu USD.
Đánh giá hiệu quả vốn ODA của vùng Tây Bắc trong thời gian qua
Những kết quả đạt được
Nhìn chung trong thời gian qua, ODA đã được sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo của vùng Tây Bắc, đặc biệt là các chương trình, dự án ODA hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp với xóa đói, giảm nghèo. Những mặt được trong công tác thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA của vùng như sau:
- Thông qua các chương trình, dự án ODA thực hiện tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng đã thể hiện sự đồng tình và ủng hộ chủ trương và chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách trong phát triển giữa các vùng, hỗ trợ các dân tộc thiểu số vốn yếu thế và dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
- Vốn ODA đã góp phần hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Bắc nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs) và của Việt Nam (VNGs) mà Việt Nam đã cam kết và quyết tâm thực hiện.
- ODA đã hỗ trợ nguồn vốn có ý nghĩa cho đầu tư phát triển của các tỉnh trong bối cảnh ngân sách địa phương hạn hẹp và sự hỗ trợ của ngân sách trung ương còn hạn chế, tập trung cho các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nghèo như sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt, y tế, giáo dục…
- Thông qua việc tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA, năng lực cán bộ của các tỉnh trong vùng, nhất là cấp huyện, xã, thôn bản đã được cải thiện.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những mặt được nêu trên, việc thu hút và sử dụng ODA trong thời gian qua của vùng Tây Bắc còn những khó khăn, yếu kém làm hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực, cụ thể như sau:
- Các tỉnh vùng Tây Bắc đa phần là các tỉnh nghèo, ngân sách hạn hẹp chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên khả năng bảo đảm vốn đối ứng của các tỉnh trong vùng cho các chương trình, dự án ODA có nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các dự án ODA trên địa bàn.
- Bên cạnh chính sách chung về thu hút và sử dụng ODA của Chính phủ áp dụng trên phạm vi cả nước, các địa phương trong vùng Tây Bắc chưa chủ động phối hợp nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể thu hút nguồn vốn ODA cho toàn vùng và cho từng địa phương. Điều này đã gây khó khăn cho các bộ, ngành trung ương và các nhà tài trợ nắm bắt nhu cầu cấp bách, ưu tiên của vùng và của các tỉnh trong vùng để có những bước đi phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất.
- Trên địa bàn của các tỉnh trong vùng đồng thời thực hiện nhiều chương trình và dự án thuộc nhiều nguồn hỗ trợ của Chính phủ cũng như của các nhà tài trợ khác nhau cho cùng một lĩnh vực, song thiếu sự lồng ghép và phối hợp tốt giữa các nguồn này, có nơi, có lúc còn trùng lặp về các nội dung chương trình, dự án, do vậy làm tăng chi phí giao dịch, gây quá tải cho năng lực quản lý và thực hiện của một số tỉnh và hạn chế hiệu quả sử dụng ODA.
- Năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp huyện, thôn bản còn nhiều bất cập, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách phân cấp trong quản lý và sử dụng ODA của Chính phủ, hạn chế hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực công nói chung và ODA nói riêng.
- Những thông tin về nguồn ODA, chính sách viện trợ và quy trình thủ tục ODA của các nhà tài trợ, các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng ODA và phản hồi thông tin từ phía các cơ quan trung ương trước những yêu cầu bức xúc của các tỉnh chưa được thực hiện một cách có hệ thống và bài bản.
- Một số quy định và thủ tục của nhà tài trợ còn phức tạp và đôi khi quá cứng nhắc khi áp dụng, chưa tính đến tính đặc thù và hoàn cảnh cụ thể của vùng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình, dự án ODA và hạn chế hiệu quả viện trợ.
Để tăng cường thu hút các dự án ODA vào các tỉnh vùng Tây Bắc
Để vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững tiến tới hòa nhập với sự phát triển chung của kinh tế đất nước, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, yêu cầu có tính chiến lược là phải xây dựng các chính sách đầu tư phù hợp; gắn huy động các nguồn lực trong nước với huy động các nguồn lực bên ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO (các tổ chức phi chính phủ); có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn ODA, NGO,…
Đối với việc thu hút nguồn vốn ODA, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
- Chính phủ có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các tỉnh trong vùng Tây Bắc trong việc nâng cao năng lực quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA từ khâu xây dựng danh mục tài trợ đến khâu xây dựng văn kiện chương trình, dự án, tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình, dự án.
- Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc giới thiệu nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và danh mục kêu gọi ODA tới các đối tác thông qua trang Ngoại giao kinh tế trực tuyến; hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm làm việc, ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác với các đối tác phát triển.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và các nhà tài trợ bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về nguồn cung ODA, chính sách ưu tiên ODA của Chính phủ và của từng nhà tài trợ cụ thể, phản hồi kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý và sử dụng nguồn ODA của các địa phương vùng Tây Bắc.
- Về phía các tỉnh Tây Bắc, cần chủ động nắm bắt những thông tin liên quan đến chính sách, ưu tiên về ODA của các nhà tài trợ để có định hướng vận động thu hút phù hợp. Các tỉnh cần chủ động hơn trong gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác để giới thiệu về nhu cầu và danh mục các dự án kêu gọi ODA. Ngoài ra, các tính cũng nên xem xét khả năng phối hợp tổ chức các hoạt động vận động, xúc tiến mang tính chất liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, chính quyền các địa phương trong vùng phải tập trung hoàn thiện hơn nữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… để tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư./.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014  (14/01/2014)
Việt Nam và Campuchia hướng đến kim ngạch 5 tỷ USD  (13/01/2014)
Ngày 13-01, khai mạc phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (12/01/2014)
Những nhận định thú vị về kinh tế, dân số trong năm 2014  (12/01/2014)
Mặt trận đã tham gia tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp  (12/01/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên