Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tấm gương lớn, nhân cách lớn

Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Quang Đạo Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
10:50, ngày 01-01-2014
TCCSĐT - Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nói đến một vị tướng toàn vẹn, đức độ “sáng trong như ngọc”, tài năng thao lược xuất chúng, Đại tướng của quân đội và cũng là Đại tướng của nhân dân, được toàn dân, toàn quân kính yêu, mến mộ.

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất khiêm nhường, lúc quốc thái thì lo cho dân an, khi có ngoại xâm lại vươn mình như Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc giữ nước, mà thực chất cũng là để an dân. Nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thì quả thật “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt thời nào cũng có”. Và như một quy luật, càng khó khăn, gian khổ bao nhiêu, những phẩm chất tuyệt vời của con người Việt Nam, của các “hào kiệt” càng tỏa sáng bấy nhiêu. Trong thế kỷ XX, trong thời đại Hồ Chí Minh, trước những thử thách nghiệt ngã chưa từng có trong lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra cả một “thế hệ vàng” những người lãnh đạo kiệt xuất. Nguyễn Chí Thanh là một trong những người Việt Nam như vậy. 

Tận trung, tận hiếu với nước, với dân

Ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nhưng lại giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, lại đúng vào thời kỳ mà thực dân Pháp cấu kết chặt chẽ với phong kiến bán nước xiết chặt ách áp bức, bóc lột đối với nhân dân ta. Mới 14 tuổi, ông đã tham gia những hoạt động chống thực dân, phong kiến, sau đó sớm đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Lòng yêu nước, chí cách mạng, với tài năng thiên bẩm lại được rèn luyện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đấu tranh vũ trang, được sự tin yêu của Đảng và Bác Hồ, tất cả đã làm nên một nhân cách, một tài năng Nguyễn Chí Thanh. Chính cuộc đời hoạt động hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của ông đã để lại cho lớp lớp các thế hệ chúng ta một tấm gương mẫu mực, một tấm gương “sáng trong như ngọc một con người”(1). 

Trước hết, đó là tấm gương tận trung, tận hiếu với nước, với dân, với Đảng, với Bác Hồ. Lăn lộn trong phong trào cách mạng, lúc tham gia, lúc được giao trọng trách, lúc hoạt động bí mật, lúc công khai, cả khi bị tù đày, bao giờ ông cũng giữ vững lòng trung ấy. Lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của ông xuất phát tự đáy lòng, không khiên cưỡng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với bất cứ nhiệm vụ gì, ông đều tận tâm, tận lực vì Đảng, vì dân. Lòng trung thành vô hạn hiển hiện cả trong lời nói, trong bài viết, và nhất là trong việc làm. Tất cả đều nhất quán, trở thành bản lĩnh Nguyễn Chí Thanh. Nhiệt huyết trong ông sôi sục nhưng vẻ ngoài lại hết sức bình thản, giản dị đến gần gũi. Không chỉ giữ riêng cho mình lòng trung thành, nhiệt huyết cách mạng, ông còn truyền cảm hứng cho đồng chí, đồng bào, cho người dân, người lính. Những ai từng ở bên ông đều cảm nhận được ý chí, tình cảm cách mạng của ông. Cũng rất nhiều người, nhất là thế hệ sau, cả đời chưa từng được gặp cũng ngưỡng mộ ông, bởi “danh bất hư truyền”. Vậy là, không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề học tập ông, mà thực tế từng người dân, từng chiến sĩ nhiều thế hệ đã học ông rồi. 

Tài năng lãnh đạo, tổ chức thực tiễn 

Luôn coi thực tiễn là mảnh đất hiện thực cho mọi hoạt động và là đích đến của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là tấm gương một con người gắn bó với thực tiễn. Bản lĩnh, tư cách và năng lực của ông là yếu tố quyết định để Đảng và Bác Hồ tin cậy, giao cho ông những trọng trách lớn, đa lĩnh vực, có khi tưởng chừng trái ngược nhau, mà đó lại là những lĩnh vực, những công việc đòi hỏi đến tài năng lãnh đạo, tài năng tổ chức thực tiễn. 

Lúc làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên rồi Bí thư Liên khu ủy Khu 4, ông đã khơi dậy và giữ vững phong trào cách mạng ở một địa bàn mà địch đàn áp khốc liệt, phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích ngay trong lòng địch. Từ chính mảnh đất này, ông nổi danh là “Vị tướng du kích”

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động đấu tranh vũ trang, đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của quân đội, ông lại được phân công làm Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Với cương vị này, ông đã nghiên cứu và nắm vững bản chất của quân đội, một quân đội của dân, do dân, vì dân; tìm hiểu và nắm vững tình hình tư tưởng và nhận thức chính trị của bộ đội, tình hình công tác tổ chức và cán bộ của quân đội, để từ đó có những chủ trương đẩy mạnh công tác chính trị lên một tầm cao mới. Chính ông là người đã đặt nền móng vững chắc cho hệ thống công tác chính trị trong quân đội, làm cho công tác này thật sự trở thành “linh hồn và mạch sống của quân đội”. Và cũng chính sự phát triển vững chắc của công tác chính trị thời kỳ này đã góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu, dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ lịch sử. 

Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền Bắc mà còn tác động tới cách mạng cả nước, ông lại lĩnh mệnh lệnh của Đảng, của Bác Hồ phụ trách công tác nông nghiệp của Đảng. Vị “Đại tướng nông dân” của chúng ta lại xắn quần lội ruộng cùng bà con nông dân, trăn trở với những mảnh ruộng, những cánh đồng để bật lên một phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong. Năm 1964, khi Đảng ta nhận định trên miền Bắc, “10 năm qua, đất nước, xã hội, con người đều đổi mới”, thì có lẽ sự đổi mới và khởi sắc ấy chủ yếu và trước hết ở nông thôn. “Đại tướng nông dân” đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn đó. 

Đang ở mặt trận nông nghiệp, khi cách mạng miền Nam đứng trước yêu cầu mới phải chuẩn bị và trực tiếp đối mặt với quân viễn chinh Mỹ, ông lại nhận nhiệm vụ vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, chịu trách nhiệm trước Trung ương đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam và nhất là mặt trận đấu tranh vũ trang lên một cao trào mới. Bám sát cuộc sống và chiến đấu của quân, dân miền Nam, nắm chắc những động thái của địch, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, ông đã kịp thời kiến nghị với Trung ương những vấn đề có tầm chiến lược. Nhờ sâu sát bộ đội mà ông đã khái quát những phương châm chiến lược và cũng là cách để chúng ta khẳng định quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Đó là “bám thắt lưng địch mà đánh”; rằng chúng ta hoàn toàn có thể đánh Mỹ, thắng Mỹ về quân sự; cần kết hợp hai chân (chính trị và quân sự), ba mũi (chính trị, quân sự và binh vận), ba vùng (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị)... 

Có thể nói, ở đâu, lúc nào ông cũng bám sát dân, bám sát bộ đội, phân tích thực tiễn và tìm ra những vấn đề mà thực tiễn đang cần câu trả lời. Cũng nhờ có hoạt động thực tiễn như vậy, ông giải quyết thành công nhiều vấn đề nóng bỏng trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự chuyển biến có ý nghĩa chiến lược của cách mạng. Bởi vậy, Nguyễn Chí Thanh là một nhà lý luận, có biệt tài khái quát lý luận, nhưng lý luận của ông hòa quyện nhuần nhuyễn với thực tiễn, chẳng những có giá trị chỉ đạo thực tiễn mà còn đi thẳng vào lòng người, đi thẳng vào quần chúng, trở thành sức mạnh của phong trào cách mạng. 

Tư duy năng động, dám nghĩ, dám làm

Học tập Nguyễn Chí Thanh là học tập một mẫu mực về tư duy năng động, nhạy bén, sắc sảo và cũng là một mẫu mực về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trung thành với lý luận mácxít, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối, quan điểm của Đảng, nhưng ông luôn vận dụng sáng tạo trong tình hình cụ thể, ở những nhiệm vụ, lĩnh vực, hoàn cảnh cụ thể. Có cơ sở nắm bắt chắc chắn tình hình thực tiễn, ông dám sáng tạo, dám đề xuất ý kiến. Những đề xuất của ông thể hiện đúng “tinh thần xử trí mọi công việc” mà Bác Hồ yêu cầu khi học tập lý luận. Gắn bó với thực tiễn, gắn bó với nhân dân, ông nhấn mạnh phải theo “đường lối quần chúng”, phải học tập quần chúng, học tập nhân dân, nhưng ông đề cao vai trò người lãnh đạo, phê phán lối làm việc kiểu theo đuôi quần chúng. Nhờ gắn bó và học tập quần chúng, học tập nhân dân mà ông tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, rèn giũa được tư duy, củng cố được nhận thức lý luận.

Là con người của những đột phá, đột phá trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá trong tổ chức thực tiễn, nhưng trước hết Nguyễn Chí Thanh là con người đột phá từ chính tư duy. Có thể nói, ông xuất hiện ở đâu thì ở đó có cái mới, ở đó tình hình có những chuyển biến tích cực. Đấu tranh chính trị, gây dựng và củng cố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên đẩy lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chiến tranh du kích và từng bước gây dựng lực lượng chủ lực, chuẩn bị cho những trận đánh lớn hơn; bám sát bộ đội - những người nông dân mặc áo lính, giáo dục lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho họ, làm cho họ trở thành chiến sĩ cách mạng được vũ trang; bám sát nông dân và mặt trận nông nghiệp, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển biến tình hình nông thôn; bám sát chiến trường miền Nam, bám sát bộ đội, du kích và đồng bào, dấy lên phong trào “bám thắt lưng Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”, nhân rộng mô hình “Vành đai diệt Mỹ”… 

Thực tiễn ấy đã chứng tỏ ở ông luôn tiềm tàng một tư duy cách mạng mà khoa học, trung thành mà sáng tạo. Và chính ông luôn cổ vũ cho sự sáng tạo ấy ở tất cả mọi người. 

Mẫu mực trong chống chủ nghĩa cá nhân

Học tập Nguyễn Chí Thanh là học tập một tấm gương sáng trong về đạo đức cách mạng, tấm gương mẫu mực về chống chủ nghĩa cá nhân. Chưa bao giờ tự cho mình là tấm gương đạo đức, nhưng đạo đức và lối sống của ông, phong cách và việc làm của ông được mọi người cảm phục, tự giác noi theo. 

Sinh thời, Bác Hồ gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc - giặc nội xâm, một thứ giặc nguy hiểm hơn cả lũ xâm lược, vì nó luôn ẩn náu ở trong mỗi chúng ta, phải luôn cảnh giác và kiên quyết chống lại nó. Nguyễn Chí Thanh là một trong những người học trò đầu tiên của Người đã nổ những phát súng đầu tiên vào lũ giặc này. Không chỉ nói và viết để chống chủ nghĩa cá nhân, chính cuộc sống của ông - một con người liêm khiết, thanh bạch, giản dị, không màng danh lợi, chỉ một lòng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao phó, tự nó đã làm nên một tấm gương đạo đức. 

Một bài viết nhỏ, lại bàn về việc học tập một tấm gương lớn; một cách tiếp cận lại bàn về một con người toàn vẹn đức tài đã đi vào những trang lịch sử hào hùng nhất của dân tộc, quả thật là khó. Điều muốn nói thêm, là để học tập tấm gương Nguyễn Chí Thanh, hãy học chính cái sự học của ông. Học ở nhà trường - một phần, học ở sách vở - một phần, còn cả đời ông đã học tập quần chúng, học nhân dân, học đồng chí, đồng bào, và đặc biệt học Hồ Chí Minh. Nhờ có học tập, học tập sáng tạo, ông là Nguyễn Chí Thanh - cái tên mà ông vinh dự được chính Bác Hồ đặt cho! 

--------------------------------------

(1) Tên vở chèo của tác giả Nguyễn Quang Vinh, do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSƯT Đào Bá Lê chỉ đạo nghệ thuật.