Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23-12 đến ngày 29-12-2013)
TCCSĐT - Báo cáo tổng kết hoạt động ngoại giao năm 2013 của Bộ Ngoại giao Nga đánh giá: Tâm điểm chú ý trong chính sách đối ngoại của Nga là huy động nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực.
Nhiều nước đón Giáng sinh trong thời tiết khắc nghiệt
Thời tiết mưa lạnh tại khu vực Tháp Ép-phen ở Pa-ri (Pháp) ngày 24-12-2013. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 24-12-2013, bão lớn với gió giật mạnh kèm theo mưa xối xả quét qua nước Anh và Pháp đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Năm nay, người dân nơi đây phải trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh vô cùng tồi tệ do hệ thống giao thông tê liệt và hàng chục nghìn hộ gia đình sống trong cảnh mất điện. Tại Anh, nhà chức trách cho biết dù đã được khắc phục, song vẫn còn khoảng 130.000 hộ phải chịu cảnh mất điện nhiều ngày liền. Giao thông hàng không, đường bộ, đường sắt bị đình trệ trên toàn nước Anh và xứ Uên. Cơ quan Môi trường Anh đã ban bố cảnh báo lũ tại 276 điểm trên toàn quốc và có tới 162 điểm cảnh báo lũ lớn, hầu hết ở vùng Tây Nam và Đông Nam nước này.
Tại Pháp, Cơ quan khí tượng nước này đã công bố “báo động cam” (mức nguy hiểm thứ hai) đối với 23 trong tổng số 96 khu vực hành chính ven biển trong nước, nơi phải chống chọi với sóng to và gió lớn từ bão. Theo thống kê có tới 145.000 hộ gia đình bị mất điện, chủ yếu là ở khu vực Tây Bắc Brít-ta-ni và hệ thống giao thông bị đình trệ tại nhiều khu vực trên khắp cả nước. Ngoài ra, bão cũng mạnh dần lên tại Ai-len, khiến hơn 5.000 đường truyền di động ngoài vùng phủ sóng trong cả tuần do gió quá mạnh. Tình trạng thời tiết tồi tệ cũng xảy ra tại Bắc Mỹ, khiến người dân phải đón Nô-en trong băng tuyết và giá lạnh bất thường. Tại Mỹ, hơn 500.000 hộ gia đình và doanh nghiệp rơi vào cảnh mất điện. Người dân phải hoãn các kế hoạch di chuyển do hệ thống giao thông tê liệt và hơn 7.000 chuyến bay tại các thành phố lớn như Niu Oóc, Oa-sinh-tơn và Chi-ca-gô bị hoãn lại so với lịch trình.
Liên minh kinh tế Âu - Á sẽ ra mắt vào năm 2015
Liên minh kinh tế Âu - Á gồm 3 nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan có thể ra mắt vào năm 2015 vì các bên đã đạt được sự đồng thuận ở cấp chuyên gia đối với phần lớn các điều khoản trong hiệp định thành lập liên minh kinh tế mới ở không gian hậu Xô-viết này.
Phát biểu trước báo giới sau phiên họp Hội đồng Kinh tế tối cao Âu - Á (cấp nguyên thủ quốc gia) ngày 24-12-2013 tại Thủ đô Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga V. Pu-tin đưa ra tuyên bố trên, đồng thời nhấn mạnh rằng các chuyên gia đã đạt được sự đồng thuận về quy chế pháp lý quốc tế, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Liên minh kinh tế mới, cũng như những nguyên tắc cơ bản của quá trình hội nhập Âu - Á.
Trong đó, trung thành với nguyên tắc hợp tác dựa trên cơ sở bình đẳng, công bằng và cùng có lợi, hướng đến phát triển toàn diện, củng cố khả năng cạnh tranh của nền kinh tế các nước thành viên và nâng cao mức sống của người dân.
Theo ông V. Pu-tin, sắp tới 3 nước sẽ soạn dự thảo thỏa thuận, ghi rõ cam kết cụ thể của các bên về việc bảo đảm hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân công được lưu thông tự do. Tổng thống V. Pu-tin bày tỏ tin tưởng hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Âu - Á sẽ được ký kết trước tháng 5-2014 và đến hết năm sau, tất cả các văn kiện giấy tờ cần thiết sẽ được phê chuẩn.
Nga ưu tiên nguyên tắc bình đẳng và tin cậy trong quan hệ quốc tế
Tổng thống Nga V. Pu-tin: Tâm điểm chú ý trong chính sách đối ngoại của Nga là huy động nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực. Ảnh: TTXVN
Báo cáo tổng kết hoạt động ngoại giao năm 2013 của Bộ Ngoại giao Nga, được đưa ra ngày 26-12-2013, đánh giá: Tâm điểm chú ý trong chính sách đối ngoại của Nga là huy động nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực. Đặc biệt, nhờ lập trường của Nga, các bên đã tránh được một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri, có nguy cơ gây bất ổn trong và ngoài khu vực. Hiện Nga đang tiếp tục cùng các đối tác thúc đẩy tổ chức hội nghị quốc tế về Xy-ri.
Tiếp đó, nhờ đường lối do Tổng thống Nga đề ra là nguyên tắc cùng phối hợp và theo từng giai đoạn, Nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) và I-ran đã đạt được một thỏa thuận cân bằng, giúp tiến gần hơn tới giải pháp thực tế cho một trong những vấn đề phức tạp và kéo dài trong chính trị thế giới, giúp củng cố sự ổn định, lòng tin và an ninh tất cả các quốc gia trong khu vực, gồm cả I-xra-en.
Liên quan quan hệ với các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mát-xcơ-va hướng tới xây dựng quan hệ với Mỹ trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau. Nga chủ trương tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và chuyển sang chế độ miễn thị thực cho công dân của cả hai nước nhằm phát triển toàn diện quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nga và Trung Quốc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở tin cậy và bình đẳng. Trong năm nay, hai nước tiến hành 3 cuộc gặp cấp nguyên thủ. Trung Quốc tiếp tục là một trong những đối tác thương mại chính của Nga.
Trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), hai bên đã đề ra các biện pháp phát triển hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như tự do hóa thị thực, năng lượng, thương mại, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai và thảm họa môi trường. Nga chủ trương tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn trong EU như Đức, Pháp và I-ta-li-a, cũng như hợp tác mang tính xây dựng với Anh.
Trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Nga đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao lòng tin giữa hai bên. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga vẫn là củng cố quan hệ đối tác với các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), thúc đẩy tiến trình liên kết trong không gian Âu - Á, tiếp tục phát triển hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể...
Diễn đàn Nhân dân thu hút các thành phần xã hội
Từ ngày 28-12 đến ngày 30-12-2013, Diễn đàn Nhân dân Mi-an-ma, với sự tham gia của 150 cá nhân thuộc các thành phần xã hội khác nhau, đã được tổ chức nhằm chuẩn bị cho công tác chủ nhà Diễn đàn Nhân dân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2014. Mục tiêu của Diễn đàn là tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội Mi-an-ma có thể tìm hiểu và gắn kết lẫn nhau, đồng thời chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm để cùng nhau vượt qua những thử thách đưa đất nước phát triển. Các nội dung chính mà Diễn đàn đưa ra thảo luận bao gồm các vấn đề nhân quyền và quyền bình đẳng, hòa bình, phát triển và cải cách.
Ngoài ra, Diễn đàn cũng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tìm kiếm giải pháp và cách thức để thực hiện các khuyến nghị đã được đưa ra trong Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm ngoái. Mục đích của Diễn đàn Nhân dân thường niên ASEAN là phát huy vai trò của các thành phần xã hội và lắng nghe ý kiến của người dân nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân. Các khuyến nghị được đưa ra trong Diễn đàn Nhân dân ASEAN sẽ được trình lên các diễn đàn cấp cao của ASEAN.
Trong năm 2014 - năm Mi-an-ma giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, khoảng 240 hội nghị cấp khu vực sẽ được diễn ra tại thành phố Yang-gun, Thủ đô Nay-pi-tô cùng các địa điểm Man-đa-lây và Ba-gan./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-12-2013  (01/01/2014)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam  (01/01/2014)
Khởi động chuyến bay dân sự đầu tiên từ Mỹ đến Cuba  (01/01/2014)
Hà Nội phấn đấu giảm các vụ cháy nổ trong năm 2014  (01/01/2014)
Đẩy mạnh chương trình nha học đường trong năm 2014  (01/01/2014)
Người dân thế giới bắt đầu chào đón Năm Mới 2014  (01/01/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên