Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12
Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế, với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng” đã diễn ra ngày 12-11-2013, tại Hà Nội.
Đối thoại do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức.
Đến dự và phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hiện đang tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và nhiều Hiệp định thương mại tự do khác. Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Việt Nam mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ và là một nội dung quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; lực lượng vũ trang và những người có trách nhiệm quản lý phần vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp... các quy định về "tham nhũng trong khu vực tư" ít được đề cập. Tuy nhiên, Việt Nam cũng luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007 quy định rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Hoan nghênh việc các cơ quan đồng chủ trì đã lựa chọn chủ đề "vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng," Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn, xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ. Đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một "giải pháp" trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành "nhóm lợi ích." Đồng thời, hoạt động quản trị doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng bản sắc riêng tạo thành văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền cũng và thực hành Liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi.
Phó Thủ tướng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; trong đó có Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò quan trọng, là người đề xuất, tổ chức thực hiện các Sáng kiến trong cộng đồng doanh nghiệp thành viên để các doanh nghiệp cùng hành động, thực hiện liêm chính. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện, thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi những nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng. Các cơ quan truyền thông cần phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng...
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes đánh giá cao sự nỗ lực của Thanh tra Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan trong việc đảm đương nhiệm vụ, với cam kết mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại sứ Antony Stokes nhận định: "Sức khỏe nền kinh tế" của Việt Nam và các nước trên thế giới có thể yếu đi do tham nhũng - đây là thách thức không nhỏ. Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là người tham gia trong việc đưa hối lộ. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ là người đi đầu trong câu chuyện phòng chống tham nhũng, tiến tới sự liêm chính, minh bạch.
Báo cáo về kết quả nghiên cứu “tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp-thực trạng và giải pháp,” bằng hình thức khảo sát các văn bản, thông tin, phỏng vấn với hơn 830 người tại 232 doanh nghiệp của Thanh tra Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng cho biết hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng tham nhũng được coi là vấn đề đáng quan ngại. Hơn 70% doanh nghiệp tự động đưa “hối lộ nhỏ” cho cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công để giải quyết công việc nhanh chóng. 81% doanh nghiệp cho rằng “tham nhũng vặt” gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp. .
Đối với hối lộ thương mại (tham nhũng, hối lộ trong quan hệ giữa doanh nghiêp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), theo báo cáo của Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI), 68% doanh nghiệp tư nhân phải chi trả hoa hồng (trực tiếp hoặc trung gian) để có hợp đồng với doanh nghiệp Nhà nước... Trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp, 68,7% doanh nghiệp cho rằng có tình trạng ăn chia, hối lộ trong quan hệ giữa các công ty mẹ với các công ty con; 64,7% cho rằng các cấp quản lý trong doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân...
Nghiên cứu đưa ra các kiến nghị: mở rộng đối tượng điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực tư nhân; xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử của doanh nghiệp” và vai trò của doanh nghiệp đối với xã hội; hoàn thiện cơ chế quản trị, phòng ngừa “xung đột lợi ích,” giảm thiểu tình trạng tham nhũng, gian lận trong nội bộ doanh nghiệp; giải quyết hài hòa lợi ích của chủ sở hữu, người điều hành, người lao động trong các doanh nghiệp.
Theo cố vấn thể chế Bộ Phát triển Vương quốc Anh tại Việt Nam Nguyễn Thị Kim Liên, tham nhũng không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước mà còn giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân. Các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng là hải quan, thuế, đấu thầu và cấp phép. Tham nhũng đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh công bằng, giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư "sạch." Doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống tuân thủ nội bộ nhằm chống lại tham nhũng, trong đó liêm chính được xem là giá trị cốt lõi. Đồng thời, từ cấp lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp cần có các chính sách không khoan nhượng đối với tham nhũng; đưa ra hệ thống tuân thủ nghiêm ngặt "Ngăn chặn - phát hiện - phản hồi;" phối hợp với các doanh nghiệp khác xây dựng các chương trình thúc đẩy minh bạch và đạo đức kinh doanh; sẵn sàng nói "KHÔNG" với tham nhũng...
Tại Đối thoại, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế đã khẳng định những nỗ lực củaViệt Nam và những kết quả đã đạt được trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực thi có hiệu quả luật và các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, mở rộng luật phòng, chống tham nhũng bao quát cả khu vực tư nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để có thể tham gia vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng...
Kết thúc Đối thoại, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong đánh giá chung về những tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, những kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng nói chung và sự tham gia của các doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Đại diện các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tiếp tục khẳng định cam kết tục ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng./.
Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga  (12/11/2013)
Liên hợp quốc đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão Haiyan (bão số 14) của Việt Nam  (12/11/2013)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014  (12/11/2013)
Khắc phục hạn chế của Luật Công chứng hiện hành  (12/11/2013)
Đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng  (12/11/2013)
“Biển Đông thời gian tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc”  (12/11/2013)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay