Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất và tăng lượng tiền mặt cấp cho các ngân hàng nhưng cuộc khủng hoảng của kinh tế Mỹ dường như vẫn đang trầm trọng hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã phân tích và đưa ra những yếu tố dẫn tới tình trạng hiện nay của kinh tế Mỹ.

Yếu tố thứ nhất bắt đầu từ năm 2001. Lạm phát bị đầy lui và lãi suất hạ, nhất là sau vụ khủng bố 11-9. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng bắt đầu từ đây. Đó là thời điểm mà FED đã bơm tiền vào nền kinh tế của Mỹ và giảm dần lãi suất cơ bản từ mức 3,5% năm hồi tháng 8-2001 xuống còn 1% vào giữa năm 2003.

Giải pháp nới lỏng tiền tệ nhìn chung đã giúp cho việc vay tiền ngân hàng dễ dàng hơn và hạ thấp chi phí trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế nhưng đồng thời nó cũng làm đồng tiền bị mất giá và dẫn tới lạm phát. Hơn nữa, FED đã giữ lãi suất quá thấp như vậy trong một thời gian quá dài.

Yếu tố thứ hai là những khoản vay lãi suất thấp kích thích việc mua nhà. Vào thời điểm 2006-2007, các ngân hàng thương mại và đầu tư đã tạo nới lỏng việc cho vay mua nhà dành cho những đối tượng vay ít tin cậy. FED đã không kiểm soát những thực tế giống như “con dao hai lưỡi” này. Kết quả là bất kỳ ai cũng có thể vay tiền mua nhà, cho dù họ ít có khả năng và thậm chí không có khả năng trả nợ.

Lãi suất thấp khiến nhiều người đổ xô mua nhà đã thổi lên “bong bóng” địa ốc. Giá nhà lên cao khiến các ngân hàng cảm thấy an toàn để đem tiền cho những người không có khả năng trả nợ vay bởi các ngân hàng cho rằng, nếu những người vay không trả nợ được, họ sẽ tịch thu nhà với giá trị đã được đẩy lên cao hơn. Mọi việc cứ suôn sẻ như vậy chừng nào giá nhà vẫn tăng, nhưng một khi giá nhà lên đến đỉnh điểm và bắt đầu giảm, các điều kiện cho vay bị thắt chặt, khi đó các ngân hàng bỗng thấy họ đang sở hữu những ngôi nhà mà giá trị của nó không đủ bù đắp giá trị của các khoản vay.

Yếu tố thứ ba chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao cả một hệ thống tài chính hùng mạnh bị điêu đứng khi mà những loại nợ tín dụng địa ốc (được hình thành do việc cho vay tiền mua nhà) trên thị trường tài chính Mỹ chỉ khoảng 500 tỉ USD - một con số nhỏ so với năng lực của thị trường?

Để trả lời câu hỏi trên, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích: Trước hết phải bắt đầu giải thích từ phép đòn bẩy trong kinh doanh. Khi làm ăn có lời, ai cũng có thể nghĩ đến việc vay thêm tiền để phát triển hoạt động. Người ta gọi đó là tác dụng đòn bẩy nhờ tiền đi vay. Nhưng khi đi vay thì phải có gì đó làm vật đảm bảo. Trong hệ thống tài chính Mỹ, vật đảm bảo này nhiều khi là một gói nợ hay một tờ giấy nợ quy định một tài sản sẽ trở thành lưu hoạt, thành tiền mặt, khi đến kỳ đáo hạn.

Tưởng tượng rằng gói nợ ấy là một “cái kén” có nhiều lớp, bên trong chứa nhiều loại nợ tín dụng địa ốc. Công ty tài trợ địa ốc đã lấy tiền hoa hồng của khách sau khi nắm lấy tờ giấy nợ, họ bán giấy nợ ấy cho một tổ hợp tài chính khác. Tổ hợp này gom các giấy nợ đó thành gói như một cái kén, bên trong có đủ loại xấu tốt, và dùng đó làm tài sản cầm thế để vay thêm tiền tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực khác. Các ngân hàng và tổ hợp đầu tư tài chính đã trao đổi những “kén thối” ấy trong những quan hệ chằng chịt như tơ vò mà không thể biết đích xác bên trong xấu, tốt ra sao. Các bản quyết toán của ngân hàng khi đó xuất hiện đầy những khoản cầm cố, được khoanh bằng những hình thức rất phức tạp khiến cho việc đánh giá các nguy cơ trở nên vô cùng khó khăn. Các công ty chuyên về định giá tài sản cũng không rõ và lại định giá theo kiểu lạc quan.

Khi giá nhà lên đến đỉnh điểm, các khoản vay chậm lại và giá nhà bắt đầu hạ. “Bong bóng” nhà nổ vào những tháng cuối năm 2007 và ngân hàng với những khoản cầm cố lớn buộc phải công bố báo cáo về những khoản thất thu khổng lồ.

Sau khi thấy rõ giá trị thực của tài sản mình nắm giữ, không còn ai muốn ôm lấy những “kén thối” ấy nữa. Khủng hoảng tín dụng địa ốc dẫn tới khủng hoảng của thị trường vay nợ là thị trường trái phiếu. Kết quả, những ngân hàng hay cơ sở tài chính không có thanh khoản rơi vào hoàn cảnh gọi là vỡ nợ kỹ thuật - có tài sản mà chưa thể chuyển ra hiện kim vì là nợ chưa đáo hạn. Cộng thêm tâm lý dân chúng hốt hoảng vì sợ ngân hàng vỡ nợ thì tiền ký thác của mình bị mất nên kéo nhau rút tiền, dẫn tới ngân hàng bị phá sản như trường hợp của Bear Strams - một ngân hàng vào loại bậc nhất của thị trường tài chính Mỹ.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của FED, bắt đầu từ cuối năm ngoái để tránh suy giảm kinh tế, nay lại gây ra lạm phát chứ không giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi. Giá dầu, lương thực và vàng tăng lên đến mức cao nhất trong lịch sử và đồng USD cũng mất giá đến mức chưa từng có. Nhiều nhà phân tích đánh giá, nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ khó có thể ngăn chặn được nguy cơ sụp đổ mà có khi còn tạo ra tình trạng lạm phát và kinh tế suy giảm hơn nữa.