TCCSĐT - “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng máu của mình” - câu nói chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) cách đây 40 năm đã đi vào lịch sử. Những người dân Quảng Trị đã khắc sâu tình cảm của mình với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.

Cách đây vừa tròn 40 năm, khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta vẫn đang trong giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô - người anh hùng của đất nước Cu-ba, đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam, vào vùng tuyến lửa Quảng Trị. Với mong muốn tận mắt chứng kiến chiến trường ác liệt và cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, gặp gỡ đồng bào và chiến sĩ miền Nam, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tới thăm Quảng Bình và Quảng Trị.

 

Là nguyên thủ nước ngoài duy nhất tới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Quảng Trị nói riêng.

 

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri (Paris) được ký kết, trong hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam còn rất ác liệt, dẫu bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô vẫn thu xếp đến thăm và động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

 

Nhà báo Gioan Ma-rê-rô (Juan Marrero), một trong số ít các nhà báo Cu-ba có vinh dự được tháp tùng Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô không thể nào quên chuyến thăm lịch sử này. Nhà báo cho biết, dưới cái nóng hơn 30 độ C, hàng nghìn người dân Việt Nam đã chào đón Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô và phái đoàn Cu-ba trong suốt quãng đường dài hơn 10km...

 

Ấn tượng về chuyến thăm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Hoàng Lương - người được trực tiếp tham gia vào chuyến thăm ấy. Đồng chí Hoàng Lương kể lại, trên đường từ sân bay về Phủ Chủ tịch, hàng nghìn người dân Hà Nội đứng hai bên đường tay cầm cờ hoa đón chào, hô vang: “Viva Cuba! Viva Fidel!”. Có nơi Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô còn dừng xe bắt tay người dân Hà Nội. Không khí vô cùng sôi động. Tại Phủ Chủ tịch, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đón và hội đàm với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Trong chuyến đi này, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã thực hiện được một trong những ước nguyện của mình là tới thăm vùng đất mới được giải phóng - Quảng Trị và gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

Sáng ngày 15-9-1973, một chuyến bay đặc biệt đã đưa Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Cu-ba và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới Đồng Hới (Quảng Bình), để tiếp tục đi bằng ô-tô vào Quảng Trị. Trong suốt thời gian trên máy bay cũng như đi trên đường, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô chăm chú quan sát, nhìn thấy những cánh đồng, đoạn đường, cầu cống và làng mạc bị bom đạn cày xới, nét mặt của Chủ tịch nghiêm lại, đồng cảm và chia sẻ với những hy sinh mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam. Đoàn xe đi được khoảng 20km từ Đồng Hới, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô bỗng nhiên đề nghị cho dừng xe vì nhìn thấy một số người đang cáng một người bị thương. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống xe và hỏi thăm ân cần nữ thanh niên mới 17 tuổi bị thương do bom bi nổ khi cô đang cùng Đoàn Thanh niên địa phương lấp hố bom. Xúc động mạnh mẽ, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tức thời lệnh cho Đại sứ Cu-ba Van-đe Vi-vô (Valdes Vivo) bố trí ô-tô chở nạn nhân ra Vĩnh Linh cấp cứu và đồng thời, quyết định giúp Việt Nam xây dựng một bệnh viện tại Đồng Hới. Tinh thần: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình” đã thể hiện trong từng cử chỉ của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.

Sau buổi gặp mặt với đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại “thủ đô” Cam Lộ (Quảng Trị), Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đi thăm và dự mít-tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm, vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng, nơi vẫn còn ngổn ngang xác xe tăng, thiết giáp, đại bác của địch. Với vóc dáng to lớn, oai phong lẫm liệt, trong bộ quân phục xanh ô liu, đội mũ lưỡi trai, đi giày cao cổ, được các chiến sĩ giải phóng bao quanh, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô to như mệnh lệnh: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!”, “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!”.

 

Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đặc biệt ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta, kịch liệt lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Cu-ba anh em đối với chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, của Quân Giải phóng miền Nam anh dũng đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng từng phần Tổ quốc Việt Nam yêu quý và đánh giá “chiến thắng này có ý nghĩa cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới”.

 

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và sự hiện diện của nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Cu-ba anh em, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đặt chân tới tuyến lửa ở vùng đất vừa mới được giải phóng ở miền Nam Việt Nam đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta, nhất là nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Bắc - Nam.

 

Chuyến thăm này của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam, đặc biệt là với nhân dân Quảng Trị. Nhiều người may mắn được đón tiếp Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đến giờ vẫn không quên được không khí vui mừng của nhân dân Quảng Trị khi được đón Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Đồng chí Lê Văn Hoan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị cho biết: Người dân Quảng Trị hết sức vinh dự khi được đón một Nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đến vùng giải phóng. Vì vậy, khi nghe Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đến thăm, người dân rất hào hứng, phấn khởi...

 

Đã 40 năm trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Hương ở phường 1, thành phố Đông Hà không bao giờ quên thời khắc được gặp Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (chị chính là người được Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cứu sống mà nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Hoàng Lương nhắc đến ở trên). Chị Hương xúc động kể, ngày đó, trong khi chị làm nhiệm vụ lấp hố bom phía Bắc cầu Hiền Lương thì gặp phải một trái bom phát nổ. Trong giờ phút nguy nan đó, chị Hương được Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dùng xe của đoàn công tác đưa chị đi cấp cứu kịp thời. Là người hết sức may mắn được Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cứu sống, chị Hương xem Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô như người Cha đã sinh ra mình lần thứ hai.

 

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô là một trong số ít phóng viên may mắn được chứng kiến gần như trọn vẹn chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô từ khi đoàn của Chủ tịch đến cầu Hiền Lương cho đến ngày cuối của chuyến thăm Quảng Trị. Những “Khoảnh khắc với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô” tại Quảng Trị năm 1973 là một trong những dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt cuộc đời cầm máy của ông và mới đây, chính ông cũng là người đứng ra tổ chức một không gian triển lãm ảnh Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.

 

Kể lại câu chuyện 40 năm trước, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô là cán bộ thuộc Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, ông cho biết, một ngày đầu tháng 9-1973, ông được Trưởng ty An ninh Quảng Trị thông báo “chuẩn bị ngay đồ nghề tác nghiệp rồi sang chỗ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới...”. Ông xách túi đồ nghề sang gặp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản và được giao nhiệm vụ: “Kể từ bây giờ chú ở lại đây với tôi. Khi nào tôi cầm mũ là chú xách máy móc phương tiện nghề nghiệp ra xe. Đi đâu, đến đó mới biết”. Nhiệm vụ giao nghe rất “úp mở” khiến ông cứ bồn chồn hồi hộp. Năm ngày trôi qua, ông như một cái máy, ăn ngủ không yên. Có lần, đoàn của ông ra đến Nam sông Bến Hải lại quay vào, có lúc ra tới quận Gio Linh rồi lại vào...

 

Vào một ngày đầu tháng 9-1973, đoàn xe của ông dừng lại trước Đồn An ninh Biên phòng. Hai hàng rào danh dự bồng súng trang nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sĩ Thản, cùng các lãnh đạo chính quyền, mặt trận và các sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang tỉnh đã sẵn sàng. Lúc đoàn xe dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng tới chiếc xe thứ 3, hai cánh cửa cùng mở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô của đất nước Cu-ba anh em bên kia bán cầu bước xuống lần lượt bắt tay, ôm hôn đại diện quân dân chính đảng Khu Trị Thiên - Huế. Mọi người xúc động như ngừng thở. Hơn 40 phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế lăm lăm tay máy, tay bút ghi nhận những giây phút trọng đại trên mảnh đất lịch sử này.

 

Nhớ lại những kỷ niệm khó quên đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô bày tỏ: Khi được chính thức biết mình đón Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô rồi mới thấy công việc của mình thật quan trọng và trách nhiệm của mình thật lớn lao, bởi, đây là giây phút mình ghi lại những gì cho quê hương, cũng bởi mình là một nhà báo chứng kiến cuộc này. Tôi đã đặt cho mình trách nhiệm phải chép lại lịch sử bằng ống kính, để lại cho quê hương - ông kể, khi đó, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô xuống xe đi bộ gần 2km, với một phong cách rất Phi-đen và ông đã chụp bằng được bức ảnh về phong cách Phi-đen. Đặc biệt, ấn tượng đầu tiên của nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô khi gặp lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô là đôi mắt Chủ tịch rất sáng và ấm áp. Nhìn vào đôi mắt Chủ tịch, có thể cảm nhận được tấm lòng của vị lãnh tụ Cu-ba đối với đất nước Việt Nam nói chung và vùng giải phóng Quảng Trị nói riêng. Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đã cố gắng ghi lại ánh mắt, cử chỉ của Chủ tịch Phi-đen trong từng khoảnh khắc.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô cho biết: Khi được gặp Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Hiền Lương, tôi không nghĩ rằng chỉ riêng cá nhân Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô mà cả đất nước Cu-ba đang ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đưa niềm tin của nhân dân Cu-ba đến với nhân dân Việt Nam, làm cho chúng ta mạnh lên, với niềm tin chúng ta sẽ chiến thắng.

 

Hiện nay, trong số gia tài ảnh đồ sộ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô, có khoảng 3.000 bức ảnh “độc” về các dấu mốc quan trọng của Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh hai miền chia cắt. Trong đó, ông đã lưu giữ lại hơn 250 bức ảnh chụp về Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô trong một ngày tháng 9-1973 lịch sử…

 

Với trách nhiệm lớn lao và tình cảm sâu đậm với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đã tập hợp bộ ảnh để cho ra mắt cuốn sách ảnh Phi-đen Ca-xtơ-rô - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973, vào đúng dịp kỷ niệm này. Bộ ảnh đã phản ánh sinh động tình cảm của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô khi ghé thăm các địa danh trên địa bàn Quảng Trị, như cầu Hiền Lương, căn cứ Tân Lâm, thị xã Đông Hà... Đó là những kỷ niệm đẹp khó quên trong hơn 40 năm cầm máy của ông.

 

Giờ đây, ở Quảng Trị, dấu tích chiến tranh đã dần lùi xa, thay vào đó là một màu xanh hy vọng trên con đường hội nhập và phát triển. Nhưng ký ức của những ngày được vinh dự đón tiếp Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô năm 1973 vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Quảng Trị và vẫn còn vang vọng những tiếng hô “Vi va Cuba, Vi va Việt Nam, Vi va Phidel, Viva Hồ Chí Minh”. Ký ức tự hào ấy sẽ tiếp tục góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cu-ba.

 

Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 17-9-1973 của Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã trở thành một dấu mốc lịch sử và biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Cu-ba, khích lệ các dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Tinh thần chuyến thăm của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô động viên nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu “đánh cho ngụy nhào”, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975./.

Trong chuyến thăm năm 1973, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế quan trọng gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam - Cu-ba tại Đồng Hới (Quảng Bình), trại bò Mộc Châu, trại gà Lương Mỹ và đường cao tốc Xuân Mai; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…

Hiện nay, Bệnh viện Việt Nam - Cu-ba tại đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, là một công trình hoàn chỉnh, gồm 5 khối nhà chính, có tổng diện tích hơn 2 vạn mét vuông trên khu đất 6ha với 550 giường bệnh, gồm 32 khoa phòng với 572 nhân viên, trong đó trình độ đại học và sau đại học là 200 người.