TCCSĐT - Tiếp tục Phiên họp thứ 21, ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

* Sáng 19-9, tiếp tục Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước...

 

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và cụ thể hơn những quy định liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định của dự thảo Luật phải phát huy nội lực của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm môi trường.

 

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cần rà soát để loại bỏ những quy định thiếu tính khả thi.

 

Luật Bảo vệ môi trường liên quan chặt chẽ đến pháp luật về đất đai, năng lượng, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản, phòng chống thiên tai, an toàn thực phẩm, giao thông, an toàn bức xạ, an toàn sinh học, kiểm dịch thực vật...

 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá các quy định trong dự thảo luật về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với các luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban soạn thảo trong quá trình xây dựng để bảo đảm tính thống nhất.

 

Dự thảo Luật áp dụng đối với mọi tổ chức và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ, các vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi, không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, theo quy định tại Luật biển Việt Nam (năm 2012) thì vùng biển Việt Nam bao gồm nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế và biên giới lãnh thổ mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Do đó, đại biểu Nguyễn Kim Khoa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh đối tượng áp dụng cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật biển Việt Nam.

 

Liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi trường, dự thảo luật quy định, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền đầu tư của Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”.

 

Như vậy, việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: đánh giá tác động môi trường sơ bộ và đánh giá tác động môi trường.

 

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng thực tiễn thời gian qua có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư, nhưng sau khi đánh giá tác động môi trường, có những tác động xấu buộc phải điều chỉnh, thậm chí phải đình chỉ dự án gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn có tác động xấu đến môi trường phải do Thủ tướng Chính phủ quy định là cần thiết.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đánh giá tác động môi trường sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của các luật khác như Luật Đầu tư.

 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm thực sự không phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

 

Liên quan đến vấn đề khởi kiện môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể phát hiện trong thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Trên thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời điểm khởi kiện. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời sắp xếp lại các điều, khoản phù hợp, tránh trùng lặp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoàn chỉnh thêm những nội dung đã qua kiểm nghiệm thực tiễn, sớm hoàn thiện dự thảo Luật để gửi các đại biểu Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ 6.

* Chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

 

Theo báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, tập trung, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước thực hiện những giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Từ việc triển khai, thực hiện các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2013 đã có những chuyển biến rõ rệt, đạt nhiều kết quả tích cực, đúng hướng. Việc thí điểm thực hiện mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần tiết kiệm kinh phí và thời gian mua sắm. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả tích cực.

 

Thực hiện quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, vận hành Chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước. Qua đó đã giúp các cơ quan, tổ chức nắm bắt kịp thời, chính xác và có hệ thống về số lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý để đề ra các biện pháp, phương án khai thác, sử dụng tài sản đúng pháp luật và tiết kiệm, hiệu quả hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành không bổ sung ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ôtô, phương tiện vận tải. Đối với những trường hợp thực sự cấp thiết phải mua sắm, chỉ sử dụng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

 

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra. Một số hạn chế trong việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục triệt để như trong sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công vẫn còn tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, định mức; bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án sử dụng tiền, tài sản của nhà nước dàn trải, thực hiện chậm tiến độ. Việc tổ chức triển khai một số cơ chế, chính sách còn chậm; còn một số trường hợp xây dựng văn bản pháp quy chưa phù hợp thực tiễn. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả...

 

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2014, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Một trong những giải pháp như từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác quản lý, thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn của Nhà nước; việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, tổ chức sử dụng tiền, tài sản Nhà nước.

 

Đặc biệt, Chính phủ sẽ công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và nhận định, công tác này đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy vậy, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

 

Trong 7 tháng qua, hệ thống Kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra.

 

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn.

 

Đáng lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, tiêu dùng của một bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí, phô trương, hình thức, thể hiện rõ trong ma chay, cưới xin, mê tín dị đoan thái quá, nhất là việc đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm và lãng phí. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn tâm lý sính hàng ngoại; không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương không được dư luận đồng tình và gây lãng phí cho xã hội.

 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, nhiều thành viên cho rằng, báo cáo chưa nêu được tổng số lãng phí là bao nhiêu, chưa nêu cụ thể đơn vị, bộ, ngành hay địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lãng phí; chưa đưa ra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Đối với những địa chỉ, bộ, ngành, địa phương để xảy ra lãng phí, sai phạm, cần công khai để các đại biểu Quốc hội và nhân dân biết, giám sát. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích sâu sắc các mặt được, những hạn chế, yếu kém... nhất là 7 lĩnh vực được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với một số điểm chính, việc chính trong một số lĩnh vực quan trọng đã và đang xảy ra lãng phí lớn.

 

Quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự án luật một mặt bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, mặt khác vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.

 

Theo đó, nội dung của Luật (sửa đổi) tập trung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, tuy có quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và giao cho Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương quy định chi tiết nhằm tạo ý thức, chuẩn mực, nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

 

Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như: chương trình thực hành; việc tuân thủ quy định của pháp luật; kết quả thực hành; xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

 

Dự án luật cũng điều chỉnh, bổ sung các quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin lãng phí; quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí; sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn các quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy định bắt buộc mọi cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải gắn với nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, công khai kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán phù hợp và thống nhất với các luật chuyên ngành.../.