Sáng 19-9, Hội thảo khu vực “ASEAN và Biển Đông” với chủ đề “Những thành tựu, các thách thức và hướng tương lai” đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Hội thảo do Viện Campuchia vì hòa bình và phát triển (CICP) tổ chức với sự tham gia của các đại biểu đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Australia, Canada.

Sau phát biểu chào mừng của Hoàng thân Norodm Sirivudh, Viện trưởng CICP, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã có bài phát biểu “ASEAN và Biển Đông: các vấn đề, những bước tiến và triển vọng tương lai”, trong đó nhấn mạnh hai cơ chế trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), qua đó ASEAN kiên định và năng động trong mối liên hệ với Trung Quốc để tăng cường hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

 

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh tương lai COC cần phải trở thành một công cụ có tính chất toàn diện và ràng buộc pháp lý quy định các chuẩn mực để giám sát các ứng xử ở Biển Đông trên quan điểm ngăn chặn và giải quyết các sự cố, giúp xây dựng một môi trường thuận lợi cho một giải pháp toàn diện đối với những tranh chấp ở Biển Đông.

 

Thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Kao Kim Hourrn đã phát biểu về “Tương lai của Biển Đông: Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng”.

 

Ông Kao Kim Huorn nhấn mạnh Campuchia hoàn toàn ủng hộ sự tăng cường và thúc đẩy hơn nữa đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì quyền lợi của cả hai bên trên mọi lĩnh vực hợp tác. Điều cốt yếu đối với ASEAN và Trung Quốc là duy trì động lực của sự tiến bộ và các thành tựu, cũng như tiếp tục những nỗ lực xây dựng lòng tin thông qua việc tăng cường đối thoại ở mọi cấp, kể cả hình thức tham vấn song phương.

 

Sau khi nêu bật những thành tựu và sự phát triển hợp tác giữa hai bên kể từ khi ký DOC vào năm 2002 ở Phnom Penh đến nay, ông Kao Kim Huorn cho rằng trên con đường hướng về phía trước, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục xây dựng, thiết lập sự tin cậy giữa hai bên; duy trì động lực của việc thực hiện DOC, xem xét khả năng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai bên, cam kết thường lệ và thường xuyên tham vấn về COC cho đến khi văn bản này được thông qua và cùng làm việc với nhau trên tinh thần đối tác chiến lược để giải quyết bất kỳ thách thức nào liên quan đến Biển Đông.

 

Trả lời phóng viên TTXVN tại Campuchia, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định chung của cả khu vực, không chỉ khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực Đông Á rộng lớn. Muốn có quan hệ ASEAN - Trung Quốc ổn định và phát triển cần có lòng tin chiến lược giữa hai bên. Để được như vậy, ASEAN và Trung Quốc phải tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn cho biết đây là điểm nhấn trong bài phát biểu mà ông sẽ trình bày tại Hội thảo.

 

Trong hai ngày Hội thảo cũng sẽ có một số bài phát biểu đáng chú ý khác, như “Biến sự phức tạp thành cơ hội: Những bài học lịch sử của Trung Quốc” của Tiến sĩ Gao Fei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách ngoại giao thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc; “Sự kết hợp vì một COC cho Biển Đông vào Cộng đồng Chính trị an ninh của ASEAN: Con đường tiến về phía trước” của Tiến sĩ Carlyle A.Thayer, Giáo sư danh dự thuộc Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra...

 

Hội thảo sẽ kết thúc vào chiều 20-9./.