Tia sáng cuối đường hầm

Thanh An tổng hợp
20:35, ngày 16-09-2013
TCCSĐT - Ngày 14-9-2013, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) thông báo Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Thông báo này được ông G. Ke-ry đưa ra trong một cuộc họp báo chung sau các cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày qua với Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ).
Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận khung về việc hủy bỏ vũ khí hóa học tại Xy-ri

Kết thúc cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày, từ ngày 12 đến ngày 14-9-2013, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp và người đồng cấp Mỹ Giôn Ke-ry đã đạt được thỏa thuận khung về việc hủy bỏ tất cả mọi thiết bị vũ khí hóa học tại Xy-ri. Diễn biến mới này ngay lập tức đã nhận được phản ứng tích cực từ phía dư luận quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry cho biết, Mỹ và Nga đã nhất trí đưa ra một loạt các bước mà Chính phủ Xy-ri sẽ phải tuân theo. Theo đó, trong vòng một tuần phải đưa ra danh sách các kho dự trữ vũ khí hóa học và các thanh sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Xy-ri vào tháng 11 tới. Danh sách này sẽ phải nêu cụ thể tên, loại và chất lượng các vũ khí hóa học, địa điểm và hình thức lưu giữ, các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Theo Ngoại trưởng Mỹ, hai bên nhất trí rằng việc kiểm soát hiệu quả nhất số vũ khí ở Xy-ri có thể đạt được bằng việc di chuyển số vũ khí này dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên hợp quốc và phá hủy chúng ở bên ngoài nước Trung Đông này. Thời gian để di dời hay phá hủy số vũ khí hóa học ở Xy-ri là vào giữa năm 2014. Tuy nhiên, ông G. Ke-ry cũng nêu rõ, nếu Xy-ri không tuân thủ các thủ tục để loại bỏ vũ khí hóa học, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ xem xét khả năng sử dụng vũ lực theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp cũng cho biết, thời gian biểu cho việc giải quyết số vũ khí hóa học ở Xy-ri sẽ được đưa ra sau khi được Tổ chức Cấm vũ khí hóa học thông qua. Ông X. La-vrốp cho biết, thỏa thuận nói trên không đề cập đến việc sử dụng vũ lực và cuộc hội đàm đạt mục tiêu mà Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đề ra. Mỹ và Nga đều xác nhận sẽ theo đuổi một giải pháp hòa bình.

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp và Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry đã thông báo sẽ lại gặp nhau lần nữa tại Niu Oóc bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (có thể là ngày 28-9 tới). Ngay sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga, ông G. Ke-ry đã tới Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) để hội đàm với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyhau) về những tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông cũng như diễn biến xung đột hiện nay ở Xy-ri. Phát biểu đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry và nhân kỷ niệm ngày các binh sĩ I-xra-en thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ dẫn đến việc "tiêu hủy hoàn toàn" kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Hiện I-xra-en là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và cũng là đối thủ lớn nhất của Xy-ri trong khu vực.

Nút thắt được tháo, dư luận thế giới "thở phào"

Theo đánh giá ban đầu, thỏa thuận mới nhất giữa Nga và Mỹ về vấn đề vũ khí hóa học tại Xy-ri sẽ “tạm thời” đẩy lùi được nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự vào nước này và được dư luận thế giới đón nhận tích cực. Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Xy-ri, người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 14-9 thông báo Xy-ri đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14-10 tới.

Từ Niu Oóc, người phát ngôn Liên hợp quốc Mác-tin Ni-xơ-ki (Martin Nesirky) cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-mun hoan nghênh quyết định gia nhập OPCW của Xy-ri sau khi tổ chức đa quốc gia này đã nhận được các giấy tờ bổ sung từ Đa-mát. Thông cáo của Văn phòng báo chí Liên hợp quốc nêu rõ: "Với thẩm quyền được quy định trong Hiệp ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học cũng như việc phá hủy vũ khí hóa học, Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 14-9 đã nhận được văn kiện xin gia nhập chính thức của nước Cộng hòa Hồi giáo Xy-ri... Việc gia nhập OPCW sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14-10".

Trước đó, ngay sau khi Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va đạt được tiếng nói chung về vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã hoan nghênh, đồng thời bày tỏ hy vọng sự đồng thuận này sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị, tiến đến chấm dứt cuộc xung đột đang đè nặng lên người dân Xy-ri. Cũng đồng quan điểm trên, song Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh, Chính quyền Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát phải thực hiện nghiêm túc cam kết, lập trường của Oa-sinh-tơn là tiếp tục duy trì thế quân sự tại khu vực này để gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Trước đó, ông B. Ô-ba-ma đã yêu cầu Quốc hội Mỹ hoãn bỏ phiếu về kế hoạch tấn công quân sự chống Xy-ri nhằm kéo dài thời gian cho cuộc thương lượng giữa Nga và Mỹ.

Cộng đồng quốc tế dường như thở phào và có những động thái tích cực sau khi Nga và Mỹ tìm được sự đồng thuận trong vấn đề Xy-ri. Ngày 14-9, Pháp đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được cùng ngày giữa Nga và Mỹ về kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Xy-ri là một bước đột phá. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Lo-ren Pha-bi-út (Laurent Fabius) nói: "Kế hoạch trên là một bước tiến đầy ý nghĩa".

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoan nghênh thỏa thuận trên. Tổng Thư ký NATO An-đơ Phốc Ra-mu-xen (Anders Fogh Rasmussen) coi đây là một bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu bảo đảm thủ tiêu nhanh chóng, an toàn và có thể xác minh đối với kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Ông A. Ra-mu-xen cũng đồng quan điểm với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là sự tuân thủ đầy đủ và hoàn toàn của Xy-ri. Trong một bài phát biểu tại Oa-sinh-tơn trước đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cho biết, ông sẵn sàng tạo cho con đường ngoại giao một cơ hội để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Xy-ri, song cảnh báo vẫn cân nhắc giải pháp quân sự. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nêu rõ: "Chúng ta cần chứng kiến những bước đi rõ ràng thể hiện rằng Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát nghiêm túc với việc từ bỏ vũ khí hóa học. Và vì kế hoạch này chỉ xuất hiện sau khi lời đe dọa có hành động quân sự đáng tin của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thế đứng quân sự tại khu vực này để gây sức ép với chính quyền Xy-ri".

Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague), đã hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa Nga và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga, cần bảo đảm chính quyền Xy-ri thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận nhằm hủy bỏ vũ khí hóa học tại nước này. Ngoại trưởng Đức Guy-đô Oét-xtơ-ven-lơ (Guido Westerwelle) khẳng định, việc hủy bỏ vũ khí hóa học tại Xy-ri sẽ làm gia tăng đáng kể cơ hội giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp chính trị. Ông G. Oét-tơ-ven-lơ nêu rõ, hòa bình tại Xy-ri chỉ có thể đạt được thông qua các giải pháp chính trị thay vì vũ lực. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, thỏa thuận giúp ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt đang ở thăm Bắc Kinh, ông Vương Nghị nói: "Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận chung Mỹ - Nga giúp làm giảm tình hình căng thẳng ở Xy-ri".

Người đứng đầu Liên đoàn A-rập (AL) Na-bin An A-ra-bi (Nabil Al-Arabi) cho rằng, thỏa thuận Nga - Mỹ sẽ giúp tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Xy-ri. Ngoại trưởng Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida) tuyên bố, Tô-ki-ô hoan nghênh thỏa thuận kiểm soát và loại bỏ vũ khí hóa học của Xy-ri dưới sự giám sát quốc tế, đồng thời muốn Chính phủ nước này "đáp lại chân thành". Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận trên và đề nghị trợ giúp triển khai thỏa thuận. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Ca-tơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) chỉ rõ một số quốc gia thành viên EU có trình độ kỹ thuật cần thiết đã sẵn sàng giúp tiến hành các nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp này.

I-ran - quốc gia đồng minh thân cận của Xy-ri, lại nhận định rằng, Mỹ không còn cớ để tấn công Đa-mát sau khi Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry và người đồng nhiệm Xéc-gây La-vrốp đạt được thỏa thuận tại Giơ-ne-vơ về loại bỏ kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Thứ trưởng Ngoại giao I-ran A-mia Áp-đô-la-hi-an (Amir-Abdollahian) nhấn mạnh diễn biến mới này cho thấy mọi lý do để loại bỏ cuộc tấn công quân sự chống Xy-ri.

Triển vọng khởi động lại Hội nghị đàm phán hòa bình Giơ-ne-vơ 2 phụ thuộc vào việc giải quyết những bế tắc liên quan đến kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Ông La-khơ-đa Bra-hi-mi (Lakhdar Brahimi), đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập về Xy-ri cho biết, việc loại bỏ vũ khí hóa học ở Xy-ri sẽ tạo thành một yếu tố quan trọng trong những nỗ lực giúp phục hồi kế hoạch cho Hội nghị hòa bình mới tại Giơ-ne-vơ. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nhấn mạnh, cần phải chấm dứt những hành động bạo lực ở Xy-ri và điều quan trọng nhất phải tổ chức Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 càng sớm càng tốt. Ông Ban Ki-mun hy vọng sẽ có một hội nghị hòa bình thứ hai đối với Xy-ri vào tháng tới.

Trong khi một nhóm người vẫn còn "hậm hực"

Trong khi cộng đồng quốc tế coi sự nhất trí của Nga và Mỹ như "tia sáng cuối đường hầm" giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm tại Xy-ri, phe đối lập nước này lại phản đối thỏa thuận trên và từ chối tuyên bố ngừng bắn với quân đội chính phủ. Trong một phát biểu, một viên tướng Quân đội Xy-ri Tự do có tên Xa-lim I-drít (Salim Idris) nói rằng, sự đồng thuận này chỉ bao gồm giữa Mỹ và Nga, do đó lực lượng đối lập không chấp nhận và tiếp tục các hành động chống lại chính phủ. Viên tướng này còn nói, Chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-sát đã chuyển một số vũ khí hóa học đến Li-ban và I-rắc. Tuy nhiên, Chính phủ I-rắc đã lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Cố vấn báo chí của Thủ tướng I-rắc A-li An Mô-xa-uy (Ali al-Mosawi), nêu rõ việc một số người thuộc phe đối lập Xy-ri tuyên bố rằng chế độ Xy-ri đã chuyển một phần vũ khí hóa học của nước này sang I-rắc là âm mưu nhằm làm hoen ố hình ảnh của nước này. Ông An Mô-xa-uy kêu gọi các bên hành động vì lợi ích của đất nước và người dân Xy-ri, khẳng định rằng I-rắc phản đối việc sở hữu loại vũ khí này cũng như các loại vũ khí giết người hàng loạt khác ở bất kỳ đâu trên thế giới và vì bất cứ lý do gì.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có phản ứng thận trọng hơn khi cảnh báo không nên để chính phủ Xy-ri lợi dụng thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học để kéo dài thời gian. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo thời gian tiêu hủy vũ khí (dự kiến từ nay đến giữa năm 2014) đủ lâu để Đa-mát lợi dụng làm nhiều việc khác.

Cùng quan điểm trên, phe đối lập Xy-ri đã yêu cầu cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh cấm kép đối với chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-sát, theo đó vừa cấm chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, vừa cấm sử dụng không quân tại các khu đô thị. Tuyên bố của phe đối lập có đoạn: "Liên minh Dân tộc Xy-ry (SNC) khẳng định việc cấm sử dụng vũ khí hóa học - công cụ vốn đã làm 1.400 dân thường thiệt mạng - nên được mở rộng sang cả việc sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay nhằm vào các khu vực đô thị".

Ngày 14-9, Hãng thông tấn bán chính thức Fars của I-ran dẫn kết quả điều tra của các công tố viên thành phố Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết phiến quân Xy-ri đã đặt mua hóa chất để sản xuất chất độc thần kinh sarin từ quốc gia láng giềng này. Trước đó, ngày 28-5, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy một bình chứa 2 kg sarin khi lục soát nơi ở của các thành viên Mặt trận Al-Nusra có liên quan với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Năm người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Xy-ri đã bị bắt giữ với cáo buộc "mua vũ khí hóa học ở Thổ Nhĩ Kỳ". Theo một tài liệu dài 132 trang của các công tố viên, các nghi phạm này đã liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Xy-ri, trong đó có Mặt trận Al-Nusra và nhóm Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông (Ahrar al-Sham). Cũng theo tài liệu trên, Mặt trận Al-Nusra và nhóm Ahrar al-Sham đã tìm cách thu mua một lượng lớn khí độc thần kinh sarin và các hóa chất khác tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tuồn sang Xy-ri để điều chế các chất độc hại. Theo nội dung các cuộc gọi mà các điều tra viên thu thập được, các đối tượng trên đã đặt hàng ít nhất 10 tấn hóa chất.

Từ những động thái trên có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 là sự lựa chọn sáng suốt cho tất cả các bên xung đột ở Xy-ri. Bài học từ cuộc chiến tranh I-rắc và Cô-xô-vô đến nay vẫn còn nguyên giá trị và các nước lớn cần đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm. Các bên ở Xy-ri cùng các nước trong khu vực cũng như quốc tế cần cùng nhau đối thoại, thảo luận để tìm ra một giải pháp hòa bình, chấm dứt xung đột. Cuộc xung đột tại Xy-ri đã bước sang năm thứ ba và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến cho hơn 6 triệu người Xy-ri bị mất nhà cửa. Những gì đang diễn ra nơi đây thật sự “kinh khủng” và Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 được hy vọng sẽ đặt nền móng cho sự hòa giải và bình thường hóa tình hình tại Xy-ri với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế./.