Tuần tin Cải cách hành chính từ 9-9 đến 15-9
Dự Hội thảo, có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư, văn phòng luật sư các tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành luôn nỗ lực thúc đẩy quá trình CCTTHC trong lĩnh vực đầu tư, nhưng rất nhiều vấn đề bất cập và sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan, ban, ngành, giữa các địa phương với nhau vẫn tồn tại.
Hiện, ở Việt Nam chưa có một quy trình thống nhất tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai dự án. Những quy định không giống nhau hoặc những quy định có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau khiến các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều phức tạp, rủi ro.
Theo khảo sát của VCCI, 8.053 doanh nghiệp trong nước và 1.540 doanh nghiệp FDI đánh giá các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng là những thủ tục phiền hà hàng đầu. Hiện, số lượng các quy định pháp luật liên quan tới TTHC trong thực hiện dự án đầu tư là 6 luật, 10 nghị định và 9 thông tư.
Không những thế, mỗi địa phương lại có những văn bản quy định điều chỉnh khác nhau, số lượng và trình tự thực hiện TTHC cho cùng một vấn đề cũng khác nhau. Sự chồng chéo thủ tục giữa các ban, ngành cũng đang là vấn đề khiến các nhà đầu tư lúng túng.
Hầu như không có cơ quan quản lý nhà nước nào nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của dự án. Sự phối hợp và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ban, ngành và nội bộ các cơ quan nhà nước chưa đạt tới sự thống nhất, do đó, sức hút đầu tư FDI ở Việt Nam đã trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các TTHC trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh vẫn còn rườm rà, phức tạp, chi phí tuân thủ còn lớn. Điều này gây trở ngại cho hoạt động đầu tư, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đồng thời cũng cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho rằng: nguyên nhân của tình trạng trên là do những quy định hướng dẫn về đầu tư còn nằm tản mạn trong nhiều văn bản của bộ, ngành và có những quy định còn chưa thực sự rõ ràng, đồng bộ.
Theo kiến nghị của VCCI, trong giai đoạn ngắn hạn từ nay đến 2015, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ quy trình để có sự thống nhất cao nhất, nhằm giảm thiểu giấy tờ, thủ tục, rút ngắn thời gian, hạn chế tối đa sự rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng như Luật: Đất đai, Xây dựng, Đầu tư... Đây là cơ hội tốt để đạt được sự thống nhất về TTHC giữa các bộ, ngành…
Các ý kiến trong Hội thảo sẽ được tổng hợp để trình Chính phủ xem xét trong tháng 10-2013. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ sớm có một bộ thủ tục đầu tư thống nhất, minh bạch, dễ thực hiện, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Nếu bộ TTHC được thông qua, thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến dự án đầu tư sẽ được rút ngắn, chỉ còn một nửa, tức là từ 155-865 ngày xuống còn 80-385 ngày. Bên cạnh đó, bộ TTHC được rút gọn sẽ có tính thống nhất hơn, dễ thực hiện hơn, tạo nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Long An: Đánh giá, phân loại kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính
UBND tỉnh Long An vừa ra Quyết định số 2255/QĐ-UBND ban hành Bộ chỉ số đánh giá, phân loại kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) đối với các sở, ngành và UBND cấp huyện.
Với thang điểm 100, chỉ số CCHC được xác định trên 7 lĩnh vực với 28 tiêu chí, 87 tiêu chí thành phần: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông... Đối với UBND cấp huyện, ngoài các tiêu chí chung như trên, còn phải đánh giá thêm 5 tiêu chí và 3 tiêu chí thành phần (tỷ lệ UBND cấp xã công khai thủ tục hành chính; đơn vị hành chính cấp xã được cấp chứng chỉ ISO; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, mức độ hiện đại hóa của bộ phận tiếp nhận - trả kết quả...).
Hà Nội: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ và cải cách hành chính
Ngày 12-9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh và các thành viên đã làm việc với Quận ủy Đống Đa về kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy.
Hơn hai năm triển khai các giải pháp "Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015", quận Đống Đa đã xác định đầy đủ hơn về trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Quận đã đầu tư gần 26 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa, xây mới trụ sở một số đơn vị. Hiện, 100% TTHC cấp quận và phường đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận. Đội ngũ công chức luôn được kiện toàn, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Ghi nhận những cố gắng của quận, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý quận cần tiếp tục coi CCHC là nhiệm vụ thường xuyên. Ngoài thực hiện 6 nội dung của Chương trình số 08, quận cần rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC, nhất là những thủ tục liên quan đến người dân. Cùng với đó, quận cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, không để cán bộ thờ ơ, vô cảm khi giải quyết TTHC của người dân. Quận cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, quận cần có các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đã đề ra là: 100% TTHC được thực hiện theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"; trên 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về hiệu quả giải quyết TTHC và sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc quận.
Trước đó, ngày 10-9, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh cũng đã làm việc với Huyện ủy Ba Vì về công tác này. Bên cạnh việc ghi nhận những cố gắng của huyện, Phó Bí thư Thành ủy đã nhấn mạnh: thực hiện tốt cải cách hành chính sẽ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhưng quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhân dân, làm cho người dân tin tưởng vào các cấp chính quyền. Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị huyện Ba Vì tiếp tục triển khai Chương trình 08, đặt trong tổng thể 9 chương trình của Thành ủy để có mối liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau về nội dung và tránh trùng lắp. Trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng cả tuyên truyền tập trung và tuyên truyền riêng cho từng nhóm đối tượng, nhằm tăng hiệu quả. Huyện cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã, sao cho đạt yêu cầu về tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn.
Cũng vào ngày 10-9, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Phó Ban chỉ đạo Chương trình 08, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 đã làm việc với Quận ủy, UBND quận Cầu Giấy và Sở Tài chính về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Cùng với việc đánh giá Quận ủy Cầu Giấy và Sở Tài chính đã triển khai công tác này một cách khá bài bản, nghiêm túc, Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh sự cần thiết hiện nay là phải đưa TTHC vào thực tiễn. Vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục xây dựng quy trình giải quyết đối với từng TTHC theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; đồng thời cần có cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan và giữa các phòng, ban của đơn vị để việc giải quyết TTHC ngày càng thông thoáng. Phó Chủ tịch lưu ý: cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC thì cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần hiện đại hóa thái độ phục vụ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Cải cách từ công tác lựa chọn cán bộ tiếp dân
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội luôn quan tâm cải cách thể chế, công vụ, tài chính, thủ tục hành chính giảm thủ tục phiền hà đối với nhân dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Mỗi ngày bình quân có 300 đến 400 trường hợp xin cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), đó là chưa kể các phần việc khác của Sở. Nếu không thực hiện cải cách thể chế, công vụ, tài chính, thủ tục hành chính, công việc sẽ tồn đọng, gây phiền hà cho nhân dân, mất nhiều thời gian, tốn kém xăng xe và thậm chí gây ách tắc giao thông. Cải tiến việc lựa chọn cán bộ tiếp công dân chính là công việc được Sở lựa chọn làm khâu đầu tiên trong công tác cải cách hành chính của mình.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính một cửa là bộ phận được lãnh đạo sở kiểm tra, giám sát thường xuyên nhất. Những cán bộ, công chức bị người dân phản ánh về thái độ làm việc sẽ bị điều chuyển sang vị trí công tác khác. Nhờ việc xử lý kiên quyết đó nên những năm qua, Sở chưa nhận được đơn thư phản ánh về hành vi sách nhiễu, thái độ chưa đúng đắn của cán bộ, công chức.
Lãnh đạo Sở cũng luôn chú ý lựa chọn từ các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ những cá nhân tiêu biểu, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, am hiểu pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao để làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Nhờ thế mà chất lượng công tác tiếp nhận hồ sơ ban đầu đã được nâng lên, số lượng cá nhân, đơn vị, tổ chức phải đi lại nhiều lần đã giảm hẳn.
Trang thông tin điện tử của Sở cũng đăng đầy đủ 97 thủ tục hành chính (đã được UBND thành phố phê duyệt và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của thành phố). Vì vậy, người dân có thể tra trên mạng các thủ tục cấp đổi GPLX, xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách... Người dân cũng có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng để được hướng dẫn, tránh tình trạng phải đi lại nhiều lần.
Bộ phận giải quyết TTHC được trang bị máy móc, thiết bị tin học và áp dụng các phần mềm quản lý trong khâu tra cứu văn bản pháp luật, trình tự tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính. Sở đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi tại các điểm tiếp công dân nhằm loại bỏ hành vi sách nhiễu, tiêu cực. Từ ngày 1-7-2013, Sở chính thức thực hiện cấp, đổi GPLX xe bằng vật liệu PET mới. Theo quy định, mọi cá nhân có nhu cầu đều phải trực tiếp đến làm. Điều này đã hạn chế tối đa sự trà trộn của các đối tượng "cò mồi".
Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp nhận 178.256 hồ sơ, trong đó có 178.222 hồ sơ đã được giải quyết đúng hẹn, đạt 99,98%. Có được kết quả này là nhờ công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ luôn được Sở đặc biệt coi trọng.
Bắc Giang: Phấn đấu tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết, năm 2013 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phấn đấu giảm 20-30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Bắc Giang tập trung nhân rộng mô hình "một cửa liên thông hiện đại" giữa UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, mỗi huyện lựa chọn từ 3-4 đơn vị cấp xã để thực hiện mô hình "một cửa liên thông hiện đại"; hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 mô hình "một cửa điện tử" tại huyện Sơn Động.
Tỉnh Bắc Giang tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thủ tục hành chính được thực hiện giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính từ tỉnh đến huyện, xã; phấn đấu đạt tỷ lệ từ 70-80% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị được thực hiện ở bộ phận "một cửa".
Tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính, bảo đảm trên 40% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện trên mạng điện tử; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; trên 60% cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận một cửa được đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu về mọi mặt.
Từ nay đến cuối năm 2013, tỉnh tập trung xây dựng và ban hành Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính nhà nước đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính mới.
Bắc Giang cũng tập trung duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" các cấp; tổ chức triển khai có hiệu quả Dự án tăng cường tác động cải cách hành chính ở tỉnh Bắc Giang với sự hỗ trợ của tổ chức UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc). Duy trì, nâng cấp, cải tiến cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng cường giao dịch công việc bằng thư điện tử; tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo trụ sở chính quyền cấp xã theo Quyết định số 1441 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh giai đoạn 2011 - 2013...
Ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, các bộ phận "một cửa" và "một cửa liên thông" trong tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục hành chính cho các cá nhân và tổ chức, trong đó cấp tỉnh đã tiếp nhận gần 14.600 hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt trên 80%, cấp huyện đã tiếp nhận gần 20.900 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 89%, cấp xã đã tiếp nhận trên 99.100 hồ sơ, giải quyết đúng hạn được 97%./.
Lào Cai: chú trọng phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong thời kỳ mới  (16/09/2013)
Lào Cai: chú trọng phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong thời kỳ mới  (16/09/2013)
Việt Nam tham dự cuộc họp quan chức ASEAN - Trung Quốc  (15/09/2013)
Khẩn trương ổn định tình hình, tạo điều kiện để bà con xã Nghi Phương, Nghệ An phát triển sản xuất  (15/09/2013)
Sớm ổn định cuộc sống cho các tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương  (15/09/2013)
Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước Hungary, Đan Mạch  (15/09/2013)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên