TCCSĐT - Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta ngày càng phát triển về năng lực trình độ song cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp thuộc phạm trù đạo đức. Công chức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đang được xem là hình mẫu lý tưởng cho những sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn cống hiến công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của xã hội, đưa đất nước hội nhập thế giới, vì vậy nền kinh tế càng phát triển, đạo đức của người công chức càng cần được coi trọng và gìn giữ.

Đạo đức công vụ - vấn đề cần chú trọng trong công cuộc đổi mới

Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Các quy định mang tính đạo đức của công chức đã và đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Xin-ga-po… Ở Việt Nam, công chức thi hành công vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thái độ, tinh thần, trách nhiệm, ý thức của công chức trong quá trình thực thi công vụ trong mối quan hệ với công dân phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ. Pháp luật có được thực thi hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ.

Điều 8, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân;  kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”(1). Trên cơ sở đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến đạo đức công vụ, trong đó phải kể đến là: Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2003), Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm năm 1998, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan (ban hành theo Nghị định 71/CP của Chính phủ năm 1998)…

Đạo đức với tư cách là những chuẩn mực xử sự được xã hội thừa nhận, được hình thành và vận dụng từ chính thực tế của đời sống xã hội. Trong những năm qua, cơ chế thị trường đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đạo đức là một trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất. Thực trạng đời sống đạo đức của nước ta hiện nay mang nhiều nét phức tạp, có những cái đã định hình, có những cái còn đang phôi thai, những nhân tố mới tích cực và tiêu cực.

Cơ chế thị trường đã mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, thúc đẩy văn hóa đạo đức, phải gạt bỏ đi những cái cũ kỹ, lạc hậu, cổ vũ cho những gì mới mẻ, hợp quy luật. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp chính là sự đánh thức cá nhân và xã hội Việt Nam, đồng thời tạo đà cho những chuẩn mực đạo đức mới. Nhịp sống sôi động đã thay thế cho nhịp sống thời bao cấp, mọi người phải phát huy cao độ tính tự giác, năng động sáng tạo, chứ không thể trông chờ, ỷ lại. Cơ chế thị trường khuyến khích các cá nhân phấn đấu, khẳng định và tạo lập cơ chế đãi ngộ xứng đáng với sự cống hiến. 

Nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã có thể bị biến chất đạo đức bất kỳ lúc nào. Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, đến vấn đề suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận công chức. Các vụ tiêu cực liên quan đến suy thoái đạo đức ở nước ta những năm qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của xã hội về đạo đức người công chức hiện nay.

Bài toán đặt ra cho xã hội Việt Nam hiện nay là vừa phát triển được kinh tế thị trường, vừa giữ vững được những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa xây dựng được các quan hệ và phẩm chất mới phù hợp với thời đại mới của sự phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động công vụ gắn với quyền lực của nhà nước, cán bộ, công chức tùy theo cương vị công tác được trao một phạm vi quyền lực nhiều hay ít. Vì vậy, trong hoạt động công vụ sẽ có tác dụng trực tiếp tới đời sống xã hội nếu nó được thực hiện đúng đắn, ngược lại, nó sẽ đưa đến những hậu quả tai hại nếu hoạt động công vụ không có lương tâm, sẵn sàng chà đạp lên luật pháp để trục lợi. Xuất phát từ những vấn đề trên, thông qua những chính sách pháp luật, Nhà nước ta đã chú trọng việc xây dựng, bồi dưỡng đạo đức công vụ, biểu hiện tập trung ở đạo đức công chức, hướng đến mục đích cao nhất của nền công vụ là phục vụ nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân tác động đến đạo đức của người công chức, trong đó có vấn đề chủ quan của người công chức, như: thiếu được rèn luyện, thiếu tuân thủ những quy định của các quy tắc ứng xử trong nền công vụ, nhưng cũng có những yếu tố khách quan từ bên ngoài tác động làm cho người công chức khó tuân thủ những chuẩn mực bắt buộc về đạo đức, về hành vi xử sự và tự tạo ra những hành vi mới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức là sự du nhập của lối sống thực dụng trong một bộ phận dân cư. Trước đây, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đề cao quá mức đời sống tinh thần, xem nhẹ vật chất (mà thực sự cũng không có đủ điều kiện cho một đời sống vật chất đầy đủ), nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, sự coi trọng vật chất đã đi quá đà trở thành sùng bái sau một thời gian dài bị kìm nén, và điều hết sức quan trọng là trong một thời gian dài chúng ta chưa xây dựng một nền tảng đạo đức cho xã hội, khi bước vào cơ chế thị trường khắc nghiệt, nhiều giá trị trước đây chúng ta tưởng sẽ bền vững nhưng khi va chạm với thực tế thì vỡ tan hoặc bộc lộ những yếu ớt, bất lực.

Cơ chế thị trường kích thích cái “tôi” một cách thái quá và là tác nhân làm mất cân đối, thậm chí méo mó sự phát triển nhân cách. Vấn đề này thể hiện ở chỗ khủng hoảng lý tưởng hay phá vỡ sự hài hòa nhân cách… Nhiều người cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay mà còn nói đến lý tưởng, niềm tin… thì thật xa vời và thiếu thực tế. Từ đó, họ chuyển sang lối sống thực dụng một cách triệt để, để bộc lộ những khía cạnh thấp hèn, vụ lợi, thậm chí là tàn nhẫn mà không hay. Lối sống thực dụng chắc chắn sẽ là sai lầm, không sớm thì muộn chủ nghĩa cá nhân sẽ bị trả giá. Vì mỗi cá nhân chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi có sự hài hòa, cân đối trong quan niệm về vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và xã hội, giữa hiện đại và truyền thống.

Sự sùng ngoại, sẵn sàng tiếp thu văn hóa nước ngoài mà không hề chọn lọc, cân nhắc dễ dẫn đến hậu quả là mất niềm tự hào dân tộc, sự tự trọng vốn có của mỗi con người Việt Nam ở một bộ phận không nhỏ dân cư, nhất là ở các đô thị. Một số người chỉ chú ý đến đời sống vật chất, quên mất các giá trị văn hóa, tinh thần và trở thành những con người cằn cỗi về tâm hồn, què quặt về nhân cách.

Một nền hành chính dân chủ hơn, cởi mở hơn với sự tham gia ngày càng rộng, đa dạng của công dân trong hoạt động quản lý nhà nước đã và đang tác động đến hành vi ứng xử của công chức. Trong xu hướng cải cách đó, công dân được trao nhiều quyền hơn thông qua các hình thức ủy quyền, phân quyền, nhiều nhiệm vụ hơn và cũng có nhiều sự tự do hơn khi họ áp dụng những nguyên tắc phi quy chế, tập trung vào kết quả hơn là theo quy chế cứng nhắc hoặc hệ thống các quy tắc linh hoạt hơn. Mối quan hệ giữa khu vực tư và khu vực công trở nên gần gũi hơn.

Nhiều hoạt động của Nhà nước được chuyển ra bên ngoài theo hình thức hợp đồng. Họ trở thành người giám sát hoạt động hơn là người thực hiện hoạt động. Sự xuất hiện thuật ngữ bên A, bên B và đôi bên cùng có lợi đã xuất hiện, kéo theo đó là lợi ích của Nhà nước đã bị chính công chức và bên B lợi dụng. Sự chuyển dần mô hình chức nghiệp sang vị trí việc làm và cho phép tuyển thẳng từ khu vực công vào các vị trí chủ chốt trong nền công vụ đã làm cho các giá trị đạo đức của công chức thay đổi.

Vấn đề cải cách nền hành chính nhà nước của các quốc gia gắn liền với xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa. Các hình thức phi quy chế, giảm sự điều tiết và chấp nhận những cách ứng xử thống nhất trong hoạt động quản lý cũng làm cho các giá trị công vụ thay đổi. Nếu như nền hành chính truyền thống là quy tắc, quy chế, thì nền hành chính phát triển, thích ứng trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa phải tập trung vào sự thích ứng với môi trường quốc tế và khu vực. Năng lực của cán bộ công chức cũng phải thích ứng với môi trường quốc tế và khu vực, thích ứng với nền hành chính phát triển. Điều đó làm cho tư duy giá trị về công vụ cũng thay đổi.

Vấn đề quản lý các hành vi ứng xử cũng như các đạo luật quy định xử phạt đối với sự vi phạm các chuẩn mực đạo đức của công chức kém hiệu lực. Một hệ thống khuôn khổ pháp luật về đạo đức không đủ hiệu lực trong cả việc trừng phạt những hành vi xấu cũng như khuyến khích, khen thưởng các hành vi đạo đức tốt cũng làm cho đạo đức công chức xấu đi, trong khi lại thiếu cơ sở để đánh giá, kiểm tra các chuẩn mực đạo đức. Nhiều hiện tượng tham nhũng, lợi dụng công quỹ không hề bị phát hiện, hoặc khi đã phát hiện thì tổn thất đã rất lớn, mặt khác xử phạt lại không nghiêm minh, do đó không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa.

Công chức của nhiều nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường phải đối mặt với nhiều vấn đề của nền kinh tế thị trường mà trước đây không có. Vấn đề tiền lương, tiền thưởng hay phụ cấp, môi trường làm việc đều được so sánh với khu vực tư nhân và sự chênh lệch giữa hai khu vực này cũng làm cho tư duy về giá trị công vụ, công chức thay đổi. Hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân thể hiện sự thay đổi nhận thức giá trị công vụ. 

Nền tảng đạo đức công chức vững chắc là yếu tố giúp phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Như vậy, với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, vấn đề đạo đức công chức đang chịu tác động của nhiều nhân tố. Để hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến đạo đức công chức cần có nền tảng đạo đức công chức vững chắc. Nền tảng này cần phải được xây dựng dựa trên những tiêu chí về đánh giá công chức mang tính truyền thống như trung thực, thẳng thắn, không vụ lợi: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Mặt khác, cần thiết lập một hệ thống pháp luật cần thiết để bảo đảm cho các chuẩn mực đạo đức được thi hành trong công vụ. Để nâng cao đạo đức công vụ hiện nay, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, “vít kín các lỗ thủng” thông qua hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế quản lý, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, quản lý đất đai, vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước, cấp phép đầu tư. Xây dựng quy chế công vụ, đạo đức công chức thông qua hệ thống pháp luật thưởng phạt nghiêm minh;

Thứ hai, tiếp tục chương trình cải cách hành chính, phát hiện và sớm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, bất hợp lý, gây phiền hà cho dân. Cùng với đó, Nhà nước cần chấn chỉnh, đổi mới công tác đăng ký tài sản của công dân, kê khai thu nhập, coi đây là khâu quan trọng của quá trình quản lý nhà nước;

Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, giữ gìn lối sống giản dị, trong sạch, vững mạnh, tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân;

Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đề bạt và bố trí cán bộ. Đây được coi là một bước đột phá nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc và công khai công tác tuyển dụng cán bộ để đưa cán bộ, công chức “ngồi đúng vị trí” của mình. Từ việc làm này, chúng ta sẽ tạo sự dân chủ, bình đẳng và trưng dụng được nhân tài trong đội ngũ cán bộ, công chức trong nền kinh tế thị trường;

Thứ năm, xây dựng cơ sở để dân được biết công khai, công chức nhà nước, cơ quan nhà nước đang làm gì và làm như thế nào. Đồng thời, xây dựng cơ chế để người dân được quyền tham gia giám sát hoạt động của các công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước;

Thứ sáu, xây dựng cơ chế bắt buộc báo cáo không chỉ đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với công chúng các hoạt động của cơ quan nhà nước và công chức;

Thứ bảy, xây dựng những cam kết của công chức, tổ chức về hành vi ứng xử, đạo đức của công chức trong việc phục vụ công dân (mà nhiều nước gọi là Hiến chương khách hàng);

Thứ tám, tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với cán bộ, công chức; 

Thứ chín, có những biện pháp khen thưởng kịp thời đối với gương “người tốt, việc tốt”, tạo nên phong trào hăng say lao động trong quần chúng nhân dân. Xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi vi phạm đạo đức. Tổ chức tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi một đội ngũ cán bộ, công chức “hồng thắm, chuyên sâu”, nhất là những cán bộ được Đảng, Nhà nước giao những nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt. Chúng ta cần không ngừng đổi mới công tác cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, phải không ngừng vươn cao lên tầm trí tuệ, xứng đáng là công bộc của dân. Hình ảnh cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" không còn được tồn tại trong sự nghiệp đổi mới đất nước mà thay vào đó là những cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, vững chuyên môn nghề nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật./.

-----------------------------------------------

(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (có sửa đổi, bổ sung năm 2001), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 86-87