Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-7 đến ngày 04-8-2013)
1. Hội thảo lý luận lần thứ IX giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Từ ngày 27 đến ngày 29-7-2013, cuộc Hội thảo Lý luận lần thứ IX với chủ đề “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới - Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam” giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Lưu Kỳ Bảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, làm Trưởng đoàn. Tại lễ khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh, đã có bài phát biểu đề dẫn với tiêu đề “Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới - Thực tiễn và bài học kinh nghiệm”. Báo cáo khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Báo cáo giới thiệu thực trạng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; những bài học kinh nghiệm xây dựng Đảng; phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Trong báo cáo đề dẫn với tiêu đề “Những cách làm và kinh nghiệm chủ yếu về xây dựng tác phong Đảng liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đồng chí Lưu Kỳ Bảo nêu rõ, Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay luôn coi trọng việc duy trì tính tiên tiến và tính trong sạch của Đảng. Từ sau Đại hội XVIII, Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt chú trọng tăng cường kỷ luật chính trị trong Đảng, xây dựng tác phong liêm chính và triển khai đường lối quần chúng “vì dân, thiết thực, thanh liêm” để giữ gìn mối liên hệ máu thịt với quần chúng nhân dân, chống chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng thụ và tác phong xa xỉ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống trừng trị và phòng ngừa tham nhũng;… Các đại biểu hai Đoàn đã tiến hành các phiên thảo luận xoay quanh các chuyên đề “Xây dựng tác phong”, “Xây dựng chế độ”, “Giám sát, ràng buộc quyền lực”, “Môi trường xã hội”. Các phiên thảo luận diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn và cầu thị; tập trung đi sâu phân tích các mặt của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng; giới thiệu các quan điểm, chủ trương, chính sách, những cách làm tốt, những bài học kinh nghiệm của mỗi bên để tham khảo học tập lẫn nhau. Tại lễ bế mạc, hai bên khẳng định Hội thảo lý luận lần thứ IX giữa hai Đảng đã thành công tốt đẹp; đánh giá cao kết quả của Hội thảo lý luận lần này đối với lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng của mỗi Đảng; góp phần xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước.
2. WHO phát động “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ” năm 2013
Nhân “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu 2013” diễn ra từ ngày 01 đến ngày 07-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30-7-2013 đã kêu gọi ủng hộ hơn nữa việc nuôi con bằng sữa mẹ. WHO và các đối tác khuyến nghị trẻ sơ sinh cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ kết hợp với các thức ăn bổ sung phù hợp trong 2 năm hoặc hơn nữa. WHO cho biết “Sáng kiến bệnh viện thân thiện với trẻ em” do tổ chức này và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khởi xướng đã được triển khai ở hơn 150 quốc gia với nội dung khuyến khích và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo những nghiên cứu của WHO, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những biện pháp cần thiết bảo đảm cho sự phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bé ngay từ những ngày đầu tiên sinh ra. Những trẻ sơ sinh được được nuôi bằng sữa mẹ ít có nguy cơ bị thừa cân, béo phì về sau này, cũng như tránh được các bệnh thường gặp ở trẻ như tiêu chảy và viêm phổi. Thậm chí, trẻ được bú mẹ sau này cũng có cơ hội đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy việc cho con bú sẽ giúp người mẹ giảm được nguy cơ bị ung thư vú và ung thư cổ tử cung, đồng thời sớm lấy lại vóc dáng trước khi sinh. Tuy nhiên, WHO ước tính trên toàn thế giới hiện chỉ có 38% trẻ sơ sinh được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Cùng ngày, WHO công bố báo cáo về tình hình thực hiện Luật quốc tế về quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ, theo đó, tới nay mới chỉ có 37 trong số 199 nước (19%) từng cam kết thực thi quy định đã thông qua và ban hành các điều luật quốc gia liên quan tới vấn đề này.
3. Hội nghị thượng đỉnh chống chủ nghĩa đế quốc tại Bô-li-vi-a
Quang cảnh cuộc mít tinh bế mạc Hội nghị. Ảnh: ABI/TTXVN
Từ ngày 30-7 đến ngày 02-8-2013, Hội nghị thượng đỉnh chống chủ nghĩa đế quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại thành phố Cô-cha-bam-ba (Bô-li-vi-a). Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi tăng cường đấu tranh chống các “công cụ đô hộ của đế quốc” như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa tự do mới và ý đồ thiết lập Khu vực tự do thương mại châu Mỹ (FTAA). Hội nghị đã quyết định lấy ngày 02-7 hằng năm là “Ngày chống chủ nghĩa đế quốc”, và chọn Vê-nê-xu-ê-la làm địa điểm tổ chức Hội nghị lần thứ hai vào ngày 05-3-2014, đúng ngày kỷ niệm một năm Tổng thống U-gô Cha-vết qua đời để ghi nhận những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy thành lập các tổ chức liên kết tại châu Mỹ như Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và Cộng đồng các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC). Phát biểu trước khoảng 1 triệu người tham dự mít tinh chào mừng thành công của Hội nghị, Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lết đã kêu gọi các tổ chức xã hội và các chính phủ cánh tả đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, hướng tới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Hội nghị thượng đỉnh chống chủ nghĩa đế quốc lần thứ nhất có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu thuộc các tổ chức xã hội, công đoàn, thổ dân, nông dân và các lực lượng cánh tả đến từ khoảng 20 nước, chủ yếu là các nước Mỹ La-tinh. Hội nghị do các phong trào xã hội của Bô-li-vi-a triệu tập sau vụ chuyên cơ của Tổng thống E. Mô-ra-lét bị một số quốc gia châu Âu chặn lại hôm 02-7 vừa qua vì nghi ngờ trên máy bay có cựu nhân viên tình báo Mỹ Ét-uốt Xnâu-đơn - người bị Oa-sinh-tơn truy bắt vì tiết lộ các hoạt động tình báo bí mật của Chính phủ Mỹ.
4. Hội nghị quốc tế về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em đầu tiên tại châu Phi
Từ ngày 01 đến ngày 03-8-2013, tại thành phố Giô-han-ne-xbớc của Nam Phi đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần đầu tiên tại châu Phi về sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em tại châu lục này. Phát biểu tại Hội nghị, bà Nơ-cô-xa-da-na Đơ-la-min Du-ma (Nkosazana Dlamini Zuma), Chủ tịch Ủy ban châu Phi, cho biết mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm qua, châu Phi vẫn là nơi có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em cao nhất thế giới. Kể từ năm 1990, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em tại châu lục này đã lần lượt giảm 41% và 33%, tuy nhiên hiện vẫn có 57% số ca tử vong ở bà mẹ và khoảng một nửa số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu xảy ra tại châu Phi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bệnh sốt rét, HIV/AIDS, bệnh viêm phổi và tiêu chảy. Tại Hội nghị, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã công bố một sáng kiến mới nhằm tăng cường các dịch vụ sức khoẻ sinh sản cho 45 triệu bé gái vị thành niên tại châu lục. Tiến sĩ Ba-ba-tun-đê Ô-xô-tai-in (Babatunde Osotimehin), Giám đốc chấp hành UNFPA, cho biết ở tất cả 46 nước mà UNFPA khảo sát, tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên cũng như tỷ lệ tử vong do nạo phá thai không an toàn rất cao. Vì thế, việc tuyên truyền sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình là một phần quan trọng trong chiến lược của UNFPA, có thể giúp cứu sống 30% số bà mẹ tử vong khi sinh nở.
5. Diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc
Ngày 02-8-2013, tại Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) đã diễn ra Diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc (2003 - 2013). Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá tích cực về sự phát triển và thành tựu quan trọng đạt được trong quan hệ và hợp tác ASEAN, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực. Đặc biệt, kể từ khi quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc được thiết lập năm 1991 và nhất là trong 10 năm gần đây, sự tin cậy về chính trị giữa các nước ngày càng được củng cố, quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư,… ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả, hợp tác ngày càng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, giao lưu nhân dân và văn hóa ngày càng gia tăng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc với thương mại hai chiều đạt 400 tỷ USD năm 2012. Đáng chú ý, các ý kiến đều nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường đối thoại, tham vấn và hợp tác về chính trị, an ninh, vì hòa bình, ổn định và phát triển; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua triển khai hiệu quả hơn nữa các hiệp định và cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, tăng cường nỗ lực sớm hoàn tất các đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP), hướng tới mục tiêu đưa thương mại hai chiều đạt 500 tỷ USD vào năm 2015;…
6. Nhà Trắng họp cấp cao về nguy cơ khủng bố
Ngày 03-8-2013, Nhà Trắng đã triệu tập một cuộc họp cấp cao sau khi đưa ra khuyến cáo đối với người dân Mỹ và ra lệnh cho các đại sứ quán của Mỹ tại các nước Hồi giáo tạm thời đóng cửa vì những quan ngại khủng bố. Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol báo động về an ninh toàn cầu do gần đây liên tiếp diễn ra các vụ phá nhà tù ở nhiều nước, giải thoát hàng trăm tù nhân có liên quan tới mạng lưới khủng bố An Kê-đa, cũng như các phần tử đánh bom liều chết đã sát hại 9 người gần lãnh sự quán Ấn Độ ở thành phố Gia-la-la-bát (Áp-ga-ni-xtan). Cuộc họp do Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Xu-dân Rai-xơ làm chủ tọa, với sự tham dự của Ngoại trưởng Giôn Ke-ri, Bộ trưởng Quốc phòng Chắc Hây-gơ và Bộ trưởng An ninh quốc gia Gia-nét Na-pô-li-ta-nô, các giám đốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các phần tử An Kê-đa và các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này đang tiếp tục lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công khủng bố từ nay đến cuối tháng 8. Cụ thể, những vụ tấn công này “có khả năng xảy ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, có thể tại bán đảo A-rập hoặc bắt nguồn từ bán đảo A-rập, mục tiêu là các hệ thống giao thông công cộng và những kết cấu hạ tầng du lịch khác”.
7. Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon của Việt Nam sẽ phát tín hiệu vào tháng 9
Thử nghiệm rung động tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S. Na-ca-xu-ca, Đại học Tô-ky-ô (Nhật Bản). Ảnh: VNSC/TTXVN
Ngày 04-8-2013, Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết vào lúc 04h48 (giờ Nhật Bản) tức 02h48 giờ Việt Nam, tại bệ phóng Yô-si-nô-bư ở Trung tâm Vũ trụ Ta-nê-ga-si-ma (Nhật Bản), vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon của Việt Nam đã được tàu vận tải HTV4 của Nhật Bản đưa vào không gian. Ngoài Vệ tinh Pico Dragon của Việt Nam còn có 3 vệ tinh siêu nhỏ khác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng được phóng lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) lần này. HTV4 dự kiến sẽ đến Trạm Vũ trụ quốc tế ISS vào ngày 09-8 và sẽ phát tín hiệu đầu tiên về Việt Nam vào tháng 9 tới. Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon có kích thước 10x10x11,35cm, khối lượng 01kg, là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam. Việc đưa thành công vệ tinh Pico Dragon vào không gian đã đánh dấu một bước trưởng thành của các kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của VNSC và là bước chuẩn bị để tiến tới mục tiêu nghiên cứu và phát triển vệ tinh riêng của Việt Nam. Theo nhóm thực hiện, ngoài những nỗ lực của tập thể cán bộ VNSC, dự án đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Đại học Tô-ky-ô… Vệ tinh Pico Dragon có nhiệm vụ chụp ảnh Trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh bằng các cảm biến gắn trên vệ tinh; thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ, đặc biệt là bước chuẩn bị đầu tiên trong đào tạo nhân lực cho việc tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất của Việt Nam trong tương lai. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Việc thử nghiệm rung động, nhiệt tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S. Na-ca-xu-ca, Đại học Tô-ky-ô và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản./.
Không vội lạc quan dù kỳ vọng  (05/08/2013)
Nỗ lực vun đắp cho quan hệ Việt - Nhật ngày càng bền chặt  (04/08/2013)
Việt Nam và Trung Quốc tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác toàn diện  (04/08/2013)
Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2013  (04/08/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên