TCCSĐT - Tiếp tục các hoạt động thăm chính thức Hoa Kỳ trong ngày 26-7, tại thành phố Niu Oóc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nhà giáo dục và nghiên cứu kinh tế của Hoa Kỳ, cựu chiến binh hai nước, bạn bè Hoa Kỳ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

1. Hội nghị thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN

Từ ngày 22-7 đến ngày 24-7-2013, Hội nghị Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) lần thứ bảy đã diễn ra tại Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a). Hội nghị đã hoàn tất dự thảo Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em, nhằm đạt được bình đẳng, hòa bình và phát triển, đồng thời phản ánh những nỗ lực tập thể của ASEAN trong việc tăng cường và củng cố chính sách, khuôn khổ pháp lý và năng lực thể chế để chống lại bạo hành. Tuyên bố nêu rõ phạm vi dễ bị tổn thương ngày càng tăng, cũng như các hình thức lạm dụng mới xuất hiện đối với phụ nữ và trẻ em như xung đột, di cư, thảm họa, tình trạng khẩn cấp, biến đổi khí hậu, nạn buôn người, lạm dụng lao động, người khuyết tật, tình trạng không được công nhận là công dân của một nước... cần được giải quyết. Tuyên bố sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 vào tháng 10 tới để thông qua. Tại Hội nghị, Ủy ban ACWC tái khẳng định cam kết loại bỏ những trở ngại đối với nỗ lực xóa bỏ nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, trong bối cảnh tăng cường hợp tác khu vực, cộng tác và phối hợp xóa bỏ bạo lực bằng các biện pháp quan trọng như xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội thích hợp, bảo vệ nạn nhân, đẩy mạnh thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, các tổ chức xã hội dân sự, các chính phủ và tổ chức liên quan trong nước và quốc tế, nhằm xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả.

2. WB viện trợ kỷ lục cho các nước nghèo

 

Chủ tịch WB Gim I-âng Kim (Jim Yong Kim) cho biết cơ quan này đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Ngày 23-7-2013, trong một thông báo, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong năm tài chính 2013, kết thúc vào ngày 30-6 vừa qua, Cơ quan Phát triển quốc tế (IDA) trực thuộc WB đã cấp khoản trợ cấp và viện trợ phi lợi nhuận kỷ lục, lên tới 16,3 tỷ USD, cho các nước nghèo nhất thế giới, tăng 11% so với tài khóa trước. Một nửa số viện trợ này được chuyển tới các nước châu Phi, và 1/4 tới các quốc gia Nam Á. WB cho biết toàn bộ Nhóm WB đã cấp 52,6 tỷ USD gồm các khoản cho vay, tài trợ và các trợ giúp tài chính khác cho gần 2.000 chương trình phát triển trên khắp thế giới. Con số này giảm chút ít so với năm tài khóa 2012 vì nhu cầu trợ giúp từ các quốc gia có thu nhập trung bình giảm. Chủ tịch WB Gim I-âng Kim (Jim Yong Kim) cho biết cơ quan này đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đóng góp vào sự thịnh vượng của các quốc gia và đấu tranh nhằm xóa bỏ tình trạng cực nghèo tại các nước đang phát triển. Chủ tịch Gim I-âng Kim cho biết WB đang tổ chức lại hoạt động để đáp ứng hai mục tiêu mới đã được thông qua tại cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua, đó là chấm dứt tình trạng cực nghèo trên thế giới vào năm 2030 và thúc đẩy sự thịnh vượng chung, bằng cách xúc tiến tăng thu nhập cho 40% dân số nghèo nhất ở các nước đang phát triển.

3. Hội nghị quốc tế về bệnh phong tại In-đô-nê-xi-a

Từ ngày 24-7 đến ngày 26-7-2013, tại Thủ đô Gia-các-ta đã diễn ra Hội nghị quốc tế về bệnh phong do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Đông Nam Á phối hợp với Bộ Y tế In-đô-nê-xi-a và Quỹ Nippon của Nhật Bản tổ chức, với sự tham dự của bộ trưởng y tế 8 quốc gia và các chuyên gia quốc tế. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình bệnh phong trong khu vực, cũng như chiến lược và các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu “Một thế giới không bệnh phong” của WHO. Trong bài phát biểu khai mạc, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của WHO Xam-li Pli-an-bang-chang (Samlee Plianbangchang) đã khuyến cáo thế giới không được tự mãn, chủ quan với bệnh phong, mặc dù cuộc chiến chống căn bệnh này đã đạt được kết quả khả quan trên các phương diện ngăn chặn, điều trị và tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân, với 16 triệu bệnh nhân được chữa khỏi trong vòng 20 năm qua. Ông X. Pli-an-bang-chang cho biết hiện trên toàn cầu cứ hai phút lại có một ca bệnh phong mới được phát hiện, và 70% số bệnh nhân là trẻ em. Ông nêu rõ vẫn còn nhiều nhận thức sai lệch lan rộng trong người dân về căn bệnh này, dẫn đến sự tranh cãi, kỳ thị của cộng đồng đối với những người mắc bệnh, thậm chí kể cả đối với những người đã được chữa khỏi bệnh. Ông X. Pli-an-bang-chang cũng nhấn mạnh đến sự cấp thiết về việc bảo đảm rằng tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bệnh phong có cơ hội bình đẳng được chẩn đoán sớm và được điều trị triệt để.

4. Các bên cam kết hoàn tất đàm phán TPP vào cuối năm 2013

Tại vòng đàm phán thứ 18 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra từ ngày 15-7 đến ngày 25-7-2013 tại Cô-ta Ki-na-ba-lu (Ma-lai-xi-a), hơn 650 nhà đàm phán đến từ các nước Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Hoa Kỳ và Việt Nam, đều đưa ra cam kết về thời hạn chót kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013. Tại vòng đàm phàn lần này, các nhóm đàm phán đã thảo luận về các vấn đề đầu tư, những quy định trái với thỏa thuận về đầu tư, cạnh tranh, thâm nhập thị trường, nguồn gốc xuất xứ và những rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán còn bàn về dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, tạm nhập, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, mua sắm chính phủ, luật pháp và những vấn đề về thể chế. Cũng tại vòng đàm phán thứ 18, các nhà đàm phán đã dành thời gian trong ngày 20-7 để gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến của các bên liên quan. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 19 sẽ được tổ chức tại Bru-nây vào cuối tháng 8-2013. Trong ngày 25-7, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Ca-na-đa (Ed Fast) đã hoan nghênh việc kết thúc tốt đẹp vòng đàm phán TPP thứ 18 tại Ma-lai-xi-a. Ông cho rằng một thỏa thuận TPP đầy tham vọng sẽ mở rộng thị trường và tạo thêm nhiều việc làm cho người Ca-na-đa trên khắp cả nước, đồng thời hoan nghênh Nhật Bản trở thành thành viên mới của TPP. Theo Bộ trưởng Ét Phát, sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và nền kinh tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tạo ra các cơ hội thương mại và đầu tư quan trọng cho tất cả các nước tham gia đàm phán TPP.

5. Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hoa Kỳ

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun tại

trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục các hoạt động thăm chính thức Hoa Kỳ trong ngày 26-7, tại thành phố Niu Oóc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nhà giáo dục và nghiên cứu kinh tế của Hoa Kỳ, cựu chiến binh hai nước, bạn bè Hoa Kỳ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tại trụ sở của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-mun đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, hoan nghênh việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Liên hợp quốc và Việt Nam vì các mục tiêu phát triển dài hạn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Liên hợp quốc có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ mong muốn của các thành viên Liên hợp quốc về một Chương trình nghị sự sau năm 2015 phù hợp, mở ra thời kỳ phát triển quốc tế mới, hướng tới sự thịnh vượng, bền vững và công bằng cho tất cả các nước.

* Gặp ban lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Đại học Việt Nam và đại diện một số trường Đại học Hoa Kỳ, Chủ tịch nước bày tỏ, trong 18 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác giáo dục đã trở thành một lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Chủ tịch nước kêu gọi các nhà lãnh đạo ngành giáo dục Hoa Kỳ nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ giáo dục, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đồng thời nhấn mạnh Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong phát triển giáo dục đại học của Việt Nam.

* Dự buổi gặp mặt cựu chiến binh hai nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam không ngừng củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, không chỉ ở cấp chính phủ, nhà nước, mà cả giao lưu nhân dân, trong đó quan hệ giữa các nhóm cựu chiến binh hai nước cũng phát triển tốt đẹp theo tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

* Gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam, bạn bè Mỹ và Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo tình hình phát triển mọi mặt của Việt Nam thời gian qua. Việt Nam quyết tâm tiếp tục công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng tạo cơ hội để tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tăng cường gắn kết với cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cũng trong ngày 26-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Niu Oóc, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ.

6. Hoạt động kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Lào và Cam-pu-chia

Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2013), sáng 27-7, cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các bạn Lào đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang Bản Cơn, tỉnh Viêng Chăn. Tại nghĩa trang, các đoàn Trung ương Hội Cựu chiến binh Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Tùy viên Quốc phòng, Thành Hội Viêng Chăn, Hội Doanh nghiệp Việt Nam Hợp tác và Đầu tư tại Lào, trường Nguyễn Du, Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng đã đặt vòng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ Việt Nam và Lào đã ngã xuống trong chiến dịch Bản Cơn năm 1946, góp phần bảo vệ thủ đô Viêng Chăn. Cũng trong ngày 27-7, cán bộ nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện báo chí của Việt Nam tại Cam-pu-chia cùng đại diện bà con Việt kiều tại Cam-pu-chia đã dự lễ dâng hương, đặt hoa tại tượng Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam ở Thủ đô Phnôm Pênh. Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia Ngô Anh Dũng cùng những người tham dự buổi lễ đã dành một phút tưởng niệm, tri ân, ghi nhớ công lao của những anh hùng, liệt sĩ Việt Nam và đặc biệt là các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh cuộc sống hoặc một phần xương máu của mình trên đất nước Cam-pu-chia qua các thời kỳ chiến tranh.

7. Đảng Nhân dân Cam-pu-chia cầm quyền tuyên bố thắng cử Quốc hội khóa V

Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) cầm quyền đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V được tổ chức vào ngày 28-7-2013. Phát ngôn viên của Chính phủ và của CPP, ông Khiêu Ca-na-rít (Khieu Kanharith) cho biết CPP giành được 68 ghế trong tổng số 123 ghế Quốc hội khóa V; đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia (CNRP) giành được 55 ghế còn lại. Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) chưa công bố kết quả chính thức. Hiến pháp Cam-pu-chia quy định Quốc hội khóa mới sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên chậm nhất là 60 ngày sau bầu cử. Theo danh sách chính thức của NEC, có hơn 9,6 triệu cử tri Cam-pu-chia đủ tư cách tham gia bỏ phiếu ngày 28-7 bầu 123 Nghị sĩ Quốc hội khóa V. Ra tranh cử vào Quốc hội Cam-pu-chia khóa V có các ứng cử viên của 8 chính đảng, trong đó có các đảng lớn như CPP, CNRP và Đảng Bảo Hoàng FUNCINPEC. Trong Quốc hội Cam-pu-chia khóa IV, được bầu năm 2008, Đảng CPP chiếm 90 ghế, Đảng Sam Rainsy (SRP) 26 ghế, Đảng Nhân quyền (HRP) 3 ghế, Đảng FUNCINPEC 2 ghế và Đảng Norodom Ranaridh (NRP) 2 ghế. Đảng SRP và HRP đã sáp nhập thành Đảng CNRP năm 2012./.