Những chuyển biến tích cực của huyện miền núi Tuyên Hóa qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII

Trần Văn Bình Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình
18:47, ngày 23-07-2013
TCCSĐT - Phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng bộ, nhân dân huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trên địa bàn.

Những kết quả đạt được

Nhận thức sâu sắc con người là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại trong việc xây dựng và phát triển xã hội, những năm qua, Huyện ủy Tuyên Hóa đã chú trọng xây dựng con người mới theo 5 đặc trưng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra; tập trung tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, xây dựng đạo đức, lối sống. Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, tích cực hưởng ứng đường lối đổi mới, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; hăng hái thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua thực hiện các phong trào thi đua: “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng người cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Tuổi trẻ Tuyên Hóa - rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp”…, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; giúp nhau trong thiên tai, hoạn nạn; cứu người trong lũ lụt, tận tụy phục vụ nhân dân; tích cực đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Môi trường văn hóa ngày càng phát triển; số gia đình văn hóa ngày càng tăng. Nếu như từ năm 2001 - 2002, toàn huyện có 4.822 gia đình văn hóa, đạt 31,1%; thì đến nay đã có 11.995 gia đình văn hóa, đạt 54% so với tổng số gia đình toàn huyện. Đặc biệt, năm 2010, có 15 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 03 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Năm 1999 - 2001, toàn huyện chỉ có 5 thôn, tiểu khu đạt khu dân cư văn hóa, đến nay có 41 thôn, tiểu khu đạt khu dân cư văn hóa và 48 đơn vị văn hóa; có 137/156 thôn, bản, tiểu khu có nhà sinh hoạt cộng đồng, được xây dựng kiên cố phục vụ nhân dân sinh hoạt, vui chơi, giải trí.
Các chương trình hành động “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn”, “không khói thuốc lá”,“văn hóa giao thông”,“văn minh công sở”, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh,… được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tự giác thực hiện tốt. Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12-01-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” được các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc. Từ các phong trào: Toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước; vận động nhân dân đóng góp quỹ “Vì người nghèo”, “Xóa mái tranh cho hộ nghèo”; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, đất đai để xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính xã hội hóa ngày càng phát triển, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong sáng tác, biểu diễn. Phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe phát triển ngày càng sâu rộng. 

Trong 15 năm qua, huyện đã tổ chức trên 180 chương trình, hội thi, dạ hội văn nghệ; các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã tổ chức trên 4.700 hội thi, hội diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của quê hương. Các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc như làn điệu dân ca Bình - Trị - Thiên, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, múa dân gian, múa hiện đại, câu lạc bộ ca trù, câu lạc bộ Thơ mới, hát kiệu, hát dân ca được phục hồi và phát triển; đã xuất bản trên 20 số ấn phẩm ngợi ca quê hương, con người mảnh đất Tuyên Hóa anh hùng, có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương, cổ vũ, khích lệ tinh thần thi đua yêu nước của cán bộ, nhân dân trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của huyện; 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh được đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát triển. Hát ca trù - loại hình văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới được Câu lạc bộ Ca trù thôn Phong Châu, xã Châu Hóa bảo tồn và phát triển. 

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện phát triển khá toàn diện và đồng bộ, mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 76 cơ sở giáo dục bậc phổ thông và hướng nghiệp dạy nghề với trên 23.000 học sinh. Chất lượng dạy và học được quan tâm đúng mức; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, tốt nghiệp, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao. Năm học 1997 - 1998, chỉ có 42,9 % học sinh đạt khá, giỏi ở các cấp học từ tiểu học đến trung học cơ sở thì năm học 2011 - 2012, số học sinh đạt khá, giỏi chiếm 58 % tổng số học sinh. Năm 1997, huyện chỉ có 15 em thi đỗ vào các trường đại học thì năm 2012 đã có 266 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, đã có 20/20 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 1998, huyện chưa có trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay, đã có 23 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 02 trường đạt chuẩn mức độ 2); trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, tỷ lệ người biết chữ hiện nay là 100%. Năm học 2011 - 2012, huyện có 394 lượt học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; có 34 lượt em đạt giải các kỳ thi điền kinh cấp tỉnh và 3 em đạt giải cấp quốc gia. Trong 10 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia (1998 - 2008), nhân dân đã đóng góp tiền và ngày công có tổng trị giá 14 tỷ đồng. 

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ ngày càng được nâng cao về chất lượng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cải tiến trang thiết bị máy móc, đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện. 

Đến nay, có 15/20 xã, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh. Năm 1998, Đài phát thanh - truyền hình huyện chỉ có một máy phát truyền hình 100W tiếp và phát sóng 4h/ngày thì đến nay đã có 7 máy phát truyền hình trong đó có 3 máy ở trạm trung tâm phục vụ 20h/ngày và 4 máy ở các trạm phát lại, 01 máy FM 01KW. Hiện nay, cùng một lúc Đài phát thanh - truyền hình huyện tiếp và phát sóng 3 kênh VTV1, VTV3 và truyền hình Quảng Bình, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân trên địa bàn. 20/20 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị đều mua, đọc các loại báo, tạp chí của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 11- CT/TW, ngày 28-12-1996, của Bộ Chính trị. Huyện đã có các chính sách ưu tiên tiếp nhận con em người dân tộc thiểu số được đào tạo, học tập, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đến nay 100% hộ gia đình đồng bào dân tộc đã định canh, định cư sản xuất lúa nước, chăn nuôi và có nhà ở vững chắc; nhiều hộ đã chủ động được lương thực; bà con dân tộc thiểu số phấn khởi gắn bó, đoàn kết cộng đồng, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Về thực hiện chính sách tôn giáo, Đảng bộ, nhân dân Tuyên Hóa luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo, quan tâm, tạo điều kiện cho việc chia tách, thành lập giáo xứ, giáo họ; xây dựng cơ sở thờ tự khang trang, giúp bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo thuận lợi. Đa số bà con giáo dân tích cực hưởng ứng thi đua lao động sản xuất; xây dựng xứ, họ đạo bình yên; nhiều thôn là giáo dân toàn tòng đạt danh hiệu làng văn hóa, góp phần xây dựng tình đoàn kết lương - giáo, có ý nghĩa tích cực trong việc ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm 

Đạt được những kết quả trên trước hết là do Huyện ủy Tuyên Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn đã được xác định trong Nghị quyết. Đảng bộ, chính quyền, các địa phương, đơn vị luôn chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động và đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn có tính khả thi cao. 

Cùng với đó, Tuyên Hóa đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc phát triển văn hóa của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh.

Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chú trọng quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, các phương tiện hoạt động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa. Công tác tuyên truyền Nghị quyết đã thấm sâu đến các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của quê hương, đất nước, làm cho quần chúng nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa. 

Hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền kiểm điểm đánh giá thực hiện Nghị quyết gắn với việc sơ kết, tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng. 

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới

Thứ nhất, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa của huyện; kết hợp các mục tiêu phát triển kinh tế với các mục tiêu phát triển xã hội nhằm từng bước bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. 

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò vận động, đoàn kết, tập hợp của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung chỉ đạo cơ sở rà soát, đánh giá lại thực chất các mô hình phát triển văn hóa để từ đó rút ra những vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện, Ban vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thôn, tiểu khu đủ mạnh. 

Thứ ba, chú trọng và tăng cường xây dựng cơ chế chính sách về phát triển văn hóa với những giải pháp năng động, linh hoạt và hiệu quả trong việc xây dựng nguồn vốn đóng góp của các tổ chức xã hội, của nhân dân, chống sự ỷ lại, chỉ dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước. 

Thứ tư, tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng; xây dựng tiêu chuẩn công nhận các danh hiệu văn hóa bảo đảm chất lượng./.