TCCSĐT - Ngày 18-7, Diễn đàn lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 10 đã khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với chủ đề "ASEAN tại thời điểm quyết định - Hướng tới một tương lai chung, thịnh vượng chung và ổn định khu vực".

Khai mạc diễn đàn, cựu Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi cho rằng các nước thành viên ASEAN phải có biện pháp nhằm bảo đảm các trụ cột an ninh - chính trị và văn hóa - xã hội phát triển nhanh chóng với trụ cột về kinh tế, để hiệp hội ngày càng vững chắc và ổn định.

Ông Ahmad Badawi nhấn mạnh: "ASEAN có thể và sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa, song chúng ta cũng cần nhận ra rằng còn rất nhiều việc phải hướng tới. Xây dựng ASEAN là cả một tiến trình và mọi viên gạch chúng ta đặt ngày hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai".

Cựu Thủ tướng Malaysia cũng cho rằng thành công của Cộng đồng ASEAN không nên chỉ được đo bằng khối lượng kim ngạch nội khối hay bởi số lượng các cuộc họp của ASEAN, mà còn bởi Cộng đồng ASEAN đã tạo ra sự thay đổi lớn và tích cực như thế nào đối với 600 triệu cư dân trong khu vực.

Tại Diễn đàn, các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cùng chuyên gia các nước thành viên ASEAN đã trao đổi về chặng đường phía trước của ASEAN và tương lai của khu vực.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhìn nhận những thành tựu, thành công và hạn chế của ASEAN cũng như những thách thức và cơ hội phía trước nhằm hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cho rằng: Hành trình hướng tới AEC vào năm 2015 đang đi đúng hướng và không thể đảo ngược; ASEAN đã đi một chặng đường dài và còn ba năm nữa để hiện thực hóa AEC vào năm 2015, khi Malaysia sẽ là Chủ tịch ASEAN.

Theo Thủ tướng Najib, thành công của AEC và việc khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới (FTA), là những triển vọng tiềm năng cho các nước ASEAN.

Ông cho rằng tăng cường khu vực hóa đã giúp tăng đáng kể thương mại nội khối ASEAN cũng như thương mại của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN năm 2011 đã vượt trên 2.000 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2030. Triển vọng của ASEAN là sán lạn và cộng đồng doanh nghiệp cần phải thấy tiềm năng phát triển của tăng cường hội nhập khu vực.

Thủ tướng Najib cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển con người, tập trung vào sự đổi mới và sáng tạo và tập trung vào thế hệ trẻ, coi đây là những thách thức chính trong việc đảm bảo ASEAN duy trì cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu./.