Ngày 10-5, Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi lần thứ 23 đã bế mạc tại thành phố Kếp Tao (Cape Town) của Nam Phi với lời kêu gọi tăng cải cách, đầu tư và hội nhập.

Diễn đàn lần này đã thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu từ các chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội của từ khắp thế giới và châu Phi.

Với khẩu hiệu “Hướng tới triển vọng của châu Phi”, Diễn đàn kéo dài trong ba ngày qua đã tập trung thảo luận ba vấn đề chính là đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, tăng cường phát triển hạ tầng chiến lược và giải phóng sức sáng tạo của châu Phi.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AU) Nơ-cô-xa-da-na Đơ-la-mi-ni-Duma (Nkosazana Dlamini-Zuma) bày tỏ tin tưởng châu Phi có thể đạt mức tăng trưởng cao nếu giải quyết được những thách thức lớn, như tình trạng xung đột đã tàn phá châu lục này trong suốt thời gian dài.

Bà N. Đơ-la-mi-ni-Duma nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho con người - nguồn tài sản lớn nhất cho phát triển - thông qua việc cải thiện hệ thống giáo dục, y tế và nâng cao kỹ năng cho người dân.

Bà N. Đơ-la-mi-ni-Duma cho rằng một trong những thế mạnh của châu Phi là nông nghiệp và nếu tận dụng hết nguồn tài nguyên về nông nghiệp, châu Phi có thể cung cấp đủ lương thực cho phần lớn thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống nước chủ nhà Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma) cho rằng việc Nam Phi trở thành thành viên của khối BRICS đã giúp châu Phi tăng cường hội nhập kinh tế thế giới. Ông Gi. Du-ma khẳng định ngân hàng tương lai của khối này sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng tại nhiều nước trong khu vực - nhân tố được coi là có tầm quan trọng đặc biết đối với sự phát triển của châu Phi.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Kê-ni-a U-hu-ru Kê-ni-át-ta (Uhuru Kenyatta) nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ những rào cản đang cản trở hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư. Ông U. Kê-ni-át-ta hy vọng trong tương lai, châu Phi sẽ có những khối thương mại liên kết chặt chẽ với nhau, và vùng Đông Phi sẽ có một đồng tiền chung. Ông U. Kê-ni-át-ta cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động các nguồn lực của châu Phi hơn là dựa chủ yếu vào viện trợ nước ngoài.

Tại Diễn đàn lần này, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã đề nghị thiết lập một công cụ cho phép các ngân hàng trung ương châu Phi đầu tư một phần nguồn dự trữ của mình vào lục địa. Nhận thấy hệ thống hạ tầng là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với tương lai của châu Phi, các đại diện của AfDB đã soạn thảo kế hoạch phát triển một công cụ tài chính để trang trải cho các dự án phát triển hạ tầng tại các nước.

Diễn đàn cũng đã công bố “Báo cáo 2013 về khả năng cạnh tranh của châu Phi”, theo đó châu Phi vẫn gặp nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Nhà phân tích Thô-mát Xên (Thomas Sales) thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật trong thập kỷ qua, các nền kinh tế tại khu vực này vẫn còn tụt hậu khá xa so với phần còn lại của thế giới và thu nhập quốc gia chưa được phân phối một cách công bằng.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi, Nam Phi vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất và có sức cạnh tranh nhất châu Phi. Tuy nhiên, thị trường lao động của nước này vẫn tiếp tục căng thẳng khi có tới 4,6 triệu người thất nghiệp - chiếm hơn 25% lực lượng lao động./.