TCCSĐT - Diễn ra từ ngày 20-5 đến 25-6, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét 10 dự án luật và 1 nghị quyết. Cùng với quyết nghị các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện thu chi ngân sách, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

* Tại Kon Tum: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 6-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc với cử tri tại hai huyện Đắc Glei và Kon Plông.

Tại huyện nghèo 30a Kon Plông, cử tri ở hai xã Măng Bút và Đắc Ring, phản ánh: giao thông ở địa phương hiện còn rất khó khăn, với những con đường đất từ các thôn làng ra xã, vẫn hầu như bị cắt đứt vào mùa mưa. Cách trở về giao thông đang ảnh hưởng lớn đến triển kinh tế - xã hội, nhất là việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, như ở xã Măng Bút chiếm tới 75%.

Cử tri nơi đây kiến nghị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, trước hết là hệ thống giao thông. Ngoài ra do địa bàn quá rộng, dân cư phân tán, cử tri mong muốn có chính sách đặc thù về y tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe.

Cử tri A Diêng, xã Măng Bút nêu ý kiến: “Tôi đề nghị thành lập thêm một trạm y tế nữa để bảo đảm chữa trị cho nhân dân bởi vì xã Măng Bút rất là rộng, đến tới 23 làng, 12 thôn, chữa trị bệnh không kịp thời bởi vì quá xa, quá rộng. Cũng xin đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thành lập thêm một Trạm y tế Măng Bút số 2 để bảo đảm chữa trị cho nhân dân”...

* Tại Vĩnh Long: Sáng 6-5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long và ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có buổi tiếp xúc 120 cử tri xã Mỹ Phước huyện Mang Thít.

 
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp xúc cử tri sáng 6-5-2013. Ảnh: thvl.vn

Ông Phạm Tất Thắng đã thông báo đến cử tri xã Mỹ Phước dự kiến chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, nội dung trả lời của các bộ, ngành Trung ương về các vấn đề cử tri huyện Mang Thít đã gửi đến Quốc hội trong kỳ họp thứ 4.

Cử tri xã Mỹ Phước cũng nêu một số kiến nghị như: giảm mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế để dân tham gia nhiều hơn; Trung ương dành ngân sách nhiều hơn để xây dựng hệ thống nước sạch cho nông dân; sớm đầu tư vốn để xây dựng hoàn chỉnh 1 hoặc 2 xã nông thôn mới ở mỗi tỉnh để các địa phương trong tỉnh học hỏi, nhân rộng; Song song với việc ổn định giá đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước cần có giải pháp quyết triệt để tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, các vấn đề nâng lương tối thiểu cho công nhân các khu công nghiệp; nâng mức phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã; có biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên cát sông để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống người dân; Nhà nước có giải pháp đầu tư cho dân kéo điện trực tiếp để sử dụng, giải quyết dần tình trạng câu đuôi điện để sử dụng.

- Cùng ngày 6-5, đại biểu Quốc đơn vị tỉnh Vĩnh Long gồm: ông Nguyễn Văn Thanh, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lưu Thành Công, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến tiếp xúc với trên 60 cử tri xã Phước Hậu, huyện Long Hồ.
Dịp này, cử tri xã Phước Hậu kiến nghị Nhà nước cần tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống; có chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ xã, phường, thị trấn, ấp, khóm; nâng cao mức trợ cấp ưu đãi cho người có công hiện đã cao tuổi; tăng cường công tác quản lý chất lượng nón bảo hiểm; quan tâm bảo vệ rừng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Ngoài ra, cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước khi ban hành các Nghị Quyết cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

- Tại buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long và ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh với trên 100 cử tri của 2 xã Phú Lộc và Mỹ Lộc huyện Tam Bình ngày 6-5, cử tri kiến nghị Nhà nước cần quan tâm bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu; có giải pháp bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông; quan tâm hơn nữa chế độ chính sách cho người có công, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ấp, khóm, xã, phường; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường giám sát trên lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị Nhà nước quan tâm tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, có biện pháp chế tài xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị giám sát thi công, nhằm bảo đảm chất lượng các công trình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thanh đã giải trình làm rõ những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền và ghi nhận các kiến nghị để trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

- Trước đó, tại xã Mỹ Hòa - thị xã Bình Minh, chiều 3-5 các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long gồm: ông Nguyễn Văn Thanh - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lưu Thành Công - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri tại địa phương.

Dịp này, cử tri xã Mỹ Hòa kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ chăm lo cho hộ nghèo; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; Có chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Ngoài ra, các vấn đề về nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được cử tri quan tâm, nhất là việc giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản; cử tri cũng kiến nghị nên kiên quyết xử lý những dự án quy hoạch treo, gây ảnh hưởng đời sống người dân.

* Tại Đồng Nai
: Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII, trong 2 ngày 3 và 4-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (đơn vị số 3) đã có buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.

Tại buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri, các đại biểu Quốc hội đã thông báo tóm tắt về nội dung dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới, đồng thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của người dân để tổng hợp trình lên Kỳ họp tới xem xét cho ý kiến. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, dừng ngay việc triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì những thiệt hại do 2 công trình này gây ra sẽ lớn hơn so với lợi ích mà nó mang lại. Một số ý kiến khác cho rằng: Mức lương của cán bộ ở cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống; trang thiết bị ở trạm y tế xã hiện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; một số cử tri cũng kiến nghị cần mở thêm trung tâm và đưa giáo viên môn Anh văn về vùng sâu để đào tạo trình độ Anh ngữ cho con em ở địa phương...

Trước đó, vào chiều ngày 3-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện thường trực HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Theo các đại biểu, việc ban hành Luật này là cần thiết, sẽ giảm bớt được các vụ việc khiếu kiện, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và giữ gìn trật tự xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đi sâu góp ý vào một số vấn đề trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, về tiêu chuẩn hòa giải viên, phương án bầu hòa giải viên, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của hòa giải viên… Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên lựa chọn công nhận hòa giải viên, không nên sử dụng hình thức bầu hòa giải viên. Các ý kiến thống nhất Luật nên quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ về kinh phí cho tổ hòa giải, vì nếu không có kinh phí sẽ rất khó hoạt động. Ngoài ra, một số vấn đề khác như: chế độ chính sách với những hòa giải viên cơ sở, việc lưu giữ hồ sơ, về tính pháp lý của hòa giải thành… cũng được các đại biểu đóng góp ý kiến. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan, cùng chính quyền địa phương đã tiếp thu và giải trình thỏa đáng các ý kiến của bà con cử tri, đồng thời ghi nhận các ý kiến ngoài thẩm quyền để tổng hợp trình tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sắp tới.

* Tại Hòa Bình: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình vừa kết thúc đợt tiếp xúc cử tri tại 7 xã của huyện Lạc Sơn là Phú Lương, Phúc Tuy, Chí Thiện, Chí Đạo, Văn Sơn, Thượng Cốc, Định Cư và cử tri huyện Yên Thủy.

Tại huyện Lạc Sơn, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành tuyến đường 12B, thực hiện tốt việc giải quyết chế độ cho người có công, gia đình liệt sĩ, xây dựng các trạm y tế xã, kiên cố hóa trường lớp học... cử tri huyện Yên Thủy đề nghị Chính phủ bổ sung kinh phí cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, quan tâm đến chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản và đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, bổ sung biên chế cấp xã, phường, thị trấn nhất là biên chế cho văn phòng cấp ủy. Cử tri cũng mong muốn các địa phương được tăng mức đầu tư để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo trình lên Quốc hội và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.

* Tại Hà Nam
: Chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, ngày 2 và 3-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương trên địa bàn.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri nêu các ý kiến, băn khoăn gửi tới Quốc hội như: giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó nhấn mạnh đến ô nhiễm nguồn nước; giải quyết bài toán cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn; cần làm tốt hơn nữa chính sách đối với người có công; giải quyết việc làm cho người dân khu vực thu hồi đất; tăng phụ cấp cho các vị trí phụ trách các tổ chức xã hội. Cử tri đề nghị ngành chức năng quy hoạch vùng trồng cây hàng hóa chất lượng cao, vì nếu chỉ trồng lúa thì thu nhập của người nông dân rất thấp.

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cử tri tại nhiều địa phương đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như xây dựng đường giao thông, đường ra đồng, cứng hóa kênh mương và các công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị nâng mức phụ cấp cho Bí thư Chi bộ thôn, xóm, trưởng thôn xóm lên cao hơn mức 0,6 đang áp dụng, bởi hiện tại thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới công việc của 2 chức vụ trên nhiều hơn trước mà mức phụ cấp vẫn không thay đổi...

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam đã ghi nhận những ý kiến cử tri, đồng thời giải đáp một số ý kiến ngay tại buổi tiếp xúc. Các ý kiến của cửa tri tỉnh Hà Nam sẽ được tổng hợp và trình lên Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII, đồng thời gửi tới các cấp, ngành chức năng để trả lời.

* Tại Lào Cai: Trong 2 ngày 3 và 4-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai để thông báo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

 
 Cử tri thị trấn Khánh Yên, Lào Cai nêu ý kiến kiến nghị. Ảnh:laocai.gov.vn

Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, cử tri đánh giá cao việc Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với các hộ vừa thoát nghèo, cận nghèo để việc giảm nghèo được bền vững, tránh tình trạng các hộ nghèo không muốn thoát nghèo để tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ; tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân đang sống tại các vùng nguy hiểm để di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn; tiếp tục nâng cấp, xây dựng đường giao thông các xã, hệ thống điện nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới cần kết hợp với bảo tồn văn hóa các dân tộc, xây dựng quy ước, hương ước thực hiện nếp sống mới. Cử tri cũng đề nghị tiếp tục thực hiện Chương trình 135, kéo dài thời gian và tăng mức đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn; hỗ trợ thêm đất ở, sản xuất cho các hộ di dân tái định cư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình trọng điểm có liên quan đến an ninh quốc phòng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; vấn đề quản lý khai thác khoáng sản; an toàn giao thông; bổ sung danh mục thuốc cấp phát cho trạm y tế để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế công lập cho phù hợp với mức thu viện phí hiện hành; cử tri đề nghị các ngành chức năng có giải pháp cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho những người là dân tộc Kinh có quá trình sinh sống ở miền núi từ 50 năm trở lên; đề nghị Nhà nước có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương.

Về thực hiện chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy, cử tri đề nghị xem xét lại hạn mức giao đất và giữ khung giá ổn định từ 5 năm trở lên để nhân dân yên tâm sản xuất. Cử tri Lào cai cũng đề nghị các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đánh giá cao tinh thần góp ý thẳng thắn của cử tri. Những vấn đề cử tri đang bức xúc thuộc thẩm quyền của tỉnh và huyện giải quyết, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu giải quyết kịp thời, thỏa đáng để người dân hiểu và đồng lòng ủng hộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai sẽ tổng hợp để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới./.