Tăng cường kết nối giao thương Việt Nam - Phần Lan

HTN (tổng hợp)
19:49, ngày 06-05-2013
TCCSĐT - Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan (1973 - 2013), ngày 6-5, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo "Cơ hội đầu tư và các công cụ hỗ trợ kết nối giao thương Việt Nam - Phần Lan" do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết; Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta; bà Siv Ahlberg, Giám đốc Chương trình Đối tác Kinh doanh Phần Lan (Finnpartnership) Siv Ahlberg; ông Lauri Laaksso, Cố vấn trưởng Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và khoảng 30 doanh nghiệp Đà Nẵng.

 

Tại Hội thảo, thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu với Phần Lan về môi trường đầu tư tại thành phố, tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển của thành phố, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, các quy định có liên quan; hỗ trợ các đối tác Phần Lan và Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh, đồng thời thông báo các hỗ trợ miễn phí và các chương trình hợp tác phát triển từ nguồn ngân sách của Phần Lan dành cho doanh nghiệp và các trường đại học tại Đà Nẵng như chương trình đối tác kinh doanh Phần Lan, chương trình đối tác đổi mới sáng tạo.

 

Cũng tại Hội thảo, phía Phần Lan đã giới thiệu những thông tin cơ bản về Phần Lan và những hỗ trợ quan hệ đối tác kinh doanh. Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Phần Lan tập trung phát triển bao gồm công nghệ sạch (các giải pháp về nước, năng lượng và môi trường), giáo dục, truyền thông và công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu.

 

Từ tháng 11-2011, thành phố Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ với thành phố Salo, Phần Lan về việc thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao; thúc đẩy đầu tư và thương mại tại Salo và Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ cao; tăng cường hợp tác trong đào tạo nghề và giáo dục bậc cao hơn. Từ biên bản ghi nhớ đó, nhiều hoạt động hợp tác đã được thực hiện giữa hai thành phố. Đà Nẵng chưa có dự án đầu tư trực tiếp nào của Phần Lan. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên còn hạn chế và giảm dần qua các năm. Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Phần Lan khoảng 65 ngàn USD. Tháng 12-2012, Sở Công thương Đà Nẵng và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Salo (Yrityssalo) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về triển khai dự án "Mô hình đối tác Salo - Đà Nẵng xúc tiến doanh nghiệp đổi mới sáng tạo" và hợp tác hỗ trợ công thương. Tháng 12-2012 và tháng 4 năm nay, trong khuôn khổ dự án, các khóa học về thiết lập hệ thống chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tổ chức tại Đà Nẵng.

 

Trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, năm 2007, sau khi Công ty WPS của Phần Lan giành giải nhất cuộc thi thiết kế cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý, Công ty đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế với thành phố Đà Nẵng. Tháng 3-2013 cầu Trần Thị Lý đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng.

 

Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), năm 2011, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã đồng ý trài trợ 1,53 tỷ đồng cho 3 dự án tại Đà Nẵng; xây dựng và nâng cao năng lực cho Trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng; xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên địa bàn Đà Nẵng và sử dụng năng lượng quang điện và công nghệ LED để bảo đảm an toàn cho ngư dân và thúc đẩy sự phát triển ngư nghiệp tại Đà Nẵng. Trường Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Đông Á đã ký kết các Biên bản ghi nhớ về hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo với Trường Đại học Ứng dụng Turku, Phần Lan. Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Turku lập dự án tham gia Chương trình Nâng cao năng lực giáo dục (HEI-ICI) do Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ. Tháng 3-2012, Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Satakunta Seppo Pynna (SAMK) và Đại học Đà Nẵng đã ký kết văn bản hợp tác về trao đổi sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu thảo luận và cam kết cùng xây dựng dự án "Trung tâm đào tạo hàng hải" tại đại học Đà Nẵng. Kinh phí cho dự án sẽ được xin từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan.

 

* Chiều 6-5 Triển lãm tranh áp-phích Phần Lan với tên gọi “100 năm - 100 tranh áp-phích”, do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan - Việt Nam (1973-2013), đã khai mạc tại 78 Lê Duẩn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

 

Triển lãm gồm 100 tác phẩm sáng tác từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đây là bộ sưu tập của Bảo tàng tranh áp-phích Lahti (Phần Lan). Nghệ thuật tranh minh họa áp-phích đầy màu sắc và sáng tạo không chỉ mô tả sự phát triển của ngành thiết kế đồ họa mà cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Phần Lan. Triển lãm hướng đến những chủ đề trong các lĩnh vực thể thao, du lịch, quảng cáo, giáo dục... Nhiều tấm áp-phích là những quảng cáo đầu tiên cho các công ty nổi tiếng của Phần Lan như Finnair, Nokia, Fazer và Sinebrychoff...

 

Nghệ thuật tranh áp-phích Phần Lan phát triển theo xu hướng nghệ thuật tranh áp-phích châu Âu nói chung, thoạt đầu chịu ảnh hưởng của nước ngoài, nhưng sau đó gây ảnh hưởng đến các nước khác. Tại châu Âu, các điều kiện đầu tiên để ngành truyền thông thị giác phát triển nhanh chóng được xác lập trong suốt thế kỷ XIX. Một số yếu tố chủ chốt gồm có sự phát triển của các phương pháp in thạc bản và khắc gỗ, công nghệ nhiếp ảnh, máy in nhanh, và rất đông các nghệ sĩ, thợ thủ công đã qua đào tạo tìm được việc làm trong các ngành nghề mới này.

 

Nhân dịp này, Đại sứ quán Phần Lan cũng phối hợp với các cơ quan, địa phương của Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động khác như: Hội thảo kết nối kinh doanh, nhân vật sáng tạo của năm và nhiều hoạt động văn hóa khác. Triển lãm kéo dài đến ngày 10-5.

 

Triển lãm tranh áp-phích Phần Lan đã diễn ra tại Thư viện Quốc gia Hà Nội từ ngày 19 đến 24-3, tại Huế từ 29-4 đến 3-5, và lần lượt tới đây sẽ tổ chức tại các tỉnh thành khác như: Thái Nguyên, Cao Bằng, Hải Phòng, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Trong năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan (1973 - 2013) còn có triển lãm nghệ thuật của nghệ sỹ Maritta Nurmi tại TP. Hồ Chí Minh; chuyến lưu diễn của các nhạc sĩ nhạc dân ca Phần Lan, ban nhạc Jari và Taika tại Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 10 và triển lãm của 8 nghệ sĩ Việt Nam với tên gọi Thần thoại Việt Nam và Kalevala trong tháng 12...

Theo Bộ trưởng Phát triển quốc tế Phần Lan Heidi Hautala, quan hệ chính thức giữa Phần Lan và Việt Nam bắt đầu từ năm 1972, khi Phần Lan công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 28-12-1972. Quan hệ ngoại giao được thiết lập sau đó vào ngày 25-1-1973, hai ngày trước khi ký Hiệp định Hòa bình Paris. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội mở cửa vào năm 1974.

 

Việt Nam trở thành một trong những nước đối tác lâu năm trong chính sách hợp tác phát triển của Phần Lan. Kể từ năm 1973, Phần Lan đã tài trợ cho Việt Nam hơn 400 triệu USD, trong đó hỗ trợ người dân nông thôn và dân tộc thiểu số giảm nghèo tại nhiều vùng khác nhau. Đổi mới sáng tạo và chuyên môn của Phần Lan trong lĩnh vực nước sạch, lâm nghiệp và công nghệ sạch đã chứng tỏ giá trị tại Việt Nam. Hiện nay, chương trình hợp tác phát triển song phương tại Việt Nam tập trung vào nước sạch và vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Phần Lan cũng hỗ trợ các lĩnh vực khác, ví dụ như phòng, chống tham nhũng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng xanh và các công việc liên quan đến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

 

Quan hệ mậu dịch và thương mại giữa Phần Lan và Việt Nam phát triển ổn định. Khoảng 60 công ty Phần Lan đang hoạt động tại Việt Nam. Theo số liệu từ phía Việt Nam, Phần Lan đứng thứ 26 trong số 96 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng số dự án trị giá khoảng 335 triệu USD. “Tôi đặc biệt hài lòng nhận thấy một số công ty lớn của Phần Lan gần đây đã có những quyết định đầu tư quan trọng. Một tin vui khác là Finnair, hãng hàng không quốc gia Phần Lan, có kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Helsinki vào tháng 6 năm nay. Tôi tin rằng đường bay mới không chỉ giúp doanh nghiệp Phần Lan mà còn giúp doanh nghiệp và người dân châu Âu đến gần Việt Nam hơn” - Bộ trưởng Phát triển quốc tế Phần Lan Heidi Hautala nhấn mạnh./.