Nước Nga sau 1 năm ông Putin trở lại Điện Kremlin
Mặc dù nền kinh tế Nga vẫn còn khó khăn do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, nạn tham nhũng còn nhức nhối và quan hệ với Mỹ vẫn căng thẳng, song sự ủng hộ của người dân "xứ sở Bạch Dương" dành cho nhà lãnh đạo của mình không hề suy giảm.
Có thể nói lần trở lại Điện Kremlin này, ông Putin phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp. Chính ông đã thừa nhận rằng thách thức với nguyên thủ quốc gia Nga mỗi lúc một khác và công việc không hề dễ dàng hơn.
Rõ ràng, người dân Nga đã, đang và sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở ông Putin, người đã có tới 8 năm lãnh đạo nước Nga trên cương vị Tổng thống và 4 năm giữ cương vị Thủ tướng.
Nếu như việc Tổng thống Putin đắc cử lần thứ 3 không làm ai bất ngờ, thì những gì ông làm được trong năm cầm quyền đầu tiên đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Vẫn những ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại từng được nêu trong cương lĩnh tranh cử, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, ưu tiên nâng cao mức sống của người dân và kiên định nguyên tắc lợi ích quốc gia trong các vấn đề quốc tế, song những gì ông Putin làm được một lần nữa cho thấy lòng tin của cử tri Nga đã được đặt đúng chỗ.
Trở lại cầm quyền trong bối cảnh xã hội Nga đã có những thay đổi đáng kể với những mâu thuẫn âm ỉ luôn có nguy cơ bùng nổ, nhiệm vụ hàng đầu của ông Putin là củng cố và tăng cường sự ổn định chính trị - xã hội thông qua các cải cách chính trị nhằm tạo điều kiện cho công dân tự do bày tỏ chính kiến và xây dựng một xã hội dân chủ hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Thông điệp liên bang đầu tiên kể từ khi quay lại Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga lại đề cao khối đoàn kết dân tộc cùng những truyền thống văn hóa đa dạng và tinh thần phong phú của nước Nga đa dân tộc - sắc tộc, coi đây là niềm tự hào, là cội nguồn sức mạnh và là nền tảng vững chắc để phát triển đất nước trong tương lai.
Cùng với lời khẳng định của Tổng thống Putin rằng tương lai đất nước trước hết phụ thuộc vào người dân, hơn bao giờ hết, người dân Nga được khuyến khích tích cực tham gia quản lý đất nước cũng như giải quyết những thách thức, khó khăn đang đặt ra.
Việc Nhà nước Nga ngày 1-5 vừa qua khôi phục lại danh hiệu "Anh hùng Lao động" từ thời Liên Xô để tôn vinh những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển nước Nga hiện đại chính là sự cụ thể hóa mục tiêu trên.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn chú trọng củng cố nền tảng nhà nước pháp quyền với những đạo luật mới xác lập trật tự quyền lực giữa đảng cầm quyền và các đảng phái chính trị hay tổ chức xã hội.
Cùng với việc phát huy dân chủ, Nhà nước cũng kiên quyết ngăn chặn mọi âm mưu lợi dụng dân chủ để phá rối hoặc lật đổ chính quyền như thông qua luật tăng thêm hình phạt đối với những hành động vi phạm pháp luật tại các cuộc mít-tinh, biểu tình và tội vu khống.
Đối với vấn đề tham nhũng, Tổng thống Putin khẳng định: "Tham nhũng là khối u lớn cản trở sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội Nga".
Bắt đúng bệnh, trong một năm qua, Tổng thống Putin đã dành nhiều thời gian và quyết tâm để ngăn chặn vấn nạn này. Những điều luật mới không cho phép người cùng huyết thống, người có quan hệ hôn nhân, gia đình cùng là đại biểu quốc hội một khóa đã giúp ngăn chặn tình trạng bè phái, lợi ích nhóm.
Đầu tháng Tư vừa qua, Tổng thống Putin đã ký ban hành sắc lệnh "Cấm quan chức chính phủ sở hữu tài sản và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài", đồng thời yêu cầu các quan chức công khai những khoản thu chi lớn của họ và người thân, có cơ chế kiểm tra hiệu quả các khoản thu chi này và có chế tài xử lý nghiêm khắc những khoản thu bất chính. Đây là bước đi mới nhất thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Putin chặn đứng nạn tham nhũng.
Về kinh tế, việc nước Nga vẫn duy trì được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục với 3,5% năm 2012, lạm phát giảm xuống còn 6,1% so với 12,75% của thập kỷ 2000 - 2010, nợ nhà nước giảm 10 lần xuống còn hơn 10% GDP, tỷ lệ thất nghiệp còn 5,4% là những thành quả không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Một điểm nổi bật nữa trong năm đầu cầm quyền của Tổng thống Putin là cách giải quyết hài hòa các mối quan hệ đối ngoại của Nga trong tổng hòa các mối quan hệ khu vực và quốc tế.
Kiên định tôn chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc thực tế, công khai và đa phương - đa dạng, trong năm qua, Nga đã thể hiện được vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế như: phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran bằng con đường chính trị - ngoại giao.
Việc Nga tổ chức thành công hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hay tích cực đóng góp vào hoạt động của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) với tư cách là chủ tịch cho thấy một nước Nga đang ngày càng khẳng định được vị trí trung tâm trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc thúc đẩy liên kết và hợp tác hiệu quả trong quan hệ quốc tế, Nga cũng kiên quyết chống lại mọi âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước cũng như mọi ý đồ sử dụng sức mạnh để giành quyền bá chủ thế giới.
Có thể nói Tổng thống Putin đã ghi được dấu ấn khá đậm nét trong năm đầu tiên trở lại Điện Kremlin. Bản lĩnh, sự vững vàng cũng như uy tín của một chính khách lão luyện luôn biết giữ lời hứa đã được ông Putin thể hiện qua cuộc "đối thoại trực tuyến" lần thứ 11 của tổng thống với người dân.
Một năm qua mới chỉ là sự khởi đầu của nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm, song điều quan trọng là cử tri Nga vẫn tin vào nhà lãnh đạo của mình khi có tới 65% số người được hỏi trong cuộc thăm dò dư luận xã hội do Trung tâm Levada tiến hành cho rằng Tổng thống Putin đã làm được nhiều việc vì lợi ích quốc gia và 36% tin rằng chính ông là người có khả năng khôi phục vị thế cường quốc của nước Nga và nâng vị thế quốc gia lên một tầm cao./.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn  (06/05/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-4 đến ngày 5-5-2013  (06/05/2013)
Xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gắn với rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên  (05/05/2013)
ADB chú trọng mục tiêu phát triển bền vững tại châu Á  (05/05/2013)
Việt Nam dự đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 26 tại Mỹ  (05/05/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên