TCCSĐT - Trong hai ngày 04 và 05-5-2013, đã diễn ra Hội nghị Thường niên lần thứ 46 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Trung tâm Triển lãm Ấn Độ ở Grít-tơ Nôi-đa (Greater Noida).

1. ILO kêu gọi ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em

 

Theo ILO, trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu lao động trẻ em


Ngày 29-4-2013, tại trụ sở chính ở Niu Oóc (Mỹ), Liên hợp quốc đã cho lưu hành Báo cáo “Lao động trẻ em trên thế giới” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), theo đó, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 215 triệu trẻ em phải lao động hằng ngày để kiếm sống, trong đó 115 triệu em phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với trẻ nhỏ. Tại một số nước châu Phi như Dim-ba-bu-ê, Bốt-xoa-na, Na-mi-bi-a,…, tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em, nhất là trẻ mồ côi cha mẹ, còn trầm trọng hơn. Trong bối cảnh như vậy, ILO cho rằng rất cần sự trợ giúp của xã hội để tăng thu nhập cho những gia đình người thân đang cưu mang những trẻ em này, qua đó, giúp các em được giảm bớt số giờ phải làm việc để kiếm sống, được đến trường như các bạn đồng lứa. ILO kêu gọi các chính phủ thông qua những chiến lược quốc gia, phối hợp hoạt động cùng tổ chức này để ngăn chặn tình trạng cưỡng bức lao động trẻ em, trước hết là việc cải thiện đời sống cho các gia đình nghèo khó trong xã hội để con em họ không phải tự kiếm sống, thậm chí phải kiếm tiền nuôi gia đình ngay ở tuổi thơ ấu. ILO đặc biệt đánh giá cao chương trình của Chính phủ Bra-xin, hằng tháng cung cấp một khoản tiền nhất định cho các gia đình nghèo, với điều kiện họ phải cho con đi học. ILO kêu gọi nhân rộng mô hình trên của Bra-xin, và khẳng định ở đâu có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng từ xã hội, ở đó chắc chắn giảm bớt được tình trạng lao động trẻ em, để các em được hưởng đầy đủ các quyền như các công ước quốc tế đã quy định.

2. Diễn đàn Phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ITU

Ngày 29-4-2013, Diễn đàn Phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã diễn ra tại Thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, tập trung vào những thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Cam-pu-chia Xốc An (Sok An) đánh giá Diễn đàn này mang ý nghĩa rất quan trọng khi kinh tế toàn cầu đang ngày càng được số hóa. Diễn đàn là cơ hội tốt để các bên tham gia trao đổi quan điểm, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để đẩy nhanh việc xây dựng khả năng và cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin - truyền thông trong khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Bưu chính và Viễn thông của nước chủ nhà, Xô Khun (So Khun) nhận xét Diễn đàn với sự tham dự của các quan chức chính phủ, chuyên gia viễn thông từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương là nơi để tập trung giải quyết các thách thức, xem xét các cơ hội vì sự phát triển bền vững, toàn diện, đổi mới và sáng tạo của viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông. Một báo cáo được ITU công bố hồi tháng 02-2013 cho biết tính đến cuối năm nay, sẽ có khoảng 6,8 tỷ thuê bao điện thoại di động kết nối mạng trên khắp thế giới, gần đạt mốc 7 tỷ đặt ra đến năm 2014. Hơn một nửa số thuê bao này là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

3. IAEA đề xuất tăng cường hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương

Từ ngày 29-4 đến ngày 01-5-2013, tại thị trấn nghỉ dưỡng Nadi (Nadi) của Phigi đã diễn ra Hội thảo khu vực lần đầu tiên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với các quốc đảo Thái Bình Dương. Thông qua Hội thảo này, IAEA muốn xác định những lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai, thiết lập các kênh trao đổi giữa IAEA với các quốc gia Thái Bình Dương. Các bên tham gia đã thảo luận hoạt động nghiên cứu tiêu chuẩn hàng hải về tác động tiềm ẩn của lượng phóng xạ rò rỉ từ Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma (Fukushima) của Nhật Bản đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tình trạng buôn lậu hạt nhân và các nguyên liệu phóng xạ cũng như giám sát biên giới, an toàn và an ninh của các nguồn phóng xạ, ngăn ngừa và vận chuyển nguyên liệu phóng xạ.

4. Các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Lao động

 
 

Người dân Cu-ba diễu hành mừng Ngày Quốc tế Lao động


Ngày 01-5-2013, tại nhiều nơi ở trên thế giới đã diễn ra các hoạt động rầm rộ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB) cho biết khoảng 425.000 người tham gia 439 cuộc mít-tinh, biểu tình với khẩu hiệu “Việc làm tốt. Lương hưu bảo đảm. Châu Âu xã hội”. Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB) Mai-cơn Xom-mơ (Michael Sommer) cho rằng nước Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu từ năm 2008, song việc Nhà nước rút khỏi nhiều lĩnh vực không chỉ tước đi của người lao động việc làm tốt, mà còn phá hủy nền tảng của một nền kinh tế vốn có trách nhiệm về mặt xã hội. Tại Pháp, hàng trăm cuộc tuần hành, mít-tinh của người lao động đã diễn ra trong ngày 01-5, giữa lúc Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) khẳng định quyết tâm giành chiến thắng trong “cuộc chiến vì việc làm”. Các cuộc mít-tinh và tuần hành đều cho thấy tinh thần chung của người lao động Pháp là phản đối chính sách khắc khổ và đòi một sự thay đổi về chính sách kinh tế - xã hội ở Pháp và châu Âu. Cũng trong ngày 01-5, khoảng 20.000 người đã tham gia cuộc mít-tinh ở Thủ đô Da-grép (Zagreb) của Crô-a-ti-a và nhiều thành phố khác để phản đối các chính sách của chính phủ và kêu gọi một sự thay đổi ở đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp hiện chiếm tới 21,6% lực lượng lao động. Các nhà lãnh đạo công đoàn cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để Da-grép thay đổi chính sách, nếu không cần xem xét việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn sau ngày 01-7 tới, thời điểm nước này chính thức gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tại Bồ Đào Nha, hàng nghìn người cũng tuần hành bày tỏ sự tức giận với các điều kiện khắt khe mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) buộc Li-xbon phải thực hiện để đổi lấy tiền cứu trợ vỡ nợ. Ngay cả ở quốc gia Thụy Sỹ tương đối giàu có và không thuộc EU cũng diễn ra các cuộc biểu tình với sự tham gia của gần 13.000 người, phản đối chênh lệch về thu nhập giữa giới chủ và người làm công. Các cuộc biểu tình trong Ngày Quốc tế Lao động cũng diễn ra tại một số nước thuộc châu Phi, châu Mỹ và khu vực Trung Đông như Ma-rốc, Xê-nê-gan và Ba-ranh đòi việc làm và tăng lương.

Trong khi đó, tại Nga, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Tổng thống nước này Vla-đi-mia Pu-tin đã làm sống lại truyền thống có từ thời Liên Xô bằng Lễ trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho 5 người. Theo ông V. Pu-tin, lao động chăm chỉ là “chìa khóa” dẫn tới một nước Nga giàu mạnh. Tại Cu-ba, hàng triệu người lao động và nhân dân nước này đã diễu hành tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước để bày tỏ quyết tâm tiếp tục bảo vệ những thành quả cách mạng, khẳng định khối đoàn kết trong quá trình thực hiện kế hoạch cập nhật mô hình kinh tế vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời vinh danh người bạn lớn của nhân dân Cu-ba, cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết vì những đóng góp của ông cho phong trào cánh tả Mỹ La-tinh nói chung và những người lao động Vê-nê-xu-ê-la nói riêng.

5. Việt Nam dự đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 26 tại Mỹ

Trong hai ngày 02 và ngày 03-5-2013, cuộc họp đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 26 đã diễn ra tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, (Mỹ). Đây là cuộc họp thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN - Mỹ nhằm kiểm điểm và thảo luận định hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Mỹ đánh giá cao những tiến triển tích cực và quan trọng đạt được trong quan hệ và hợp tác giữa hai bên. Nhiều hoạt động hợp tác đang được triển khai hiệu quả về chính trị - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2011 -2015, Chương trình công tác về thỏa thuận khung về đầu tư và thương mại (TIFA) ASEAN - Mỹ năm 2012 và các chương trình hợp tác khác. Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN với kim ngạch thương mại đạt trên 198 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ ba của ASEAN. Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác và hợp tác ASEAN - Mỹ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trên cơ sở kết quả đạt được, ASEAN và Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác nhằm đưa quan hệ đối tác hai bên lên tầm đối tác chiến lược. Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và các nước hạ nguồn sông Mê Công (LMI).

6. WHO: Ít nhất 1,24 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ

Ngày 02-5-2013, nhân “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ” diễn ra từ ngày 6 đến ngày12-5-2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo bày tỏ lo ngại về thực trạng tai nạn giao thông đường bộ tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 1,24 triệu người trên toàn thế giới và làm hàng triệu người bị thương tật suốt đời. Tai nạn giao thông đường bộ cũng gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản, tiền bạc và phí tổn thuốc men. Đáng chú ý, mỗi năm có tới 270.000 người chết vì tai nạn giao thông khi đang đi bộ, chiếm 22% tổng số người bị thiệt mạng do tai nạn trên các tuyến đường bộ. Nhân dịp này, WHO kêu gọi tất cả các chính phủ thông qua những chính sách và biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, bao gồm: nâng cấp kết cấu hạ tầng; tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; cấm tuyệt đối những người sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông;... Theo WHO, thực tế nhiều năm qua cho thấy, những người đi bộ thường ít được chú ý đến mỗi khi các cơ quan chức năng xem xét đến vấn đề an toàn giao thông. Trong khi đó, nhóm người này lại chiếm tới hơn 20% tổng số nạn nhân chết do tai nạn giao thông đường bộ, nhất là tại các nước có thu nhập thấp. Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia tập trung tăng cường nỗ lực bảo vệ an toàn cho người đi bộ bằng cách xây thêm cầu vượt, hầm ngầm, dành phần đường thỏa đáng cho người đi bộ,...

7. WMO: Năm 2012 là một trong những năm nóng nhất nhiều thế kỷ qua

Ngày 02-5-2013, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã ra báo cáo đánh giá tình hình thời tiết, khí hậu trên thế giới trong những năm gần đây, trong đó nhận định rằng năm 2012 là một trong những năm nóng nhất trong nhiều thế kỷ qua. Theo báo cáo của WMO, năm 2012, nhiệt độ trung bình cả trên mặt đất lẫn đại dương tăng 0,45oC so với mức trung bình của giai đoạn từ năm 1961 - 1990, trở thành 1 trong 9 năm nóng nhất kể từ năm 1850. Tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái đất, trong đó khu vực Bắc Mỹ, Nam Âu và phía Tây nước Nga có mức tăng mạnh hơn khu vực Bắc Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình tại bang A-la-xca của Mỹ, khu vực Trung Á, một phần phía Bắc và phía Đông châu Đại Dương lại giảm nhẹ so với mức trung bình trước đó. Theo phân tích của WMO, nếu như không có hiện tượng La Ni-na xảy ra hồi đầu năm, chắc chắn nhiệt độ trong năm 2012 còn tăng cao hơn nữa. WMO cũng cảnh báo hiện tượng Trái đất nóng lên sẽ còn tiếp diễn và kèm theo đó là hiện tượng nước biển dâng do tăng tốc độ tan chảy băng ở Bắc Cực. Hiện tại, mực nước biển đã dâng cao hơn 20cm so với năm 1880, đe dọa sự sống ở nhiều vùng duyên hải, nhất là khi có mưa to, bão lớn. Trước thực trạng trên, WMO kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương có các biện pháp trợ giúp cần thiết dành cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu, giúp những nước này có biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Theo WMO, một trong những biện pháp trợ giúp cấp bách nhất hiện nay là thường xuyên trao đổi thông tin về thời tiết, khí hậu, về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.

8. Việt Nam hoan nghênh tiến bộ bảo vệ quyền con người tại Nga, Cu-ba và nhiều nước đang phát triển

Tại Thụy Sỹ, trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 16 Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR), diễn ra ở Giơ-ne-vơ từ ngày 22-4 đến ngày 03-5-2013, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh cơ quan Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác đã cùng đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc phát biểu đánh giá công tác bảo vệ và phát huy quyền con người tại 14 quốc gia, trong đó có Liên bang Nga và Cu-ba. Theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Việt Nam ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Liên bang Nga bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, đánh giá cao những biện pháp cụ thể đã và đang thực hiện tại Liên bang Nga như xây dựng hiến pháp, cải cách luật pháp, tham gia sâu rộng vào hợp tác quốc tế và khu vực về quyền con người. Việt Nam ghi nhận các quyền, tự do cơ bản của người dân Nga đang ngày càng được phát huy; đồng thời khuyến khích Nga tiếp tục chính sách nhất quán củng cố Nhà nước liên bang pháp quyền, nâng cao phúc lợi xã hội và đẩy mạnh quan tâm bảo vệ và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Đại sứ Nguyễn Trung Thành hoan nghênh thái độ trách nhiệm và đóng góp tích cực của Cu-ba đối với tiến trình UPR. Đoàn Cu-ba đã cung cấp thông tin về thành tựu mọi mặt của đất nước, khẳng định việc hưởng thụ các quyền và tự do cơ bản của người dân Cu-ba ngày càng được nâng cao, bất chấp những khó khăn của bao vây kinh tế, thương mại. Đại sứ Nguyễn Trung Thành bày tỏ mong muốn và chúc Cu-ba tiếp tục hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời khuyến nghị Cu-ba tiếp tục dành quan tâm trong việc bảo vệ trẻ em, nâng cao vai trò của phụ nữ, tăng cường bình đẳng giới trong xã hội cũng như tiếp tục chính sách bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu ghi nhận thành tựu hơn 4 năm qua của việc bảo vệ, phát huy quyền con người tại các nước Tuốc-mê-ni-xtan, Buốc-ki-na Pha-xô, Cáp Ve, Gi-bu-ti, Băng-la-đét, Ca-mơ-run, A-déc-bai-gian,...

9. Các nước vùng Ca-ri-bê thành lập khu vực kinh tế chung

Ngày 05-5-2013, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 của các nước vùng Ca-ri-bê ở Thủ đô Ca-ra-cát, (Vê-nê-xu-ê-la), Tổ chức liên kết năng lượng vùng Ca-ri-bê (Petrocaribe) đã thông qua đề xuất của Vê-nê-xu-ê-la về việc thành lập khu vực kinh tế của khối này (ZEP), nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định về năng lượng, kinh tế và tài chính tại khu vực. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của Petrocaribe sau khi Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết - người khởi xướng thành lập tổ chức này - qua đời ngày 05-3 vừa qua vì bệnh ung thư. Phát biểu tại Hội nghị, tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô tái khẳng định cam kết của chính phủ nước này tăng cường, mở rộng và củng cố Petrocaribe như là một tổ chức hợp tác và liên kết “thực thụ” của Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê. Ông N. Ma-đu-rô cho biết sẽ mời Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tham gia khu vực kinh tế này. Hội nghị thượng đỉnh lần này đã quyết định kết nạp Goa-tê-ma-la làm thành viên đầy đủ của khối, và khôi phục cương vị thành viên của Hôn-đu-rát, quốc gia bị trục xuất khỏi Petrocaribe sau cuộc đảo chính tại nước này tháng 6-2009. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí xúc tiến một kế hoạch nhằm cải thiện hệ thống giao thông hàng không giữa các nước thành viên Petrocaribe. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của Petrocaribe tại Ma-na-goa, Ni-ca-ra-goa, vào tháng 6 tới nhân dịp kỷ niệm 8 năm thành lập khối.

10. ADB chú trọng mục tiêu phát triển bền vững tại châu Á

 

Quang cảnh Hội nghị Thường niên lần thứ 46 của ADB tại Ấn Độ


Trong hai ngày 04 và 05-5-2013, đã diễn ra Hội nghị Thường niên lần thứ 46 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Trung tâm Triển lãm Ấn Độ ở Grít-tơ Nôi-đa (Greater Noida). Cùng chủ đề “Vươn xa hơn công xưởng châu Á: Tiếp nhiên liệu cho sự phát triển trong một thế giới đang thay đổi”, Hội nghị tập trung thảo luận chủ đề do nước chủ nhà Ấn Độ lựa chọn “Trao quyền thông qua phát triển”. Chủ đề này bao hàm các vấn đề về phát triển toàn diện và bền vững tại châu Á, đồng thời tìm cách thức để các nhóm dễ bị tổn thương có được cơ hội tiếp cận tốt hơn về giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác. Tuyên bố tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, Chủ tịch ADB Ta-kê-hi-cô Na-ca-ô (Takehiko Nakao) nêu rõ trong số những thách thức mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt hiện nay, các đại biểu tham dự Hội nghị đã chia sẻ quan điểm rằng sự phát triển bền vững và toàn diện là quan trọng nhất. Ông hài lòng về việc Thống đốc ADB đã ủng hộ quan điểm của ông về việc xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng tạo hơn, toàn diện hơn và liên kết hơn. Chủ tịch Ta-kê-hi-cô Na-ca-ô cho biết nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh đến sự cần thiết để ADB tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo; đề xuất giải quyết tình trạng bất bình đẳng và phát triển không bền vững, trong đó bình đẳng giới là một ưu tiên lớn. Nhiều ý kiến đề nghị ADB chú ý nhiều hơn đến môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, cũng như thừa nhận vai trò quan trọng của ADB trong liên kết khu vực. ADB sẽ tăng cường sự ủng hộ đối với việc mở rộng sự liên kết trong khu vực và với kinh tế toàn cầu./.