Quảng Nam đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Ngọc Quang Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
19:12, ngày 03-05-2013
TCCS - Phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của quê hương đất Quảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã và đang quyết tâm thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mười lăm năm qua, kể từ khi tái tập tỉnh (ngày 01-01-1997), Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng vùng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn gắn với phát triển các đô thị; giải quyết việc làm cho nông dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực nông thôn, nhất là những vùng núi cao, đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo đột phá để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chương trình hành động để huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận quyết tâm, tập trung nguồn lực nhằm tạo ra động lực mới trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Năm 2009, xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) cùng với 11 xã trong cả nước được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn chỉ đạo thí điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm triển khai, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân làm cho địa phương có một diện mạo mới. Lúc đầu triển khai, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí, đến nay đã hoàn thành 18/19 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng đang dần được hoàn thiện, hầu hết các tuyến giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, người dân yên tâm làm ăn sinh sống, phát triển sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,91% (giảm 8,63%); thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 19,21 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2008, gấp 1,4 lần so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn ở tỉnh Quảng Nam,... 

Từ kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Phước, Quảng Nam tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên diện rộng. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”; đồng thời tổ chức phát động phong trào thi đua và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới cho tất cả 213 xã trên toàn tỉnh, trong đó, chọn 50 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Tỉnh tổ chức thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp và các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các chương trình về nông thôn mới; chỉ đạo các xã căn cứ 19 tiêu chí để rà soát, đánh giá đúng thực trạng nông thôn; triển khai xây dựng quy hoạch, trọng tâm là quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn; hướng dẫn các xã lập đề án xây dựng nông thôn mới, công khai quy hoạch, đề án và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trước khi phê duyệt để tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện. 

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định “Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015”; đồng thời ban hành và chỉ đạo thực hiện các đề án nhằm thực hiện chương trình mục tiêu có hiệu quả... Chỉ đạo các xã triển khai việc “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với xây dựng, chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Trong bố trí nguồn lực, tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp trước hết cho đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình dân sinh cấp thiết, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chỉ đạo các xã tăng cường vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, đất đai và vận động doanh nghiệp, những người con quê hương có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. 

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo các xã phải có kế hoạch thực hiện phù hợp, ưu tiên hàng đầu cho các nội dung thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và các tiêu chí về phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời phát huy dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn lực và đầu tư xây dựng cơ bản.

Có thể khẳng định rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới rất có ý nghĩa đối với Quảng Nam, đã khơi dậy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân, tạo nên những chuyển biến tích cực trên từng địa bàn nông thôn. Không khí thi đua xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai, mặt bằng,... để xây dựng và mở rộng các trục đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lưới điện phục vụ sản xuất. Cùng với sự đồng thuận huy động sức dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các địa phương còn tập trung khuyến khích phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, tạo giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau đây: 

Có thể khẳng định rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới rất có ý nghĩa đối với Quảng Nam, đã khơi dậy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân, tạo nên những chuyển biến tích cực trên từng địa bàn nông thôn. Không khí thi đua xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai, mặt bằng,... để xây dựng và mở rộng các trục đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, lưới điện phục vụ sản xuất. Cùng với sự đồng thuận huy động sức dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các địa phương còn tập trung khuyến khích phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, tạo giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân.
Thứ nhất,
phải tạo chuyển biến thật sự mạnh mẽ về nhận thức xây dựng nông thôn mới trong từng cán bộ, đảng viên và người dân. Các cấp ủy trực tiếp lãnh đạo toàn diện quá trình xây dựng nông thôn mới; có kế hoạch và phân công cụ thể, đồng thời coi trọng vai trò giám sát của cộng đồng; trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần chủ động, tích cực, có trọng tâm, đồng bộ, dứt điểm, không dàn trải, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện đề án phải đề cao vai trò làm chủ của người dân. Tất cả các nội dung, công việc từ việc lập quy hạch xây dựng nông thôn mới đến khi xây dựng đề án và triển khai các nội dung của đề án đều có sự tham gia, bàn bạc và quyết định thực hiện của người dân.

Thứ ba, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy không xem nhẹ tiêu chí nào, nhưng cần xếp thứ tự ưu tiên, có bước đi và lộ trình để thực hiện, trong đó, công tác quy hoạch nông thôn mới phải đi trước một bước. Những tiêu chí về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động là yêu cầu cốt lõi và cũng là những tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi phải tìm giải pháp tối ưu để thực hiện.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp xã có trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh đủ sức gánh vác trọng trách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, có những nội dung cần phải tổ chức làm điểm, nhân ra diện rộng; phải đề ra nội dung thi đua giữa các hộ gia đình, giữa các thôn, xóm và giữa các đoàn thể để động viên khen thưởng kịp thời. Thực hiện chế độ giao ban, báo cáo định kỳ để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam là đáng ghi nhận và cần được phát huy. Tuy nhiên, do hạn chế, yếu kém bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: nông nghiệp của địa phương phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, tỷ suất hàng hóa thấp, thiên tai, dịch bệnh luôn đe dọa; cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tuy có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm; tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn khá cao (trên 75%). Đời sống nông dân tuy được cải thiện đáng kể, nhưng không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở khu vực miền núi.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau: 

l- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường hơn nữa các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Trước mắt, cần tăng cường thêm định biên cán bộ chuyên trách xã về xây dựng nông thôn mới, thành lập bộ phận điều phối cấp huyện, giúp việc cho ban chỉ đạo cấp huyện, củng cố văn phòng điều phối ở tỉnh đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.

2- Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quy hoạch ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã; thực hiện nghiêm quy hoạch vùng đối với đất sản xuất lúa nước, khu chăn nuôi tập trung, đất phát triển rừng. Các quy hoạch và đề án được phê duyệt phải bảo đảm tính bền vững, kế thừa những yếu tố hợp lý, đặc trưng văn hóa của từng địa phương, đồng thời, phải được công khai, dân chủ, có sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến rộng rãi của nhân dân. 

3- Đẩy mạnh thực hiện việc “dồn điền đổi thửa”; ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp, nông thôn. Kịp thời bổ sung một số cơ chế, chính sách mới và tăng cường công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ mạnh cho nông dân; ưu tiên đầu tư hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất, vùng sản xuất giống, vùng chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi tập trung, hỗ trợ đầu tư xây dựng các lò giết mổ tập trung; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập ở các vùng miền núi, vùng khó khăn. Lồng ghép và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, việc làm và dạy nghề, giảm nghèo và phát triển bền vững, y tế, giáo dục, văn hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu... với chương trình xây dựng nông thôn mới.

4- Thực hiện có hiệu quả một số giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX; tổ chức đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với nhu cầu và tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế để thúc đẩy quá trình hợp tác sản xuất, liên doanh tiêu thụ nông sản.

5- Tạo điều kiện thu hút và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành nghề giải quyết lao động, xem đây là những giải pháp đột phá để liên kết, hỗ trợ cho sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần bằng đất đai để liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân đối với một số dự án, như trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cao-su, sản xuất giống lúa, ngô chất lượng cao.

6- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, thiết thực về xây dựng nông thôn mới; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, triển khai có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”./.