Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sau khi duy trì liên tục tình trạng xuất siêu từ cuối năm 2012 và cả trong quý 1-2013, tình trạng nhập siêu đã tái hiện vào tháng 4.

Thống kê từ Cục này cho thấy, tháng 4-2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 9,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu khoảng 10,7 tỷ USD.

Như vậy, riêng tháng Tư, cả nước nhập siêu tới 1 tỷ USD. Theo đó, nếu tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 39,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 40,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012 và mức nhập siêu là hơn 700 triệu USD.

Các chuyên gia thương mại nhận định nhập siêu tăng vì phần lớn giá trị nhập khẩu thuộc về các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị, nhất là nguyên, phụ liệu cùng các loại vật tư. Đây là tín hiệu không đáng ngại, thể hiện sự hồi phục bước đầu của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là đối với một số ngành phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, xây lắp, cơ khí, điện thoại di động.

Sự thay đổi này hết sức bình thường và trái ngược với tình trạng trầm lắng trong sản xuất, dẫn đến giảm nhu cầu về nguyên, vật liệu như thời gian trước.

Cũng theo các chuyên gia, hiện tại yêu cầu đầu tiên vẫn là kiểm soát nhập khẩu, tập trung vào quản lý hàng nhập khẩu có phù hợp hay không, kết hợp với khống chế nhập các loại hàng trong nước đã sản xuất được hoặc hàng xa xỉ.

Muốn giải bài toán nhập siêu, cần có chính sách đủ mạnh và hợp lý nhằm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị trong nước khi mà sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tập trung vào những dự án sản xuất phục vụ xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu để từng bước chủ động, cũng như làm lành mạnh hóa quan hệ xuất-nhập khẩu mà đích ngắm là các tập đoàn đa quốc gia, với những dự án lớn xây dựng cơ sở sản xuất mang tầm khu vực tại Việt Nam./.