TCCSĐT - Ngày 03-04-2013, tại Trung tâm Hội nghị Tuyên Quang diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại Trung ương, doanh nghiệp trong nước, các tỉnh vùng Tây Bắc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, tổ chức Jaica (Nhật Bản) và một số tổ chức nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay là cơ hội tốt để giới thiệu, trao đổi, nắm bắt các tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp cận các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như: Đầu tư khai thác thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp ở các tiểu vùng, đầu tư phát triển công nghệ cao, chăn nuôi đàn gia súc, nuôi trồng thủy sản; Phát triển dịch vụ du lịch, khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên địa bàn Tây Bắc; Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu; Khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch nhưng trên cơ sở bảo vệ môi trường; Đầu tư phát triển chuyển giao công nghệ; Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc các tuyến giao thông trọng điểm. Đồng chí nhấn mạnh, các đại biểu cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển. Tại Hội nghị, đồng chí cảm ơn sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh mặc dù trong hoàn cảnh kinh doanh năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm ủng hộ trực tiếp đóng góp, tài trợ cho Quỹ An sinh xã hội Tây Bắc. 

Đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên Trung ương Đảng, thay mặt tỉnh Tuyên Quang phát biểu chào mừng Hội nghị, chào mừng các vị đại biểu đã đến dự và quan tâm đến Hội nghị; và khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang rất vinh dự được Ban Chỉ đạo Tây Bắc chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013. Đây là dịp để các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chia sẻ, chung tay làm giảm bớt những khó khăn của nhân dân Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung. Tỉnh Tuyên Quang luôn mong muốn mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại tỉnh; đồng thời khẳng định và cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện các chương trình, dự án đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh cam kết sẽ quản lý, sử dụng nguồn vốn các chương trình, dự án an sinh xã hội đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả để đáp lại tình cảm, sự tri ân của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội vùng Tây Bắc nêu rõ, trong những năm qua, phát huy cao độ nội lực trong vùng, gia tăng đầu tư và hỗ trợ của Trung ương, thu hút mạnh nguồn lực từ các vùng khác và các nguồn tài trợ quốc tế, kinh tế các tỉnh trong vùng Tây Bắc phát triển khá nhanh, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Các tỉnh tăng trưởng GDP giai đoạn 2005 - 2008 đạt 11,7%, năm 2009, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng GDP toàn vùng vẫn đạt 9,38%, năm 2010 đạt 12,55%, năm 2011 đạt 10,33%. Năm 2012, GDP toàn vùng đạt 9,64%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm (tăng 2,45 triệu đồng so với năm 2011). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2012 đạt 92.012 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 32.690 tỷ đồng (chiếm 34%), vốn tín dụng đầu tư đạt 5.840 tỷ đồng, vốn của các doanh nghiệp nhà nước đạt 10.466 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.415 tỷ đồng, vốn khu vực dân cư và thành phần kinh tế khác đạt 40.601 tỷ đồng. Định hướng thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Bắc trong thời gian tới cần tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. 

Đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Tây Bắc là vùng giàu tiềm năng nhưng cũng là vùng khó khăn nhất nước. Đây là phên dậu của Tổ quốc, rất tiềm năng nhưng để khai thác cần nhiều nguồn lực. Tính hết tháng 2 năm 2013, vùng Tây Bắc thu hút được 2,6 tỷ USD vốn ODA; tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 2, 47 tỷ USD. Các dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho công tác an sinh xã hội, phát triển Tây Bắc. Định hướng phát triển của Tây Bắc cần tập trung vào 3 yếu tố: phát triển giao thông; đầu tư cho sản xuất khai thác lợi thế lâm - nông - nghiệp, phát triển du lịch nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại chỗ cho đồng bào.

Để thực hiện điều đó, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và kiến nghị Chính phủ ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù, trọng tâm là những cơ chế, chính sách khai thác tối đa lợi thế vùng. 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh: Cần tiếp tục phát triển tín dụng đầu tư và chăm lo công tác an sinh, xã hội vùng Tây Bắc. Năm 2012, huy động vốn trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đạt 76.210 tỷ, tăng khoảng 38% so với cuối năm 2011; huy động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng đạt 110.052 tỷ, tăng 16,34% so với năm 2011. Dự kiến trong năm 2013, các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội Tây Bắc. 

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ghi nhận về thực tế, tiềm năng và định hướng đầu tư phát triển của Ngân hàng Thế giới với khu vực Tây Bắc một cách hiệu quả và hy vọng các tỉnh sử dụng hiệu quả hơn sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới.

Tại Hội nghị diễn ra lễ ký cam kết hợp tác và trao 26 giấy chứng nhận đầu tư với tổng trị giá gần 8.000 tỷ đồng; ngành ngân hàng cam kết thực hiện 14 hợp đồng đã ký kết với số tiền tài trợ 19.378 tỷ đồng và 35 triệu USD. Các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ 543,6 tỷ đồng phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn Tây Bắc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sau Hội nghị, các bộ, ngành và các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau: Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, làm cơ sở hoàn thiện quy hoạch ngành, quy hoạch các tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hỗ trợ các tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với lợi thế các tiểu vùng và với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chuẩn bị hoạt động đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm; đề xuất các dự án do Bộ quản lý. Đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tổng hợp các nhu cầu an sinh xã hội vùng Tây Bắc, đặc biệt là xóa nhà dột nát, kiên cố hóa trường lớp học, nhà học sinh bán trú, nâng cấp trạm y tế xã, trung tâm ý tế huyện... Tổng kết thực hiện các chương trình an sinh xã hội thời gian qua để giai đoạn tới làm tốt hơn. Vận động các nhà tài trợ tham gia công tác an sinh xã hội trên địa bàn Tây Bắc. Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ tích cực giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác nguồn vốn đầu tư, tài trợ xúc tiến đầu tư đối với vùng Tây Bắc. Đại học Quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khoa học - công nghệ ở Trung ương và địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi, thông thoáng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch. Vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với địa bàn trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, các khu, cụm công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các dự án có yêu cầu triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh cần chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa vùng Tây Bắc phát triển ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. 

Nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình, chiều cùng ngày đã diễn ra “Tọa đàm kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển bền vững vùng Tây Bắc”; “Tọa đàm về chính sách tín dụng đầu tư và đầu tư công an sinh xã hội vùng Tây Bắc”, cùng các hoạt động tham quan, khảo sát một số dự án đầu tư, điểm du lịch trên địa bàn Tuyên Quang./.