Liên bộ chung tay ứng phó bệnh dịch

Theo: chinhphu.vn
19:30, ngày 03-04-2013
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) và Bộ Y tế sẽ cùng soạn thảo Thông tư để chính thức hóa và tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai ngành trong công tác ứng phó cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của "Hội nghị quốc gia về áp dụng phương thức tiếp cận Một sức khỏe trước nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái ở Việt Nam" tổ chức sáng 3-4 tại Hà Nội.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ động vật sang người như: SARS, cúm gia cầm và HIV/AIDS ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, sinh kế của người dân, thương mại, du lịch và tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.

Bởi vậy, sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái là rất cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu rõ: “Một trong những sáng kiến là việc soạn thảo thông tư liên bộ giữa Bộ NNPTNT và Bộ Y tế nhằm chính thức hóa và tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả giữa hai ngành trong công tác ứng phó cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người”.

Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị là công tác tổ chức và phân công trách nhiệm trong quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là việc quản lý bệnh liên quan đến động vật hoang dã. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng sức khỏe động vật hoang dã là nội dung cần lồng ghép vào phương thức tiếp cận "Một sức khỏe" và các cơ chế phối hợp hiện hành.

Còn theo Đại sứ Hoa Kỳ David Shear, phương pháp tiếp cận về bệnh truyền từ động vật sang người không đơn thuần là ứng phó với việc dịch bệnh bùng phát mà là ghi nhận sự chung tay để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu.

Trong các tham luận, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc tăng cường áp dụng phương thức tiếp cận “Một sức khoẻ” để giải quyết các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoặc không có nguồn gốc từ động vật gây tác động đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sinh kế con người./.