Cảnh báo chính sách trợ cấp năng lượng đang làm gia tăng áp lực lên ngân sách chính phủ, cản trở sự phát triển chung của các nền kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước cắt giảm các khoản trợ cấp này.

Trong báo cáo "Cải cách Trợ cấp năng lượng: Bài học và tác động" công bố ngày 27-3, IMF cho biết việc chính phủ trợ cấp cho các ngành khai thác, chế biến và sản xuất dầu mỏ, xăng và điện năng là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.

Song, mặt trái của chính sách này là làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, không khuyến khích đầu tư tư nhân dẫn tới sự độc quyền, thiếu tính cạnh tranh trong ngành này, kéo theo cắt giảm ngân sách dành cho các lĩnh vực ưu tiên như sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đà phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, trợ cấp năng lượng tạo tâm lý ỷ lại, dẫn tới việc sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Đa phần trợ cấp năng lượng dành cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ và trở thành nhân tố gián tiếp làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thêm vào đó, còn một thực tế nữa phải tính đến là trong ba năm gần đây, các nhà nhập khẩu năng lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu mỏ và khí đốt biến động. Trong khi đó, giá năng lượng trong nước không được điều chỉnh kịp thời, làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Theo IMF, trong khi trợ cấp năng lượng là để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, thì báo cáo lại chỉ ra một thực tế là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản trợ cấp này là tầng lớp trung lưu. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, có tới 20% những hộ gia đình giàu nhất lại hưởng lợi từ trợ cấp năng lượng gấp 6 lần so với 20% những hộ nghèo nhất, hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nghèo thông qua giữ giá năng lượng ở mức thấp.

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF David Lipton cho biết việc cắt giảm trợ cấp cho ngành năng lượng sẽ góp phần thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nâng cao ý thức tiết kiệm của người tiêu dùng năng lượng, hạn chế năng lượng lãng phí từ đó giảm gánh nặng thâm hụt ngân sách, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính... Song, ông cũng nhấn mạnh việc cải cách chính sách trợ cấp năng lượng không thể nóng vội mà cần một kế hoạch toàn diện với mục tiêu dài hạn, phân tích và bàn thảo kỹ lưỡng.

Trong năm 2011, các khoản trợ cấp trực tiếp cho ngành năng lượng thế giới - là khoản trợ cấp để người tiêu dùng được thanh toán hóa đơn sử dụng năng lượng thấp hơn giá thành sản xuất - là khoảng 480 tỷ USD, chiếm 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nếu cộng cả các khoản chi để khắc phục các tác hại gián tiếp như ô nhiễm môi trường... con số này có thể lên tới 1.900 tỷ USD./.