TCCSĐT - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc và việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 27-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng thời gian qua, việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết cho thấy Đảng, Quốc hội đã định hướng chủ trương rõ ràng. Vấn đề còn lại tổ chức thế nào cho thiết thực và điều quan trọng là bản Hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân.

 
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị.


Chủ tịch nước ghi nhận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp thu được khoảng 8 triệu ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức tổ chức tập hợp, nhấn mạnh đây là khối tài sản quý phải được tập hợp, tổng hợp và truyền tải khách quan, đầy đủ cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội.

Chủ tịch nước hoan nghênh sự có mặt của đại diện nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tại Hội nghị. Chủ tịch đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, cô đọng, sâu sắc, góp phần thực hiện thành công Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch nước cho rằng, việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục thực hiện đến tháng Chín năm nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Văn phòng Chủ tịch nước cần nỗ lực nhiều hơn trong việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, để đất nước có được bản Hiến pháp mới khẳng định cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho công cuộc hội nhập và phát triển.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim báo cáo khái khát tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống thống chính trị.

Ông Vũ Trọng Kim khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong thời gian qua đã thu hút khá đông đảo các tầng lớp; huy động trí tuệ, tâm huyết, đồng thuận của nhân dân, thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp. Tại Hội nghị lần này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Tiếp tục góp ý vào các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu nhân sỹ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã phân tích tình hình thực tiễn và đưa ra những kiến nghị cụ thể.

Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định việc xây dựng Hiến pháp dân chủ hơn chính là cơ sở để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hằng nhấn mạnh thực tế lịch sử hơn 80 năm qua, những thắng lợi của đất nước không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử, nên tất yếu phải được hiến định.

Trước yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng là nhu cầu cấp thiết và tất yếu. Thế và lực của đất nước hiện thời là điều kiện để Đảng thể hiện trí tuệ, khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm, gắn bó mật thiết với dân; phục vụ nhân dân với trách nhiệm được hiến định.

Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được các đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số ý kiến cho rằng nội dung tại Điều 9 Dự thảo chưa truyền tải được vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc; quy định “động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát” khiến Mặt trận Tổ quốc như “đứng ngoài cuộc” chưa phải là chủ thể thực hiện chủ quyền nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, nguyên ủy viên Hội đồng tư vấn pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp phải làm sao thực sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Là người có nhiều năm công tác trong ngành tòa án, bà cho rằng việc quy định chế định cho các ngành công an, tòa án, kiểm sát hết sức quan trọng. Đề cập nguyên tắc xét xử của Tòa án, bà Lệ đề nghị cần khẳng định vai trò của Hội thẩm tại tòa án, quy định “khi xét xử, hội thẩm được ngang quyền với thẩm phán” mới đảm bảo quyền của người bị xét xử.

Góp ý Điều 5, Dự thảo Hiến pháp, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đồng bào các dân tộc rất coi trọng và mong muốn Hiến pháp sửa đổi xác định rõ và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ của các dân tộc; các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm của Nhà nước trong phát huy nội lực của các dân tộc.

Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng Điều 25 Dự thảo ghi quyền tự do tín ngưỡng của công dân là đầy đủ; bày tỏ hy vọng bản Hiến pháp mới đem lại cho nhân dân quyền phúc quyết đối với những vấn đề trọng đại, có tính dân tộc, thời đại và lâu dài.

Hoan nghênh việc kéo dài thời gian để việc lấy ý kiến nhân dân được thuận lợi, các đại biểu cũng mong muốn Dự thảo Hiến pháp cần bổ sung quy định để người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia phát huy quyền làm chủ, tham gia bầu cử, đóng góp tâm huyết, tài lực xây dựng đất nước.

* Chiều 27-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với tập thể Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kết quả tham gia xây dựng nông thôn mới.

 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.


Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh cho biết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành hướng dẫn chỉ đạo nhằm triển khai đến 100% Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở và chi đoàn.

Nhiều hình thức lấy ý kiến phong phú đã được các đơn vị thực hiện như tuyên truyền thông qua báo chí, bản tin thanh niên, website; tuyên truyền bằng hệ thống bảng tin, băng rôn, tổ chức các diễn đàn, chi hội... Đối tượng lấy ý kiến đa dạng, từ các cán bộ Đoàn, nhà nghiên cứu, cựu cán bộ Đoàn đến trí thức trẻ, sinh viên, người lao động... Các tổ chức Đoàn cơ sở cấp xã, phường, thị trấn và chi đoàn tổ chức lấy ý kiến qua sinh hoạt chi đoàn, nhiều đơn vị đã phô tô văn bản gửi đến từng cá nhân để xin ý kiến.

Đến ngày 14-3, các tổ chức cơ sở Đoàn trên cả nước đã tổ chức 6 hội nghị cấp Trung ương, 112 hội nghị cấp tỉnh, 1.196 hội nghị cấp huyện. Đã có 26.097 đoàn cấp cơ sở và 113.800 Chi đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý, qua đó đã thu được 1.180.022 ý kiến của đoàn viên cả nước.

Theo đánh giá chung của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đa số các ý kiến của đoàn viên, thanh niên đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao đối với việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tin tưởng, phấn khởi và đồng tình với Dự thảo. Cán bộ, đoàn viên thanh niên cũng khẳng định khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đồng thời đề xuất, góp ý nhiều nội dung thiết thực, có chất lượng cho Dự thảo hướng đến việc hoàn thiện tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tuy nhiên, băn khoăn của đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cả nước là nội dung Khoản 5 Điều 36 và Điều 66 trong Hiến pháp 1992 không có trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ lại những nội dung quy định về trách nhiệm của của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, sau hai năm triển khai Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, tổ chức Đoàn các cấp đã vận động, huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên cùng chung tay tham gia. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ở các cấp bộ đoàn là điểm nhấn trong triển khai Cuộc vận động. Nhiều cơ sở đoàn đã sáng tạo, linh hoạt, chủ động chọn việc, lĩnh vực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục xây dựng hạ tầng thiết thực, đem lại hiệu quả cao, từng bước tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên các lực lượng tích cực hưởng ứng.

Thời gian tới, triển khai thực hiện Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020,” Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông về chủ đề này; tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục công trình hạ tầng; tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, hướng đến các mô hình hợp tác xã thanh niên; chú trọng công tác hướng nghiệp, tạo việc làm, dạy nghề cho thanh niên; huy động các đội “Trí thức trẻ tình nguyện” tham gia xây dựng nông thôn mới...

Tại buổi làm việc, các vị trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đại diện Đoàn thanh niên các khối trực thuộc đã đóng góp nhiều kiến nghị đề nghị Quốc hội quan tâm thúc đẩy quá trình nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến thanh niên như Luật Việc làm, Luật Thanh niên...; lồng ghép những vấn đề liên quan đến thanh niên trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng quá trình ra đời, xây dựng, phát triển và lớn mạnh của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với các thế hệ đoàn viên, thanh niên cả nước cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong suốt chiều dài bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam luôn phát huy vai trò xung kích, đi đầu, đóng góp đặc biệt quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên cả nước tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ thanh niên đi trước; nỗ lực phấn đấu đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hoan nghênh thanh niên, đoàn viên cả nước đã tích cực tham gia tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Trong bối cảnh lịch sử mới, kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, là lực lượng được trang bị tri thức cao, có trí tuệ, sức trẻ, thanh niên, đoàn viên phải tăng cường hơn nữa đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. “Thanh niên, đoàn viên vừa phải tuyên truyền, tổ chức thực hiện, vừa phải tích cực đóng góp vào các nội dung trong Dự thảo", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhấn mạnh đến công việc trọng đại này của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đảng, Nhà nước mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, của nhân dân và đồng bào cả nước, đặc biệt là trí tuệ của đội ngũ 26 triệu thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa bề dày thành tích cách mạng và lợi thế truyền thông sẵn có, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền tổ chức lấy ý kiến toàn dân đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị của thanh niên cả nước góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ xem xét, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.