Khai mạc phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án Luật và pháp lệnh. Trong đó có 2 dự án luật quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày để chất vấn trực tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của 2 bộ, ngành này. Ngoài ra, một nội dung đặc biệt quan trọng tại phiên họp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kì họp thứ 5 tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Để cho việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thành công, chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn kế hoạch để triển khai nội dung này. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm nên cần tiến hành thận trọng, chuẩn bị kỹ càng để việc lấy phiếu trở nên thực chất, việc lấy phiếu sẽ có tác dụng như tinh thần mà Quốc hội đã ban hành nghị quyết”.
Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng trong phiên họp sáng 18-3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung chỉ được đặt ra trên cơ sở xác định những vấn đề bức thiết, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung Tờ trình của Chính phủ thì phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật tương đối hẹp, chỉ sửa 7/16 điều của Luật hiện hành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật hiện nay, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện để đón đầu những chủ trương mới trong tương lai.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu “giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%, chưa áp dụng thống nhất 1 mức thuế suất.
Song, đồng chí Phùng Quốc Hiển đề nghị cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Đồng chí Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Quan trọng nhất thuộc về linh hồn của một luật thuế đó chính là thuế xuất, lần này chúng ta vẫn giữ nguyên 3 mức 0%, 5%, 10%. Quan điểm của tôi là phải làm sao đưa lên 1 thuế xuất. Nhưng lần này Chính phủ thấy rằng nếu để ngay 1 thuế xuất thì sẽ gặp khó khăn. Nên chúng tôi bàn cần tính tới lộ trình đến năm 2020 phải trở về 1 thuế xuất”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm: các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp; dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán; hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu đồng.
Cũng trong sáng 18-3, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
* Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với quy định về thuế suất, dự thảo Luật giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: giai đoạn 2014 - 2015 thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%; giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.
Về quy định ưu đãi thuế, dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô; ưu đãi thuế đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng,...
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc mở rộng diện được ưu đãi thuế nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ với quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực khác.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định, chưa cụ thể, minh bạch, có thể dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng thiếu nhất quán. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, luật hóa tối đa các nội dung quy định tại văn bản dưới luật, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch để có thể trình Quốc hội (khóa XIII) thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 5.
Cũng trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Về tên gọi của dự án Luật, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên Luật như hiện hành là "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" vì Hiến pháp đã quy định về trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hai cụm từ này có quan hệ mật thiết với nhau, đã thực hành tiết kiệm là chống được lãng phí, ngược lại chống lãng phí cũng là biện pháp để thực hành tiết kiệm. Giữ tên gọi của Luật như vậy sẽ bảo đảm tính thống nhất với quy định của Hiến pháp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, đối chiếu với các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Luật hiện hành thì dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi...
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu quy định của dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với các luật hiện hành, bao quát mọi vấn đề liên quan đến hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực, tạo căn cứ cho áp dụng và xem xét trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc  (18/03/2013)
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên triển khai nhiệm vụ năm 2013  (18/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên