TCCSĐT - Bốn tháng trước, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 5 bang và Thủ đô Oa-sinh-tơn bởi cuộc đổ bộ của “siêu bão” Xan-đi (Sandy). Hậu quả mà cơn siêu bão này để lại như lời nhắc nhở rằng việc cung cấp nguồn năng lượng bền vững giá rẻ và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu không phải là thách thức cho các thế hệ tương lai mà là của chính chúng ta hiện nay.

Trong tiến trình giải quyết thách thức đó, các nước giàu năng lượng cần chia sẻ trách nhiệm để đạt được nhiều kết quả tích cực hơn bởi họ có khả năng về tài chính, kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm để tạo ra sự tăng trưởng cần thiết của một ngành năng lượng mới có tên năng lượng tái tạo (gồm năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, gió, năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, thủy điện,…)

Bên cạnh đó còn có một yếu tố khác vô cùng quan trọng để thúc giục các nước giàu năng lượng nhanh chóng thực hiện giải pháp bền vững này: đó là hành động vì lợi ích của chính họ. Trên thực tế, phát triển nguồn năng lượng bền vững giá rẻ và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện môi trường và tăng trưởng kinh tế mà không một nước nào, dù rằng đang sở hữu trữ lượng dầu khí khổng lồ, lại muốn bỏ qua. Bởi thực tế là dầu khí thì hữu hạn, trong khi năng lượng tái tạo lại vô tận. Do đó, theo các chuyên gia, đầu tư vào tăng trưởng kinh tế dài hạn trong tương lai cũng có nghĩa là đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Những số liệu gần đây cho thấy nhận định trên hoàn toàn có căn cứ. 

Các tiểu vương quốc A-rập - nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ bảy thế giới - chiếm 12% công suất năng lượng mặt trời của cả thế giới. Mỹ, nước dự đoán sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đầu tư 51 tỷ USD cho ngành năng lượng tái tạo năm 2011. Còn A-rập Xê-út, quốc gia nổi tiếng nhờ sản xuất dầu, cam kết đầu tư 109 tỷ USD để phát triển công suất 41 GW năng lượng mặt trời năm 2032. Năm 2012, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đã có 268 tỷ USD được “đổ” vào ngành năng lượng tái tạo trên thế giới. Hiện năng lượng tái tạo là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp năng lượng.

Những đầu tư này đều đang tạo ra những “quả ngọt” tương xứng. Giá của các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm 2/3 trong hai năm qua, bởi quy mô sản xuất sản phẩm này đã được mở rộng ở nhiều nước. Giá của các tua-bin gió trên đất liền đã giảm 10%. Cùng với đó, năng lượng tái tạo chiếm đến 44% công suất phát điện mới tăng của cả thế giới năm 2011.

Có thể nói, ngành năng lượng tái tạo đã có những bước tiến ấn tượng trong những năm qua song vẫn cần được phát triển nhiều hơn nữa mới có thể bắt kịp nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng do sự tăng trưởng mạnh của các nước đang phát triển.

Làm sao để năng lượng sạch và tái tạo ngang giá với năng lượng truyền thống? Điều này đòi hỏi cơ chế, chính sách đa dạng, sự đầu tư trực tiếp của các chính phủ và sự quan tâm của các diễn đàn nhằm chia sẻ kiến thức giữa các nước, các tổ chức liên quan đến vấn đề này. Chính phủ các nước phải tiếp tục thử nghiệm trước khi đưa ra chính sách hỗ trợ những tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển ngành năng lượng tái tạo. 

Thiệt hại trị giá đến 50 tỷ USD mà siêu bão Xan-đi để lại mới chỉ là sự bắt đầu. Những trận hạn hán kéo dài trên diện rộng đang đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng lên. 

Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), chỉ trong tháng 7-2012, giá lương thực toàn cầu đã tăng 6%. Nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng tiêu cực tới vụ ngũ cốc và đậu nành tại nhiều khu vực của Mỹ. Sản lượng lúa mỳ của những nước xuất khẩu lớn như Nga, U-crai-na,… sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt. 

Tại Ban-căng, hạn hán chưa từng thấy cũng gây thiệt hại ước tính trên 1 tỷ ơ-rô cho ngành nông nghiệp của một trong những khu vực nghèo nhất châu Âu này. Dù giá lương thực vẫn còn nằm dưới mức đỉnh của tháng 02-2011 và tình hình cũng chưa đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng xu hướng leo thang của giá lương thực đang gây lo ngại. 

Nếu như tại các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Tây Âu, giá lương thực tăng cao đột ngột buộc các gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi chi tiêu thì tại các nước thu nhập thấp phải nhập khẩu lương thực như Ăng-gô-la, Ai Cập và Tuy-ni-di, giá lương thực tăng cao có thể gây bất ổn xã hội, gây áp lực cho ngân sách quốc gia.

Bênh cạnh đó, các cơn bão nhiệt đới “hung hãn” cùng mực nước biển dâng cao, lũ lụt, núi lửa phun trào,… gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho thế giới và đẩy chi phí khắc phục hậu quả sau mỗi trận nổi giận của “chúa trời” ngày một lớn. 

Theo số liệu của Hãng Tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re công bố đầu tháng 01-2013, trong số các thiên tai lớn của năm 2012 được giới chuyên gia lưu ý có lũ lụt ở I-ta-li-a, Anh, các nước khu vực Nam Á, động đất ở In-đô-nê-xi-a, Goa-tê-ma-la và Mê-hi-cô, núi lửa phun trào tại Kam-chát-ka và Niu Di-lân.

Trong khi đó, Cơ quan Giảm nhẹ nguy cơ thiên tai Liên hợp quốc (UNISDR) cho biết số người chết vì lụt lội tại khu vực châu Á năm 2012 có giảm đi nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn nặng nề. Tỷ lệ thiệt hại do thiên tai gây ra tính trên GDP đối với các quốc gia trong khu vực lần lượt như sau: In-đô-nê-xi-a 1,2 % , Việt Nam 1,8%, Mi-an-ma 1,9%, Ma-lai-xi-a 1%, Cam-pu-chia và Lào 1,7%,…

Theo đánh giá của UNISDR, năm 2012, lũ lụt là thiên tai xảy ra thường xuyên nhất tại khu vực châu Á, chiếm đến 44%, gây ảnh hưởng nhiều nhất về cả người và của. Năm 2012, tử vong do lũ lụt chiếm hơn 1/2 số tử vong vì thiên tai ở châu Á còn thiệt hại kinh tế chiếm đến 60%.

UNISDR cho rằng, lũ lụt và bão tố vẫn là những mối đe dọa chính cho khu vực châu Á. Tại ba khu vực Nam, Đông Nam và Đông Á, trong năm 2012 xảy ra 83 thảm họa thiên tai làm tổng cộng hơn 3.100 người thiệt mạng. Tổng thiệt hại về vật chất được ước tính hơn 15 tỷ USD. Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Jim Yong Kim, trong ba thập kỷ qua, thiệt hại vật chất của thế giới do thiên tai gây ra đã tăng gấp ba lần, lên tới 1.200 tỷ USD, tương đương với 1/3 tổng số vốn viện trợ dành cho phát triển toàn cầu trong thời gian đó.

Tựu trung, thiệt hại cả người và của do biến đổi khí hậu gây ra - cái giá quá đắt nếu chúng ta không hành động trong tương lai - thậm chí sẽ còn đắt gấp bộn lần nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay. 

Vì vậy, các giải pháp về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo phải là những thành tố thiết yếu của ngành năng lượng toàn cầu. Các nước giàu năng lượng phải là những nước tiên phong. Và thời điểm thực hiện chính là hiện tại./.

-------------------------------------

Chú thích: Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng

Tham khảo:

1, Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, http://vov.vn/The-gioi/Nguy-co-khung-hoang-luong-thuc-toan-cau/223358.vov

2, Năm 2012, thế giới thiệt hại bao nhiêu vì thảm họa?, http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/222784/print/Default.aspx