TCCSĐT - Ngày 06-3-2013 (giờ Việt Nam), Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết đã qua đời tại bệnh viện quân y Các-lốt A-vê-lô ở Thủ đô Ca-ra-cát. Nhiều nhà lãnh đạo và nhân dân thế giới bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới đất nước và nhân dân Vê-nê-xu-ê-la.
1. Hiệp ước quốc tế đầu tiên về chống tội phạm mạng

Ngày 04-3-2013, Bộ trưởng Tư pháp Ô-xtrây-li-a Mác Đrây-phút (Mark Dreyfus) thông báo quốc gia này đã chính thức cùng 38 nước khác tham gia Hiệp ước quốc tế đầu tiên về chống tội phạm mạng. Ông M. Đrây-phút đánh giá việc Ô-xtrây-li-a tham gia Hiệp ước Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng sẽ giúp nước này đối phó với nạn giả mạo và lừa đảo qua mạng in-tơ-nét, nạn lưu hành văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, xâm phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ. Bằng việc gia nhập Hiệp ước này, các cơ quan hành pháp của Ô-xtrây-li-a có thể nhanh chóng thu thập dữ liệu về truyền thông liên quan đến tội phạm công nghệ thông tin từ các cơ quan tương ứng trên khắp thế giới. Hiệp ước cũng cho phép các cơ quan trong nước của Ô-xtrây-li-a được tiếp cận và chia sẻ thông tin liên quan đến các cuộc điều tra quốc tế.

2. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết qua đời

Xuất hiện trên truyền hình nhà nước Vê-nê-xu-ê-la VTV cùng toàn bộ nội các Vê-nê-xu-ê-la, Phó Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) cho biết Tổng thống U-gô Cha-vết đã qua đời lúc 16 giờ 47 phút (giờ địa phương) ngày 05-3-2013, tức khoảng 4h 47 phút ngày 06-3 (giờ Việt Nam) tại bệnh viện quân y Các-lốt A-vê-lô ở Thủ đô Ca-ra-cát. Ông N. Ma-đu-rô cho biết Chính phủ nước này sẽ ướp di hài của Tổng thống U-gô Cha-vết và lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng ở Ca-ra-cát để nhân dân Vê-nê-xu-ê-la có điều kiện viếng thăm. Trước tin trên, nhiều nước trên thế giới bày tỏ sự chia buồn tới đất nước và nhân dân Vê-nê-xu-ê-la. Trong một tuyên bố trên truyền hình, Chính phủ Cu-ba thông báo Cu-ba sẽ để quốc tang trong ba ngày, từ ngày 06 đến 08-3, để bày tỏ lòng kính trọng và cảm phục đối với nhà lãnh đạo Vê-nê-xu-ê-la, người bạn và là đồng minh thân thiết của Cu-ba.

Tại Ác-hen-ti-na, Phó Tổng thống A-ma-đô Bu-đu (Amado Boudou) viết trên Twitter rằng cả khu vực Mỹ La-tinh chìm trong đau buồn.

Tại Pê-ru, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm nhà lãnh đạo Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống Chi-lê Xê-bát-xti-an Pi-nê-ra (Sebastian Pinera) gọi ông Cha-vết là nhà lãnh đạo “vì sự hòa nhập của Mỹ La-tinh”. Chính phủ Ê-cu-a-đo cho biết sự ra đi của nhà lãnh đạo Vê-nê-xu-ê-la là “mất mát lớn không thể bù đắp” cho cả Mỹ La-tinh và hy vọng các nước láng giềng sẽ tiếp tục cuộc cách mạng mà ông Cha-vết theo đuổi.

Tổng thống Bra-xin Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff) cho rằng sự ra đi của ông Cha-vết chắc chắn làm tất cả các nước Mỹ La-tinh và Trung Mỹ đau buồn.

Trong một tuyên bố ngắn bằng văn bản, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) cho biết sự ra đi của Tổng thống Cha-vết là “thời khắc đầy thách thức” và hy vọng phát triển mối quan hệ tương lai mang tính xây dựng với Ca-ra-cát.

Giới phân tích cho rằng cái chết của ông Cha-vết có thể làm thay đổi cân bằng chính trị tại khu vực Mỹ La-tinh, là tổn thất lớn đối với các quốc gia cánh tả. Sự kiện này cũng có thể ít nhiều gây tác động kinh tế vì Vê-nê-xu-ê-la dưới thời ông Cha-vết là nước viện trợ hoặc cung cấp dầu mỏ dưới giá thị trường cho một số nước láng giềng, đặc biệt là ở Ca-ri-bê.

3. Hội nghị Các nước đang phát triển không giáp biển

Từ ngày 05 đến ngày 07-3-2013, tại Lào đã diễn ra Hội nghị Các nước đang phát triển không giáp biển (LLDC). Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cần sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để các nước đang phát triển không giáp biển có khả năng hội nhập kinh tế với thị trường thế giới một cách hiệu quả. Hội nghị đã thông qua Thỏa thuận Viêng Chăn - văn bản tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động Almaty cũng như những kết quả, tồn tại, đưa ra các kiến nghị giải quyết những vấn đề của các nước LLDC trong tương lai. Thỏa thuận cũng hợp lý hóa các chế độ pháp lý, cải thiện kết cấu hạ tầng vận tải và tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quá cảnh, thủ tục qua biên giới, khuyến khích phát triển du lịch, giải quyết các hàng rào phi thuế quan, phát triển chiều sâu sự hợp tác và hội nhập khu vực. Thỏa thuận Viên Chăn sẽ được trình lên Hội nghị đánh giá cấp quốc tế, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2014.

4. Tổng Giám đốc IAEA Y. A-ma-nô tái đắc cử nhiệm kỳ kỳ hai

Ngày 06-3-2013, Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhất trí bầu ông Y. A-ma-nô (Yukiya Amano) làm Tổng Giám đốc cơ quan này nhiệm kỳ thứ hai kèo dài bốn năm. Năm 2009, Ban Giám đốc (gồm 35 thành viên) của IAEA đã phải cần tới sáu vòng bỏ phiếu mới bầu được ông Y. A-ma-nô làm Tổng Giám đốc nhiệm kỳ đầu tiên, do các quốc gia đang phát triển lo ngại ông có lập trường quá thân phương Tây. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của vị Tổng Giám đốc 65 tuổi này đã được thông qua bằng hình thức đồng thuận, tức không phải bỏ phiếu. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Y. A-ma-nô sẽ bắt đầu vào tháng 12-2013 sau khi nhận được sự phê chuẩn mang tính thủ tục của tất cả 159 quốc gia thành viên IAEA vào tháng 9 tới. Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới của ông Y. A-ma-nô vẫn sẽ là vấn đề hạt nhân của I-ran, khi phương Tây tiếp tục lo ngại Tê-hran muốn phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của một chương trình hạt nhân dân sự.

5. Hội nghị “Những người bạn của Y-ê-men”

Ngày 07-3-2013, đại diện các nước tham dự Hội nghị “Những người bạn của Y-ê-men” diễn ra tại Luân Đôn, Anh cảnh báo các nhà tài trợ quốc tế cần gia tăng viện trợ cho Y-ê-men nếu muốn quốc gia bị chiến tranh tài phá này hoàn tất tiến trình chuyển giao chính trị một cách hòa bình. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với các đối tác Anh và A-rập Xê-út - hai nước đồng chủ trì Hội nghị, Ngoại trưởng Y-ê-men A-bu Ba-kơ an Qui-rbi (Abu Bakr al-Qirbi) cho biết Y-ê-men đang trong tình trạng rất nguy hiểm, mặc dù đã thoát khỏi bờ vực chiến tranh, song vẫn phải đối mặt với những khó khăn chính trị, kinh tế và xã hội. Theo thống kê, hơn 35 nước và các tổ chức quốc tế đã cam kết tài trợ 7,9 tỷ USD cho Y-ê-men tại Hội nghị “Những người bạn của Y-ê-men” năm 2012, song trên thực tế, đến nay chỉ một phần nhỏ trong số tiền trên được giải ngân. Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Bắc Phi và Trung Đông, In-gơ An-đơ-xơn (Inger Anderson) cho biết ngoài số tiền 1 tỷ USD A-rập Xê-út chuyển vào Ngân hàng Trung ương Y-ê-men nhằm giúp thực hiện các giao dịch tài chính và 1,3 tỷ USD hai chính phủ Anh và A-rập Xê-út nhất trí đầu tư cho các dự án phát triển, chỉ có 500 triệu USD được giải ngân, các nước còn lại rất chậm trễ trong việc thực cam kết của mình.

6. Kinh tế Nhật Bản kết thúc giai đoạn suy thoái kỹ thuật

Ngày 08-3-2013, Chính phủ Nhật Bản cho biết GDP của nước này trong quý IV năm 2012 tăng 0,2%, dấu hiệu cho thấy giai đoạn suy thoái vừa qua của nước này đã kết thúc. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản tháng 01-2013 lần đầu tiên thâm hụt tháng thứ ba liên tiếp do mức tăng kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp hơn so với kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012 nhờ nhu cầu khôi phục ở thị trường Mỹ và tăng trưởng tốt ở thị trường các nước Đông Nam Á. Song kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% mà nguyên nhân chủ yếu là tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Các số liệu công bố trước đó cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản giảm xuống còn 4,2% trong tháng giêng năm nay, sản lượng công nghiệp cùng thời gian tăng 0,1% so với tháng trước đó và nền kinh tế vẫn ở tình trạng giảm phát, trong khi đồng yên tiếp tục giảm giá khi có những thông tin rằng Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ thông qua một chính sách nới lỏng tiền tệ quyết liệt hơn. Tuy nhiên, sự biến động tỷ giá này đang giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản nâng cao được tính cạnh tranh lẫn doanh thu.

7. Trung Quốc cải tổ Chính phủ lớn nhất từ năm 1998

Ngày 10-3-2013, Trung Quốc đã công bố các chi tiết của kế hoạch cải tổ Chính phủ, theo đó giảm số bộ trong nội các từ 27 xuống 25, giải thể Bộ Đường sắt. Theo tuyên bố đưa ra trong phiên họp quốc hội thường niên, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ sáp nhập Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình với Bộ Y tế, đồng thời tăng cường quyền lực của các cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc men, nhằm phản ứng với một loạt vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm. Trung Quốc cũng có kế hoạch tái cơ cấu Cục Hải dương quốc gia để đặt các lực lượng thực thi pháp luật biển, hiện nằm trong nhiều bộ khác nhau, dưới sự quản lý thống nhất của một cơ quan duy nhất. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng quốc gia cũng sẽ được cải tổ để đồng bộ hóa hệ thống hành chính và quản lý trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, hai cơ quan báo chí là Tổng cục Báo chí và Xuất bản và Cục phát thanh, điện ảnh và truyền hình quốc gia sẽ hợp nhất thành một thực thể để giám sát các lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình. Những cải cách này đánh dấu đợt cải tổ chính phủ lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1998 và là nỗ lực cải cách thứ bảy trong 30 năm qua, trong bối cảnh ban lãnh đạo Trung Quốc tìm cách thiết lập Chính phủ ít bộ hơn nhưng với quy mô lớn hơn để nâng cao hiệu quả và giải tỏa các quan ngại của công chúng về cơ chế hoạt động của bộ máy hành chính, cũng như giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào thị trường và các vấn đề xã hội./.