TCCSĐT - Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết (Hugo Chávez) đã qua đời tại bệnh viện quân y Carlos Arvelo ở thủ đô Caracát (Caracas). Sự ra đi của ông chấm dứt 14 năm cầm quyền với nhiều dấu ấn, thành tích, đưa ông trở thành một "người Mỹ Latinh vĩ đại", một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trong các nước đang phát triển và trên toàn thế giới.

Ugô Chavết sinh ngày 28-7-1954 tại bang Barinát (Barinas), Vênêxuêla. Ông tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học quân sự của Học viện quân sự năm 1975, sau đó ông tiếp tục theo học chuyên ngành chính trị học tại Đại học Simon Bolivar trong hai năm 1989 và 1990.

Tháng 12-1998, ông đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên với 56% phiếu bầu và trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất Vênêxuêla khi nhậm chức ở tuổi 44. Hai năm sau, ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử trước thời hạn trong khuôn khổ hiến pháp mới do ông thúc đẩy (với 56,9% số phiếu ủng hộ); tiếp tục tái cử lần thứ hai vào năm 2006 (với 62,8% số phiếu). Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 10-2012, ông đã giành chiến thắng với nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Trong thời gian cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Chavết đã áp dụng nhiều chương trình kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội, trong đó phải kể đến chính sách giáo dục và dịch vụ y tế cho tất cả mọi người.

Dám đương đầu với Mỹ, tin tưởng và đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn, bảo vệ lợi ích của người nghèo, nỗ lực đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu... là những yếu tố cho phép cố Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết có sức lôi cuốn mạnh mẽ, được đa số nhân dân ngưỡng mộ nhưng cũng bị tầng lớp giàu có bị ảnh hưởng bởi chính sách mà ông đưa ra thù ghét.

Có thể nói, cố Tổng thống Chavết là “quán quân” tại hòm phiếu, bởi trong 14 năm gần đây, tại Vênêxuêla đã có 17 cuộc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân, trong đó nhà lãnh đạo này 16 lần giành chiến thắng. Sở dĩ có được điều này là do sau khi lên cầm quyền, ông quan tâm tới nguyện vọng của những người nghèo trước đây bị loại ra bên lề xã hội, và đem lại cho họ quyền lợi chính trị, xã hội, kinh tế và dân sự.

Nhắc đến Ugô Chavết, người ta nhớ đến một người con của Vênêxuêla có học vấn và có sức lôi cuốn quần chúng. Ông được cả thế giới biết đến với khả năng diễn thuyết hàng giờ đồng hồ cùng tài hùng biện của một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm. Ông cũng nổi tiếng là người kiên định theo đuổi cuộc Cách mạng Bôliva (Boliva), đưa đất nước theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thế kỷ XXI.

Không chỉ đấu tranh vì sự công bằng xã hội tại Vênêxuêla, nhà lãnh đạo cánh tả này muốn sự công bằng này được mở rộng ra “Tổ quốc lớn” Mỹ Latinh. Người dân Mỹ Latinh coi ông Chavết không chỉ là hiện thân của những mơ ước và niềm tin của nhân dân Vênêxuêla mà còn của cả khu vực này. Sau khi lên cầm quyền, ông Chavết thúc đẩy liên kết Mỹ Latinh trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khác hẳn với mô hình khu vực tự do thương mại toàn châu lục do Mỹ khởi xướng, và sự ra đời của Liên minh Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) năm 2004 là kết quả của nỗ lực này. Hiện tại ALBA có 8 thành viên.

Cũng theo sáng kiến của ông Chavết, Tổ chức liên kết năng lượng vùng Caribê (Petrocaribe) được thành lập năm 2005. Đây không chỉ là một tổ chức kinh tế mà là một sáng kiến chính trị, nhằm tạo điều kiện cho các nước trong khu vực này tiếp cận nguồn dầu mỏ phong phú của Vênêxuêla với những điều kiện hết sức ưu đãi.

Trong khuôn khổ Petrocaribe, trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng cao, 15 thành viên còn lại chỉ phải thanh toán cho Vênêxuêla 50% lượng dầu mua trong vòng 90 ngày và số tiền còn lại sẽ được trả trong vòng 17- 25 năm, trong đó có 1 đến 2 năm ân hạn, với lãi suất 1%/năm. Caracát chấp nhận thanh toán một phần tiền mua dầu bằng hàng hóa và dịch vụ.

Vai trò của cố Tổng thống Chavết tại khu vực còn thể hiện qua đóng góp có thể nói là quyết định của ông trong việc thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur), tiếp thêm sức sống cho khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), và sự ra đời của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (Celac), được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử châu Mỹ trong 200 năm gần đây. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, nếu không có ông Chavết thì khó có thể diễn ra những gì Mỹ Latinh chứng kiến tại Hội nghị thượng đỉnh Celac mới đây tại Chilê: đó là việc Cuba được nhận chức chủ tịch luân phiên Celac, tổ chức liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội tập hợp toàn bộ các nước châu Mỹ, trừ Mỹ và Canađa.

Sau thông báo về việc Tổng thống Ugô Chavết (Hugo Chavez) qua đời chiều 5-3 (theo giờ địa phương), Vênêxuêla đã triển khai quân đội và cảnh sát để "bảo đảm hòa bình" tại Vênêxuêla trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiến hành quốc tang.

Phát biểu trên truyền hình, Phó Tổng thống Vênêxuêla Nicôlát Mađurô (Nicolas Maduro), người được chính Ugô Chavết lựa chọn là người kế nhiệm, cho biết động thái triển khai đặc biệt toàn bộ các lực lượng vũ trang và cảnh sát vào đúng thời khắc này là nhằm bảo vệ người dân cũng như bảo đảm hòa bình. Xuất hiện trong buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, các tư lệnh quân đội Vênêxuêla đã thề trung thành với Phó Tổng thống Mađurô, người được Tổng thống Chavết đề cử làm người kế nhiệm.

Trong khi đó, phản ứng trước sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng một loạt các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, Mỹ, Nga, Anh... đã bày tỏ chia buồn trước sự ra đi của Tổng thống Chavết và ca ngợi những đóng góp quan trọng của ông cho Vênêxuêla cũng như cho khu vực Mỹ Latinh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, người dân và Chính phủ Vênêxuêla, đồng thời nhấn mạnh những đóng góp của ông Chavết đối với sự phát triển của đất nước.

Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình, Chính phủ Cuba đã bày tỏ lời chia buồn chân thành, sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Vênêxuêla, đồng thời thông báo Cuba sẽ để quốc tang trong ba ngày, từ ngày 6 đến 8-3, để bày tỏ lòng kính trọng và cảm phục đối với nhà lãnh đạo Vênêxuêla, người bạn và là đồng minh thân thiết của Cuba. Tuyên bố cũng khẳng định tình cảm thắm thiết giữa Tổng thống Chavết và lãnh tụ cách mạng Cuba Phiđen Caxtơrô (Fidel Castro) giống như tình cảm cha con.

Tại Áchentina, Tổng thống Crixtina Phécnanđết đề Kítxnơ (Cristina Fernandez de Kirchner) đã tạm ngưng mọi hoạt động sau khi tin tức về cái chết của nhà lãnh đạo Vênêxuêla được thông báo. Phó Tổng thống nước này Amađô Buđu (Amado Boudou) viết trên Twitter rằng cả khu vực Mỹ Latinh chìm trong đau buồn.

Tại Pêru, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm nhà lãnh đạo Vênêxuêla. Tổng thống Bôlivia Êvô Môralết (Evo Morales) cho biết ông sẽ lập tức lên đường tới Caracát (Caracas). Các chính phủ Chilê và Êcuađo cũng ra thông báo chính thức chia buồn với Vênêxuêla. Tổng thống Chilê Xêbátxtian Pinhêra (Sebastian Pinera) gọi ông Chavết là nhà lãnh đạo "quyết vì sự hòa nhập của Mỹ Latinh". Chính phủ Êcuađo cho biết sự ra đi của nhà lãnh đạo Vênêxuêla là "mất mát lớn không thể bù đắp" cho cả Mỹ Latinh và hy vọng các nước láng giềng sẽ tiếp tục cuộc cách mạng của ông Chavết.

Tổng thống Braxin Đinma Ruxép (Dilma Rousseff) hủy chuyến công du của bà tới Áchentina, dự kiến trong tuần này, để tham dự các nghi lễ sau cái chết của nhà lãnh đạo Vênêxuêla. Bà bày tỏ sự ra đi của ông Chavết chắc chắn làm tất cả các nước Mỹ Latinh và Trung Mỹ đau buồn. Ông là nhà lãnh đạo đã cống hiến hết mình cho đất nước ông và cho sự phát triển của người dân Mỹ Latinh. Bà cho biết trong nhiều trường hợp Chính phủ Braxin không hoàn toàn nhất trí với ông Chavết, nhưng luôn coi ông là "nhà lãnh đạo lớn" và là người bạn của nhân dân Braxin.

Trong một tuyên bố ngắn bằng văn bản, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) cho biết sự ra đi của Tổng thống Chavết là "thời khắc đầy thách thức" và cam kết ủng hộ người dân Vênêxuêla cũng như lợi ích của nước này trong việc phát triển một mối quan hệ tương lai mang tính xây dựng với Caracát. Trong khi đó, tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Gimmi Catơ (Jimmy Carter) nói rằng ông Chavết "sẽ được nhớ đến vì sự khẳng định đanh thép về quyền tự trị và độc lập cho các chính phủ ở Mỹ Latinh".

Trước đó, trong các tuyên bố được đưa ra trước khi có thông tin Tổng thống Chavết qua đời, Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Vênêxuêla khi tuyên bố thật "vô lý" nếu cho rằng Oasinhtơn đứng đằng sau bệnh ung thư của ông Chavết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrích Ventren (Patrick Ventrell) tuyên bố dù hai chính phủ có bất đồng sâu sắc, Mỹ đã tìm kiếm một mối quan hệ hiệu quả hơn song các cáo buộc "sai lầm" nhằm vào Oasinhtơn cho thấy Caracát "không quan tâm đến việc cải thiện quan hệ". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án các cáo buộc về âm mưu phá hoại Vênêxuêla.

Tại Anh, Ngoại trưởng nước này Uyliam Hagơ (William Hague) đã gửi lời chia buồn tới gia đình Tổng thống Chavết và nhân dân Vênêxuêla. Ông cho rằng nhà lãnh đạo Vênêxuêla sẽ còn được "nhớ mãi" trong lòng người dân nước mình.

Thủ tướng Canađa Xtiphen Hapơ (Stephen Harper) cũng bày tỏ chia buồn tới người dân Vênêxuêla trước sự ra đi của Tổng thống Chavết và cho biết Canađa mong muốn được hợp tác với người kế nhiệm ông. Ông bày tỏ hy vọng người dân Vênêxuêla có thể tự xây dựng một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn, dựa trên những nguyên tắc về tự do, dân chủ, luật pháp và tôn trọng nhân quyền. Cựu Thủ tướng Canađa Giăng Crêchiêng (Jean Chretien) cho biết ông Chavết là "chính trị gia đầy màu sắc".

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitali Trurơkin (Vitaly Churkin) đã gọi sự ra đi của ông Chavết "là một thảm kịch vì ông là một chính trị gia lớn của đất nước mình, của Mỹ Latinh và thế giới". Ông khẳng định nhà lãnh đạo Chavết đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ Nga -Vênêxuêla.

Giới phân tích cho rằng cái chết của ông Chavết có thể làm thay đổi cân bằng chính trị tại khu vực Mỹ Latinh, là tổn thất lớn đối với các quốc gia cánh tả. Sự kiện này cũng có thể ít nhiều gây tác động kinh tế vì Vênêxuêla dưới thời ông Chavết là nước viện trợ hoặc cung cấp dầu mỏ dưới giá thị trường cho một số nước láng giềng, đặc biệt là ở Caribê (Caribe)./.