TCCSĐT - Ngày 14-02-2013, hàng nghìn nam nữ thanh niên tại hơn 200 quốc gia đã xuống đường hưởng ứng chiến dịch toàn cầu mang tên “Một tỷ phụ nữ đứng lên” nhằm kêu gọi chống lại bạo lực đối với phụ nữ.

1. I-ran chuyển u-ra-ni 20% thành nhiên liệu hạt nhân

Ngày 11-02-2013, theo Đài Tiếng nói nước Nga, các nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết I-ran bắt đầu chuyển một phần u-ra-ni được làm giàu ở cấp độ 20% thành nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số u-ra-ni hiện có tại I-ran. Năm ngoái, I-ran đã dùng gần 100kg u-ra-ni làm giàu 20% làm nhiên liệu hạt nhân, nhưng sau đó công việc được tạm dừng. Các quốc gia phương Tây cho rằng I-ran nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Tê-hran khẳng định chương trình hạt nhân quốc gia chỉ dành phục vụ mục đích hòa bình. 

2. Hội thảo duy trì khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân

Ngày 12-02-2013, Hội thảo quốc tế về duy trì Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân do Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Bô-rô-bu-đơ (Borobudur) ở trung tâm Thủ đô Gia-các-ta. Hội thảo đã tập trung thảo luận: sự cần thiết hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN và Tổ chức Hiệp ước cấm thử toàn diện hạt nhân (CTBTO) để duy trì các mục tiêu của Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân ASEAN (SEANWFZ); tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ và Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về tăng cường các mục tiêu của Hiến chương ASEAN và Hiệp ước SEANWFZ; an ninh hạt nhân và Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân và những sự phát triển quốc tế gần đây trong khu vực, nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa ASEAN với IAEA và CTBTO. 

3. Kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới

Ngày 13-02-2013, nhân Ngày Phát thanh thế giới, tại trụ sở chính ở Niu Oóc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) cho rằng trong thời đại của nhiều phương tiện truyền thông mới, phát thanh vẫn là phương tiện có thể truyền tải mọi thông điệp đến với mọi người ở mọi nơi vào mọi lúc. Phát thanh cũng là diễn đàn để thảo luận mọi vấn đề của quốc tế, quốc gia và địa phương; tạo cơ hội cho người ít tiếng nói trong xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ. Phát thanh giúp cải thiện tình trạng mù chữ, cứu người trong thiên tai. Phát thanh là kênh để học hỏi và chia sẻ. Tổng thư ký Ban Ki-mun cũng kêu gọi phát thanh tạo những cầu nối mới cho sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa con người. Thế giới đang sống trong thế kỷ của kỹ thuật số, nhưng phát thanh vẫn là sức mạnh để bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới. Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cũng bắt đầu các hoạt động kỷ niệm Ngày Phát thanh quốc tế, trong đó có các phiên thảo luận về các chủ đề thời sự đối với sự tồn tại và phát triển của phát thanh thế giới với sự tham gia của những người phụ trách truyền thông của UNESCO và đại diện nhiều đài phát thanh các nước. 

4. Hội nghị Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế 

Trong 2 ngày 13 và 14-02-2013, Hội nghị thường niên lần thứ 36 của Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã diễn ra tại Thủ đô Rô-ma, I-ta-li-a. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch IFAD, K. Nô-an-dê (K. Nwanze) đã kêu gọi đoàn kết, quyết tâm nhằm đưa thế giới thoát khỏi cảnh đói nghèo. Theo ông K. Nô-an-dê, hiện trên thế giới có đến 1,29 tỷ người chỉ kiếm được dưới 1,25 USD/ngày, khoảng 870 triệu người, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, phải đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm. Vì vậy, để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, điều cần thiết là phải phát triển bền vững và toàn diện nông nghiệp, nông thôn. Ông K. Nô-an-dê hoan nghênh việc các nước thành viên đã cam kết thực hiện Đợt đóng góp ngân quỹ bổ sung lần thứ 9 cho IFAD (IFAD 9) để tài trợ cho các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay, với các cam kết từ 79 quốc gia thành viên, IFAD 9 đã đạt 1,38 tỷ USD trên tổng mục tiêu đặt ra là 1,5 tỷ USD. Ông K. Nô-an-dê cũng kêu gọi các nước sản xuất năng lượng sinh khối (vật liệu sinh học được lấy từ cơ thể sinh vật, hay vừa mới tồn tại trong cơ thể sinh vật như chất thải) nhằm giảm thiểu gây tổn hại đến bầu khí quyển cũng như sức khỏe con người. 

5. 200 quốc gia tổ chức hoạt động chống lại bạo lực với phụ nữ

Ngày 14-02-2013 là ngày đặc biệt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ngày Lễ tình nhân này, thay vì tặng nhau những hộp sô-cô-la ngọt ngào và bày tỏ những lời thương yêu, hàng nghìn nam nữ thanh niên tại hơn 200 quốc gia đã xuống đường hưởng ứng chiến dịch toàn cầu mang tên “Một tỷ phụ nữ đứng lên” nhằm kêu gọi chống lại bạo lực đối với phụ nữ. 

Tại Ấn Độ, hàng nghìn phụ nữ và nam giới thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã tham gia cùng với nhiều tổ chức phụ nữ, đại diện các cơ quan nhà nước, các viện khoa học, các tổ chức phi chính phủ, và những nhân vật có uy tín trong ngành luật pháp, các diễn viên,... Trọng tâm của chương trình là hoạt động văn hóa diễn ra trên đường Quốc hội từ 17h - 20h ngày 14-02-2013. Các tiết mục như kịch, hát và múa do nữ sinh nhiều trường đại học biểu diễn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều thanh niên đã biểu diễn những tiết mục múa ngay tại các bến tàu điện ngầm nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về việc bảo vệ an toàn và có thái độ thân thiện đối với phụ nữ.

Cùng ngày, tại thủ đô của Mê-xi-cô và Ác-hen-ti-na, hàng nghìn phụ nữ tham gia các cuộc tuần hành trên đường phố hưởng ứng chiến dịch “Một tỷ phụ nữ đứng lên”. Dưới Tượng đài Cách mạng ở trung tâm Thủ đô Mê-xi-cô Xi-ti, nhiều phụ nữ và trẻ em gái cùng nhau ca hát nhảy múa nhằm bảy tỏ sự đoàn kết, kêu gọi chống bạo hành và tôn trọng quyền của phụ nữ. 

Liên hợp quốc ước tính, cứ một trong 3 phụ nữ trên thế giới, tương đương 1 tỷ phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc bị đánh đập mỗi năm. Chiến dịch “Một tỷ phụ nữ đứng lên” nhằm kêu gọi sự đoàn kết của phụ nữ trên khắp thế giới thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Các nhà tổ chức chiến dịch cho biết, hơn 200 nước và 13.000 tổ chức đã đăng ký tham gia chiến dịch này.

6. Vụ nổ thiên thạch gây thiệt hại nhất lịch sử nước Nga

Chính phủ Nga đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả trận mưa thiên thạch ở Chê-li-a-bin-xcơ (Chelyabinsk) xảy ra vào sáng ngày 15-02-2013 đã làm hơn 1.200 người bị thương và phá hủy nhiều công trình quan trọng của thành phố này. Cơn mưa thiên thạch này cũng đã phá hủy khoảng 100.000 ngôi nhà, 300 trường học, buộc các quan chức địa phương phải đóng cửa những ngôi trường này và cho học sinh nghỉ học. Chính quyền Chê-li-a-bin-xcơ cho biết thiệt hại của trận mưa thiên thạch có thể lên tới 1 tỷ rúp (tương đương với 33 triệu USD). Đây được xem là vụ nổ thiên thạch gây thiệt hại nhất từ nhiều thập kỷ qua. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính, tảng thiên thạch này nặng khoảng 7.000 tấn và sức công phá trong vụ nổ tương đương 20 quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma, Nhật Bản năm 1945. Các nhà khoa học Nga cho rằng, tảng thiên thạch nặng khoảng 10 tấn trước khi bay vào khí quyển trái đất và đi với tốc độ 30km/s, rồi nổ tung ở khoảng cách cách mặt đất 30 - 50km.

7. G 20 cam kết tránh để xảy ra một cuộc chiến tiền tệ

Ngày 16-02-2013, tại Hội nghị ở Mát-xcơ-va, Nga, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G 20) đã cam kết sẽ kiên quyết đấu tranh với nạn trốn thuế và không đặt ra mục tiêu tỷ giá hối đoái đặc biệt, vốn là nguyên nhân chính có thể gây ra một cuộc chiến tiền tệ. Các nước thành viên nhất trí áp dụng các biện pháp đối phó với nạn trốn thuế, trong đó chú trọng hợp tác với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thông cáo chung của Hội nghị nêu bật khẳng định của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G 20 về việc tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc tiến hành cải cách tài chính nhằm xây dựng hệ thống tài chính vững chắc hơn và cải cách mạnh mẽ cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. G 20 sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận về công thức phân chia hạn ngạch trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước tháng 01-2014. Ngoài ra, lãnh đạo G 20 cũng nhất trí thành lập Nhóm Điều tra tài chính mới để phối hợp hành động với các thể chế quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF,... nhằm giúp việc đầu tư đạt được mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.

8. Hội nghị cấp Bộ trưởng về biến đổi khí hậu 

Ngày 16-02-2013, Nhóm các nước mới nổi (BRICS), gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Bra-xin, đã tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về biến đổi khí hậu tại bang Ta-min Na-du (Tamil Nadu), miền Nam Ấn Độ. Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị đã nhất trí đóng góp 30 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện các sáng kiến liên quan. Đây là quỹ được thành lập tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Đơ-ban (Durban), Nam Phi năm 2011 nhằm giúp các nước đang phát triển khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhóm BRICS nhất trí huy động mọi nguồn lực cho khoản đóng góp trên, gồm đóng góp của tư nhân và xã hội hóa. Phát biểu với báo giới sau Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Giai-ram Ra-mét (Jairam Ramesh) thúc giục các nước phát triển cùng gánh vác trách nhiệm với các nước đang phát triển trong việc huy động vốn cho Quỹ khí hậu xanh. Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Đơ-ban năm 2011, các thành viên Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã nhất trí nâng cấp Quỹ khí hậu xanh từ 30 tỷ USD lên 100 tỷ USD mỗi năm, kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay việc huy động vốn cho Quỹ này gặp không ít khó khăn, nhất là từ các nước phát triển./.