Tham vọng lớn cho nhiệm kỳ cuối
TCCSĐT - Ngày 12-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã trình bày thông điệp thường niên về tình hình đất nước trước phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Thông điệp thường niên lần thứ 5 của ông B. Ô-ba-ma được coi là tuyên cáo chính sách quan trọng nhất của vị tổng thống này cho nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng.
Trong hơn một giờ đồng hồ, ông B. Ô-ba-ma đã đưa ra và biện luận cho chương trình nghị sự của chính phủ mới. So với những quan điểm chính sách đã được Tổng thống B. Ô-ba-ma thể hiện trong cả nhiệm kỳ cầm quyền trước, trong cuộc vận động tranh cử và trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai hồi cuối tháng 1 vừa qua, nội dung thông điệp của ông B. Ô-ba-ma gần như không có gì mới, cái khác có chăng chỉ là cách thể hiện và thực hiện.
Những mục tiêu mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đề ra thực sự là những tham vọng lớn khi ông muốn khắc phục sự phân hóa trong xã hội và phân rẽ trên chính trường, thúc đẩy những cuộc cải cách kinh tế cũng như xã hội ở Mỹ. Tổng thống B. Ô-ba-ma dành ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tầng lớp trung lưu, tạo công ăn việc làm, phát triển giáo dục và đào tạo cũng như cải cách về luật nhập cư. Điều này thể hiện nhận thức của ông B. Ô-ba-ma về mong đợi của những cử tri đã giúp mình tái cử. Họ muốn tổng thống tiến hành những cuộc cải cách thật sự, muốn có công bằng xã hội và vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm hơn. Những mục tiêu được Tổng thống B. Ô-ba-ma đề ra trong thông điệp liên bang lần này rất cụ thể như tăng lương lao động tối thiểu, tiếp tục đầu tư vào những dự án phát triển kết cấu hạ tầng, xử lý quy chế pháp lý cho hơn 12 triệu người nước ngoài đã sống nhiều năm như người Mỹ trên đất Mỹ mà chưa được công nhận như công dân Mỹ... đều nhằm trước hết vào diện cử tri này.
Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống B. Ô-ba-ma chủ trương tăng cường vai trò của nhà nước. Khi xưa, Tổng thống Mỹ Rô-nan Ria-gân (Ronald Reagan) coi "nhà nước là vấn đề chứ không phải giải pháp" cho những vấn đề cấp thiết của nước Mỹ. Còn Tổng thống Bin Clin-tơn (Bill Clinton) đã từng tuyên bố về "vai trò can thiệp của nhà nước". Bây giờ, ông B. Ô-ba-ma chủ định ngược lại. Tuy nhiên, ông B. Ô-ba-ma đưa ra khái niệm "smart states", tạm dịch là “nhà nước thông minh”, để tránh bị coi là thái quá, cũng như để hiểu và biện luận theo giác độ nào cũng được.
Khác với chính phủ các nước công nghiệp phát triển khác đang thực thi tiết kiệm chi tiêu ngân sách triệt để dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, ông B. Ô-ba-ma chủ trương tiếp tục chi từ ngân sách cho những chương trình kích cầu mới, đặc biệt phục vụ cho phát triển và nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, không coi tiết kiệm chi tiêu là quốc sách hàng đầu và kiên định dự kiến tăng thuế đối với diện có thu nhập cao.
Trong thông điệp liên bang này, Tổng thống B. Ô-ba-ma thể hiện thái độ ôn hòa, thậm chí đến mức tranh thủ, với Đảng Cộng hòa và những lực lượng chính trị khác, nhưng đồng thời cũng lại tỏ ra không né tránh đối đầu như trước. Cùng với động tác “chìa tay” và “chủ động xích lại gần phía họ” là ngầm ý sẵn sàng sử dụng vị thế quyền lực đặc thù của tổng thống để thực hiện những chủ định chính sách đã đề ra. Chưa khi nào kể từ khi lên cầm quyền năm 2009 đến nay, Tổng thống B. Ô-ba-ma lại công khai thể hiện bản lĩnh chính trị như thế.
Cách tiếp cận ấy cũng thể hiện trong các vấn đề chính trị đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại. Tổng thổng B. Ô-ba-ma tuyên bố thực hiện lộ trình triệt thoái quân đội khỏi Áp-ga-ni-xtan nhưng đồng thời khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho quốc gia này, đánh giá mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa (Al-Qeada) hiện chỉ còn là "cái bóng của chính nó" nhưng vẫn biểu lộ quyết tâm chống khủng bố, quả quyết chuyển hướng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng không sao nhãng khu vực châu Âu, mời chào EU tiến tới khu vực mậu dịch tự do và xúc tiến hình thành Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 đối tác ở khu vực này. Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã đề nghị Nga thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân và tiếp tục dọa dẫm, răn đe I-ran và Triều Tiên, tuyên bố không để hai nước này có vũ khí hạt nhân.
Tất cả những mục tiêu nói trên gộp chung lại thành tham vọng lớn của Tổng thống B. Ô-ba-ma cho nhiệm kỳ cầm quyền cuối. Vị tổng thống này hiện có thiên thời và địa lợi, nhưng còn thiếu nhân hòa. Tham vọng này không dễ trở thành hiện thực bởi ông B. Ô-ba-ma thật ra không còn nhiều thời gian. Cuối năm 2014 sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ và sau đó sẽ là cuộc tranh cử tổng thống mới. Đảng Cộng hòa vẫn bất hợp tác. Tình trạng "lực bất tòng tâm" hiện tại của Tổng thống B. Ô-ba-ma chưa thể sớm được khắc phục. Dù sao thì việc thực hiện mục tiêu cũ với quyết tâm mới và bằng phương cách mới ít nhất cũng giúp ông B. Ô-ba-ma có được cơ hội thành công hơn người tiền nhiệm./.
Trợ giúp pháp lý cho xã nghèo, đặc biệt khó khăn  (16/02/2013)
Xây dựng và phát triển tổ chức hành chính nhà nước thành “tổ chức học tập” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay  (16/02/2013)
Nhật Bản họp thành lập Hội đồng an ninh quốc gia  (16/02/2013)
G-20 thảo luận cách thức tránh "cuộc chiến tiền tệ"  (16/02/2013)
Thông tư mới quy định gọi công dân nhập ngũ  (16/02/2013)
Một số góp ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (16/02/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên