Ngày 11-2, Giáo hoàng Benedict XVI  thông báo sẽ thoái vị vào 20h ngày 28-2 vì tuổi cao.

Tòa thánh Vatican cho biết, quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI  sẽ khiến vị trí Giáo hoàng bị bỏ trống cho tới khi một vị tân Giáo hoàng được bầu chọn, dự kiến vào tháng 3-2013. Đây là một thông báo gần như chưa từng có trong lịch sử Thiên Chúa giáo và là một cú sốc đối với các tín đồ trung thành của tôn giáo này.

 

Đức cha Federico Lombardi, người phát ngôn của Giáo hoàng Benedict XVI cho hãng tin CNN biết, Giáo hoàng công bố quyết định từ chức trước các giáo chủ Hồng y ngày 11-2.

 

“Sức mạnh tinh thần và thể chất là những yếu tố quan trọng. Trong vài tháng qua, sức khỏe của tôi đã giảm tới mức tôi phải nhận ra rằng tôi không còn đủ khả năng để hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ mà các giám mục trên thế giới giao phó” - Tòa thánh dẫn lời Giáo hoàng 85 tuổi khi Ngài nói trước các giáo chủ Hồng y.

 

Từ mấy năm nay, sức khỏe của Đức Giáo hoàng người Đức đã sút giảm. Hồi lễ Phục Sinh năm 2012, báo chí đã đưa tin trông Ngài mỏi mệt, dự đoán là vì chuyến công du kéo dài tới Mexico và Cuba.

 

Anh trai Giáo hoàng Benedict từng tiết lộ, Giáo hoàng có dự định giảm công du nước ngoài vì lý do sức khỏe.

 

Giáo hoàng Benedict XVI sinh ngày 16-4-1927, là đương kim Giáo hoàng Công giáo Rome và là Giáo hoàng thứ 265 của giáo hội này. Ông được bầu làm Giáo hoàng trong một cuộc Mật nghị Hồng y vào ngày 19-4-2005, ở tuổi 78.

 

Khi đó, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, vị giáo sư biết chơi đàn piano, đang định nghỉ hưu. Ngài nói Ngài chưa bao giờ muốn trở thành Giáo hoàng.

 

Ở tuổi 78, Hồng y Joseph Ratzinger là người cao tuổi nhất được bầu làm Giáo hoàng kể từ Giáo hoàng Clement XII (1730-40). Ông tiếp nối tông hiệu của giáo hoàng Benedict XV (một người Italy) trị vì từ 1914 - 1922 trong suốt Đệ nhất Thế chiến.

 

Trong danh sách những nhân vật có nhiều thế lực nhất về chính trị, kinh tế, tài chính (quyền lực nhất) thế giới năm 2012 do Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố, Giáo hoàng Benedict XVI được Forbes xếp ở vị trí thứ năm.

 

Giải thích về xếp hạng này, tạp chí này cho biết theo học thuyết “Quyền lực Tối thượng của Giáo hoàng”, Giáo hoàng Benedict XVI có quyền lực tối cao, đầy đủ, ngay lập tức và toàn thể” đối với các linh hồn của 1,2 tỷ tín đồ Thiên chúa giáo trên khắp thế giới. Với tư cách nhà lãnh đạo của Vatican, ông cũng được coi là một nguyên thủ quốc gia.

 

Thông thường, Giáo hoàng là chức vụ cả đời. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Light of the World: The Pope, the Church, and the Sign of the Times” (tạm dịch “Ánh sáng của Thế giới: Giáo hoàng, Nhà thờ, và Dấu hiệu của Thời đại”), Giáo hoàng Benedict XVI viết: “Vâng, khi một Giáo hoàng nhận ra rằng, ông không còn đủ thể lực, trí lực và tinh thần đảm trách sứ mệnh của mình nữa, thì ông có cái quyền, và đôi khi là nghĩa vụ, từ chức”.

 

Giáo hoàng là người đứng đầu Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới nằm gọn trong thành phố Rome, Italy, và cũng là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo Rome. Theo Giáo luật Công giáo Rome, giáo hoàng là người có quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp trọn vẹn trong lãnh thổ Vatican. Chức vụ giáo hoàng là một chức vụ trọn đời, nghĩa là thời kỳ lãnh đạo của một giáo hoàng chỉ kết thúc khi giáo hoàng đương nhiệm qua đời.

 

Giáo hoàng Benedict VXI, vị giáo hoàng thứ 265, được bầu trong Mật nghị Hồng y vào tháng 4-2005. Ông là người Đức đầu tiên đảm nhận chức giáo hoàng từ thế kỷ XI. Tổng cộng 6 người Đức nắm chức vụ này trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rome. Trong triều đại của Giáo hoàng Benedict XVI, ảnh hưởng của Tòa thánh giảm ở châu Âu, nhưng tăng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh.

 

Gregory XII là vị giáo hoàng cuối cùng thoái vị trước khi qua đời. Ông từ chức vào năm 1415 để chấm dứt một cuộc xung đột trong Vatican. Trong cuộc xung đột đó, một người khác cũng tự xưng là giáo hoàng. Như vậy, Benedict XVI là giáo hoàng đầu tiên thoái vị trong gần 600 năm./.