Ngày 18-1, tại Nga, đặc biệt là tại thành phố Saint Petersburg đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày quân dân Liên Xô phá vỡ vòng vây phong tỏa của phát xít Đức tại Leningrad, nay là Saint Petersburg, trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Tham dự hoạt động kỷ niệm chính tại Saint Petersburg có Chủ tịch Duma quốc gia Nga, ông Sergei Naryshkin, Tỉnh trưởng Alexander Drozdenko và nhiều quan chức Nga.

Bắt đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm là một dự án quy mô toàn Nga mang tên "Tiếp sức các chiến thắng vĩ đại," với sự tham gia của thanh niên tất cả các thành phố anh hùng và thành phố vinh quang trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Lễ phát động dự án diễn ra ngày 18-1 tại quảng trường trước bảo tàng "Phá vỡ vòng vây Leningrad" ở Saint Petersburg.

Biểu tượng của dự án này là lá cờ "Chiến thắng" được đại diện các tỉnh và thành phố anh hùng, nơi diễn ra các trận đánh quan trọng trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại của quân dân Liên Xô, truyền tay nhau.

Tại làng Marino ở tỉnh Leningrad, nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện lịch sử này, hoạt động tưởng niệm mang tên "Ranh giới bất tử" đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh và những người dân sống trong thời kỳ thành phố bị phong tỏa.

Sau đó là lễ đặt hoa tại ngôi mộ tập thể ở nghĩa trang Piskarevsk, nơi yên nghỉ của gần nửa triệu người dân và chiến sỹ Hồng quân đã anh dũng hy sinh bảo vệ Leningrad.

Hoa và nến cũng được đặt tại đài tưởng niệm ở khắp các thành phố, khu vực và các nước cộng hòa thuộc Nga.

Các cuộc mít tinh được tổ chức ở nhiều địa điểm lịch sử của thành phố Saint Petersburg, trong đó có góc phố nơi có tấm bảng ghi dấu sự kiện lần đầu tiên trình diễn "Bản giao hưởng Leningrad," được nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Dmitry Shostakovich sáng tác ngay trong cuộc đấu tranh chống lại cuộc phong tỏa, góp phần cổ vũ tinh thần của quân dân Liên Xô tại Leningrad.

Trong dịp này cũng sẽ có màn bắn pháo kỷ niệm bằng chính những vũ khí được sử dụng trong các trận chiến của 70 năm về trước.

Nhân dịp này, ngày 17-1, tại Saint Petersburg cũng đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên "Chiến tranh và hòa bình của Dmitry Buchkin" tái hiện lại bi kịch cuộc phong tỏa qua tâm hồn của cậu bé Buchkin, khi đó 14 tuổi.

Cuộc triển lãm trưng bày 18 bức tranh, bản gốc cuốn "Nhật ký phong tỏa" bằng tranh của Buchkin và cuốn anbum của cô bé 6 tuổi Olya Luganskaya, người đã mất tại Leningrad năm 1942.

Tháng 9-1941, phát xít Đức bắt đầu bao vây thành phố Leningrad, mở đầu chiến dịch phong tỏa kéo dài gần 900 ngày đêm, trong đó người dân thành phố phải trải qua những thử thách vô cùng khốc liệt.

Trong thời gian này, phát xít Đức đã bắn 150.000 quả đạn pháo và ném 15.000 quả bom xuống thành phố.

Người dân thành phố Leningrad bị phong tỏa sống trong cảnh đói rét. Tiêu chuẩn bánh mì tối thiểu cho mỗi người trong mùa Đông lạnh hiếm có 1941-1942 chỉ còn 125g.

Số người chết vì đói, rét và bom đạn trong thời gian này lên tới khoảng 700.000 - 800.000 người. Nhưng đói rét và bom đạn không khuất phục được quân dân thành phố anh hùng này, những người đã dũng cảm chống lại vòng vây phong tỏa của kẻ thù và lập nên một chiến công vô song trong lịch sử nhân loại.

Đúng vào đêm 18-1-1943, chiến dịch "Tia lửa" do Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô vạch ra với hai phương diện quân Volkhov và Leningrad đã chọc thủng vòng phong tỏa của quân đội Đức để tiếp tế cho Leningrad.

Trải qua 872 ngày đêm kinh hoàng, cuộc phong tỏa đã kết thúc ngày 27-1-1944./.