Trường "doanh nghiệp" là mô hình đào tạo đã xuất hiện từ lâu ở nhiều quốc gia, nhưng còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Do mới hình thành, nên loại hình trường này đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Xu hướng xã hội hóa giáo dục đòi hỏi cần phải đổi mới hơn nữa cơ chế, chính sách đối với loại hình trường này.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 18-4-2005 về "đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao", ngày 1-6-2005, Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi chính thức được thành lập theo Quyết định số 2979/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hoạt động theo Điều lệ trường cao đẳng ban hành tại Quyết định số 56/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 12-10-2003.

Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi đào tạo đa hệ, đa lĩnh vực,hoạt động bằng nguồn vốn đầu tư của Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi - Công ty nhà nước hạng 1) và nguồn thu từ hoạt động đào tạo và dịch vụ. Đây là trường thuộc doanh nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai do công ty tự bù đắp kinh phí đào tạo hằng năm.

Mục tiêu tổng thể của Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các vùng phụ cận. Các mục tiêu cụ thể là:

- Đào tạo chính quy dài hạn, theo các ngành nghề được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

- Đào tạo ngắn hạn nhằm cung cấp các khóa học linh hoạt nâng cao kỹ năng quản lý cho các chủ doanh nghiệp, các khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho các cán bộ, công nhân viên, sinh viên và các khóa học nâng cao kỹ năng nghề (may, giày, xây dựng) cho đội ngũ nhân viên của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất và dịch vụ, tạo môi trường doanh nghiệp thực tế ngay trong đào tạo, kết hợp lý thuyết và thực hành ngay tại trường, giúp giảng viên, sinh viên tiếp cận với công việc thực tế, tự tin sáng tạo trong học tập và thực hành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Liên kết đào tạo và tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các nước, tìm kiếm cơ hội học tập và nghiên cứu cao hơn để đóng góp cho công tác giảng dạy tại trường.

Năm thứ 3 đi vào hoạt động chưa phải là thời gian đầy đủ để rút ra kinh nghiệm sâu sắc cho hiệu quả hoạt động của một mô hình mới "trường thuộc doanh nghiệp". Tuy nhiên, về cơ bản, Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi đã có một số kinh nghiệm bước đầu trong công tác đào tạo và liên kết đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Công tác đào tạo chính quy

Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi chỉ tuyển sinh hằng năm với chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường (năm 2007 là 500 sinh viên cho hệ cao đẳng và trung cấp) để tập trung cho chất lượng đào tạo. Khi chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở thêm các ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Chương trình đào tạo của các ngành được rà soát và cập nhật hằng năm để đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và bảo đảm yêu cầu chung của chương trình khung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ứng dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sinh viên tham gia giờ học một cách năng động, tích cực thông qua các buổi thảo luận nhóm, thuyết trình...

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua góp ý cho chương trình đào tạo và tiếp nhận sinh viên đến doanh nghiệp thực tập nghiệp vụ và thực tập tốt nghiệp.

Hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo

Được sự chấp thuận của ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi đã tiếp nhận chương trình hỗ trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp) về đào tạo giảng viên cho khoa công nghệ giày và công nghệ may, tài trợ một số thiết bị cho xưởng giày của trường để đào tạo 2 ngành công nghệ may và công nghệ giày.

Trường đã liên kết với Business Edge, thuộc chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF được điều hành bởi Công ty Tài chính quốc tế (IFC), bộ phận chuyên về khu vực tư nhân của Ngân hàng thế giới (WB), tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo linh hoạt kỹ năng quản lý cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các khóa học như trên được đánh giá cao, là mô hình cần thiết phải được duy trì và nhân rộng.

Bên cạnh đó, nhà trường đã liên kết với AITCV (Thái Lan) tổ chức các khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản trị dự án cho đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp, của sở, ban, ngành tại trường. Đến đầu năm 2008 sẽ có một lớp thạc sĩ quản trị kinh doanh và một lớp thạc sĩ quản trị dự án tiếp theo tổ chức tại trường.

Nhà trường cũng đã đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp và các đối tượng học viên về tin học, ngoại ngữ (ngoài giờ).

Từ những công việc đã và đang triển khai của Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, mà Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa với vai trò là chủ đầu tư trực tiếp quản lý nhà trường, nhận thấy một số điểm cần xác định không chỉ trong phương hướng đào tạo và liên kết đào tạo mà còn trong mô hình quản lý nhà trường.

Một là, mô hình "Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi thuộc doanh nghiệp", được xây dựng theo đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, đồng thời theo Luật Giáo dục năm 2005, mô hình này cần phải được xác định là mô hình trường tư thục thuộc tổ chức kinh tế đầu tư và quản lý. Tuy nhiên, hiện nay Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi vẫn đang hoạt động theo Quyết định số 56/2003/BGD&ĐT, là mô hình hoạt động của trường công lập nên nhà trường đã gặp không ít trở ngại trong quản lý tài chính, quản lý tài sản và các vấn đề liên quan, cụ thể:

Quản lý tài sản: Khi hoạt động theo Quyết định số 56/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tài sản do Công ty Sonadezi mẹ đầu tư cho trường về nguyên tắc là không thể khấu hao và do đó không thể tái đầu tư để duy trì phát triển.

Quản lý tài chính: Nếu hoạt động theo mô hình trường công lập, nhà trường phải thực hiện theo Nghị định số 43/2006-NĐ-CP ngày 25-4-2006 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Áp dụng theo nghị định này là không đủ kinh phí cho hoạt động của trường hiện nay, đặc biệt đối với "trường thuộc doanh nghiệp" thì vấn đề này là một thách thức cần phải giải quyết. Nếu trường tự xây dựng định mức riêng cho mình thì không theo đúng tinh thần của Quyết định số 56/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù rất phù hợp với cách quản lý của doanh nghiệp.

Quyền lợi của giảng viên: Giảng viên chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Do đó, nếu thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính dành cho các trường hoạt động theo Quyết định số 56/QĐ-BGD&ĐT là rất khó thu hút được giảng viên giỏi làm việc tại trường. Đây là một trở ngại cho trường trong việc tuyển dụng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao.

Quyền lợi của sinh viên: Nhà trường đang thực hiện mô hình "lý thuyết gắn với thực hành, nhà trường gắn với doanh nghiệp" nên vấn đề thực tập là một khâu then chốt trong chương trình học tập của sinh viên tại trường. Hiện tại kinh phí thực tập tại xưởng trường cho sinh viên khối công nghệ (may, giày, công nghệ thông tin) là khá lớn. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ chế hoạt động ràng buộc nên nhà trường không thể gánh hết tất cả chi phí này trong suốt quá trình học tập của sinh viên.

Tất cả vấn đề trên gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường hiện nay. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, nhà đầu tư là Công ty Sonadezi mẹ và lao động sẽ không an tâm để đóng góp cho sự phát triển của trường.

Hiện nay nhà trường đang hạch toán theo đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Trường không được cấp ngân sách của nhà nước mà tự lấy thu bù chi và Công ty Sonadezi bù lỗ trên cơ sở định mức thu chi quy định hằng năm dành cho trường. Bên cạnh đó các công trình đầu tư cho trường (khoảng 80 tỉ) đến nay do công ty mẹ đầu tư vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để trích khấu hao tái đầu tư và phát triển. Trong khi nhà trường vẫn thu học phí và áp dụng các chính sách miễn, giảm học phí và chế độ học bổng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho một trường công lập. Trong điều kiện như vậy, thay đổi hình thức quản lý tài chính cũng như mô hình hoạt động là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Hai là, nhà trường đã có mục tiêu hoạt động rất cụ thể, song vẫn rất cần đến sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương để hoạt động đào tạo của nhà trường đáp ứng thiết thực cho cộng đồng và xã hội; sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp cho nhà trường thông qua việc góp ý chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường và tham gia vào hội đồng bảo trợ của nhà trường để giúp cho chiến lược phát triển của trường luôn đi đúng hướng; liên kết tổ chức đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước có uy tín để khẳng định chất lượng đào tạo và thương hiệu của nhà trường.

Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu nhà trường cũng đã có một số kinh nghiệm nhất định về mô hình hoạt động của một trường doanh nghiệp, đi từng bước vững chắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội. Vì mục đích phục vụ cộng đồng, Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) đã nỗ lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, tuy nhiên bản thân trường bằng mô hình "trường thuộc doanh nghiệp" phải tự duy trì và phát triển. Trước mắt vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhiều kinh nghiệm cần phải được học hỏi trong công tác đào tạo, nhưng dưới sự quản lý của công ty Sonadezi, quan tâm ủng hộ của lãnh đạo địa phương, với nhiệt tình và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường, triển vọng phát triển của Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi sẽ được khẳng định trong thời gian không xa.