Nhằm đánh giá lại hiện trạng và triển vọng hợp tác đầu tư khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, “Diễn đàn đầu tư hợp tác Tiểu vùng Mekong 2012” đã diễn ra tại thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, ngày 9-11.

Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam gồm 13 tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên gần 144.000 km2, dân số 7 triệu người; có vị trí chiến lược với cả 3 nước về chính trị, kinh tế, xã hội, được Chính phủ 3 nước quan tâm trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, 5 tỉnh thuộc khu vực này của Việt Nam thu hút được 75 dự án đầu tư từ Lào và Campuchia với tổng vốn đăng ký 95,5 triệu USD.

Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khu vực này của Lào và Campuchia là 75 dự án với tổng vốn đăng ký 3,09 tỷ USD. Hầu hết các dự án này đang trong quá trình triển khai, về lâu dài sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương vùng biên giới.

Theo đánh giá của các đại biểu, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và mối quan hệ chiến lược giữa 3 nước. Do vậy, xuất phát từ các lợi ích sâu sắc trong việc thúc đẩy phát triển đầu tư tại các tỉnh thuộc Tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam, diễn đàn đã nêu các giải pháp để tháo gỡ rào cản để thúc đẩy phát triển.

Trong đó cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách chung để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực Tam giác phát triển với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước. Xem đây là chìa khóa để tháo gỡ các rào cản hiện nay. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc thu hút nguồn vốn ODA và FDI từ bên ngoài vào khu vực này để đầu tư các công trình lớn về giao thông, kết nối 13 tỉnh trong khu vực với cảng biển phía Việt Nam.

Hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn để khuyến khích và thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm cũng như xuất khẩu hàng hóa bám theo các trục giao thông nối với cảng biển Việt Nam xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới.

Diễn đàn cũng thống nhất đề nghị Chính phủ 3 nước xem xét, ưu tiên đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư về phía các địa phương thuộc vùng, đặc biệt là các dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp, hạ tầng./.