Canh bạc mạo hiểm

Hoàng Mai
16:40, ngày 08-11-2012
TCCSĐT - Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Áp-ga-ni-xtan, cuộc bầu cử tổng thống lần tới ở đất nước này sẽ được tiến hành vào ngày 5-4-2014. Có hai điều khiến dư luận bên ngoài Áp-ga-ni-xtan bất ngờ và đặc biệt quan tâm. Một là, cả Ta-li-ban và những tổ chức Hồi giáo cực đoan khác cũng đều có thể tham gia cuộc bầu cử này. Hai là, thời điểm bầu cử được công bố trước một năm rưỡi, có nghĩa là rất sớm và trước khá xa thời điểm kết thúc lộ trình rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Áp-ga-ni-xtan.
Đương kim Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) không được ra ứng cử tổng thống một lần nữa vì hiến pháp đất nước này không cho phép. Nhưng rõ ràng, chính thể do ông H.Ca-dai đứng đầu đã khởi động quá trình duy trì quyền lực ở thời kỳ sau ông H.Ca-dai và đặc biệt là sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hết quân đội khỏi Áp-ga-ni-xtan. Những suy tính của họ hướng tới cuộc bầu cử tổng thống lần này là một canh bạc đầy mạo hiểm bởi không ai biết tình hình chính trị an ninh ở Áp-ga-ni-xtan sẽ diễn biến như thế nào ngay trong năm tới chứ chưa nói trong năm bầu cử và sau khi quân đội nước ngoài rút đi hết.

Hiện chưa ai có thể dự đoán nổi Ta-li-ban sẽ như thế nào, các tổ chức và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở đó sẽ ra sao. Nhưng điều có thể chắc chắn được là Ta-li-ban sẽ là một tác nhân quyền lực ở đất nước này. Đối với Ta-li-ban, rồi đây sẽ xảy ra một trong hai khả năng: hoặc là Ta-li-ban sẽ dùng vũ lực quân sự để khôi phục lại chính thể đã bị xóa sổ cách đây 11 năm hoặc sẽ đóng vai trò chính trị không hề nhỏ trong chính thể hiện tại.

Việc ấn định từ rất sớm thời điểm tiến hành cuộc bầu cử tổng thống tới và khẳng định Ta-li-ban cũng như các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác "không bị phân biệt đối xử" trong cuộc bầu cử này trước hết nhằm gia tăng áp lực đối với Mỹ và đồng minh. Đó là cách vừa thúc ép Mỹ và đồng minh của họ thực hiện xong lộ trình rút quân trong năm 2014 như đã cam kết, thậm chí còn sớm hơn thế nữa, vừa tạo ra sự bảo đảm sao cho ở thời hậu chiến, Ta-li-ban và các lực lượng Hồi giáo cực đoan không đe dọa sự tồn vong của chính thể hiện tại ở Áp-ga-ni-xtan.

Đó cũng là cách thể hiện thiện chí hòa giải và hòa hợp với Ta-li-ban cũng như các lực lượng Hồi giáo cực đoan, nhưng trên thế mạnh và trong khuôn khổ pháp lý do chính quyền hiện tại xác định. Đồng thời, phản ánh khả năng Chính phủ Áp-ga-ni-xtan phải cùng tồn tại với Ta-li-ban và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác ở thời hậu chiến, cũng như việc Chính phủ nước này chủ định dùng trách nhiệm bảo hộ an ninh của Mỹ và đồng minh cùng với lá phiếu của cử tri để kiềm chế Ta-li-ban cùng các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Thêm vào đó, đây cũng là cách tự trấn an và đề ra mục tiêu cao xa để tạo áp lực từ thách thức mà tự vận động và nỗ lực. Chỉ như thế thì chính thể này mới đóng nổi vai trò chủ đạo và then chốt cho tương lai của Áp-ga-ni-xtan ở thời hậu chiến.

Canh bạc này mạo hiểm đối với Chính phủ Áp-ga-ni-xtan ở chỗ họ bày ra cuộc chơi nhưng lại không thể tự quyết định kết quả. Mỹ và đồng minh cũng như Ta-li-ban và các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Áp-ga-ni-xtan tham gia cuộc chơi này như thế nào, tham gia đến đâu và có tham gia theo luật chơi mà Chính phủ Áp-ga-ni-xtan định ra hay không mới là những nhân tố quyết định kết cục cuối cùng, thậm chí là quyết định chính thể hiện tại có thể tiếp tục tồn tại nữa hay không. Chắc chắn không phải Chính phủ Áp-ga-ni-xtan không nhận biết được điều đó và không ý thức được đầy đủ về những rủi ro đối với chính mình trong cuộc chơi này, nhưng vì không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chơi ván bài "được ăn cả, ngã về không" này. Khả năng bắt cá nhiều tay này có khả năng sẽ thành công nhưng cũng có thể sẽ "xôi hỏng, bỏng không"./.