Đêm tôn vinh nghệ thuật hát Chầu văn

Thu Thanh
14:18, ngày 08-11-2012

TCCSĐT - Nhằm tôn vinh nghệ thuật Chầu văn, hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, hai đêm mùng 06 và 07-11-2012 Tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) số 24 Tràng Tiền, Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp và Câu lạc bộ bảo tồn Chầu văn Việt Nam đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật Chầu văn với sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hát văn và khán giả yêu hát văn cả nước. Đây là lần thứ 2 nghệ thuật hát chầu văn được Trung tâm Văn hóa Pháp và Câu lạc bộ bảo tồn Chầu văn Việt Nam tổ chức giới thiệu nhằm phổ cập rộng rãi tới quần chúng hiểu về lối hát, cũng như tính chuyên nghiệp của môn nghệ thuật này.

Tại đêm biểu diễn, GS,TS. Ngô Đức Thịnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam cho rằng: Hát chầu văn là một giá trị nghệ thuật cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế, để mọi người hiểu biết về di sản, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy.

Trong các đêm diễn, khán giả được nghe giới thiệu về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau truốt nghiêm trang, Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Đặc biệt, tại hai đêm biểu diễn, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu cho công chúng về nghệ thuật hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Sau khi nghe các nhà nghiên cứu giới thiệu trình bày về hát chầu văn, các lối hát văn, hát văn cổ, khán giả còn được thưởng thức những điệu múa, lời ca và các nghi lễ hết sức độc đáo của nghệ thuật Chầu văn, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: Văn Chung, Thanh Long, Khắc Tư, Trọng Quỳnh, Đức Hải, Văn Khải, Thanh Hà, Xuân Dũng, Thanh Ngoan...

Chương trình diễn xướng đã góp phần phục hồi, duy trì, phát huy các giá trị đích thực chầu văn, loại trừ dần các dạng thức biến tướng, làm sai lệch di sản độc đáo này. Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể./.