Nước ngọt - nguồn sống: Những thách thức và đe dọa toàn cầu

Theo: Nhân dân điện tử
20:10, ngày 21-10-2012

Tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Nước ngọt - nguồn sống: những thách thức và đe dọa toàn cầu”, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua (Sankt Petersburg) lần thứ 12 mới đây, các chuyên gia đã báo động về tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến khoảng 1 tỷ người thiếu nước sinh hoạt và đến năm 2020, con số này có thể tăng lên gấp năm lần.

Hội nghị đã bàn thảo biện pháp làm thế nào để bảo vệ nguồn nước ngọt và giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Ngoài dầu mỏ và khí đốt, nước sạch cũng được coi là một trong những dự trữ chiến lược của nhiều quốc gia, trong khi những quốc gia ven biển lại đang phải chi nhiều tiền để ngăn chặn nước mặn xâm thực do nước biển dâng cao. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do khí hậu toàn cầu ấm dần lên. Theo một số nghiên cứu, nhu cầu sử dụng nước trên thế giới liên tục tăng lên trong suốt thế kỷ XX và tăng gấp hơn hai lần so với mức gia tăng dân số. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, do khí hậu toàn cầu ấm dần lên, lượng nước tại nhiều con sông và hồ nước ở châu Á và châu Phi có thể giảm xuống từ 15 đến 50%. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã tạo ra nghịch cảnh ở các nước bên đường xích đạo là: vào mùa mưa, hàng loạt quốc gia bị nước tàn phá, nhưng trong những tháng mùa khô, lại thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo Ðài Tiếng nói nước Nga, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Ða-vốt (Davos, Thụy Sĩ) mới đây, Chủ tịch Ðu-ma (Dumas) quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Bô-rít Grư-dơ-lốp (Boris Gryzlov) cho biết: Chính quyền Nga đã thông qua quyết định sẽ phải soạn thảo một chương trình quốc gia được ngân sách nhà nước tài trợ mang tên “Chiến lược nước ngọt của Nga” nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm nước ngọt, mặc dù Nga sở hữu 20% nước ngọt toàn cầu. Chương trình “Chiến lược nước ngọt của Nga” bao gồm ý định xuất khẩu nước ngọt qua các đường ống dẫn nước đặc biệt, tiến tới thành lập “thị trường giao dịch nước”. Ông nêu rõ, việc chuyển sang dùng loại nước chất lượng sạch có thể kéo dài tuổi thọ của người dân Nga thêm từ năm đến bảy năm.

Sự cạnh tranh toàn cầu các nguồn tài nguyên đã trở thành một phần của trò chơi địa - chính trị, trong đó, việc tranh giành kiểm soát và sử dụng nguồn tài nguyên tại các con sông xuyên quốc gia đang là một yếu tố nhạy cảm, gây ra sự căng thẳng trong quan hệ hữu nghị giữa những quốc gia có chung những dòng sông. Trong bài viết dành cho Ðài Tiếng nói nước Nga, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nga, ông A.Lu-kin (Aleksandr Lukin) chỉ rõ, vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên sông Mê Công có nguy cơ phát triển thành một mâu thuẫn nghiêm trọng giữa quốc gia ở đầu nguồn và một số nước Ðông - Nam Á. Sông Mê Công dài 4.350 km, chảy qua Trung Quốc, Mi-an-ma (Myanmar), Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia (Campuchia) và Việt Nam. Trên thượng nguồn, quốc gia ở đầu nguồn đã xây hai nhà máy thủy điện và sắp đưa vào vận hành nhà máy thủy điện thứ ba. Chủ trương này của quốc gia ở đầu nguồn khiến các nước hạ nguồn Mê Công lo ngại. Hoặc như tại khu vực Trung Á, vì muốn khai thác và kiểm soát nguồn nước mà các quốc gia đã hình thành hai nhóm đối kháng: một bên là Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan) và Tát-gi-ki-xtan (Tajikistan) sở hữu thượng nguồn các con sông Trung Á và rất quan tâm phát triển ngành thủy điện; một bên gồm Ca-dắc-xtan (Kazakhstan), U-dơ-bê-ki-xtan (Uzbekistan) và Tuốc-mê-ni-xtan (Turkmenistan) phụ thuộc vào khối lượng lớn nước tại các con sông này để phát triển nông nghiệp.

Năm 1995, các nước Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam đã thành lập Ủy ban Mê Công với mục đích cùng nhau khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của con sông chung này. Tại các hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mê Công đã được lãnh đạo các nước hạ nguồn nêu ra là một vấn đề cấp bách, tác động tiêu cực tới nền sản xuất nông nghiệp. Ðã có đề xuất về sự hợp tác giữa các nước hạ lưu sông Mê Công với các đối tác ngoài khu vực./.