Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Hà Nội

1. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại Hà Nội.
Từ ngày 14 đến ngày 16-05-2008, với chủ đề "Đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh", Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, gọi tắt là Vesak, đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm nay là cơ hội tốt để tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui". Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, Việt Nam là nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt từ rất sớm. Thời đại nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh.

Vesak 2008 nhận được thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon và của lãnh đạo nhiều nước trên thế giới. Sau 3 ngày làm việc, với nhiều nghi thức Phật giáo và các phiên thảo luận về nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống xã hội ngày nay. Vesak 2008 đã ra Tuyên bố "chân thành tri ân Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bảo trợ cho Đại lễ và Hội thảo với chủ đề “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vesak 2008 ra thông điệp khẳng định: "Trong bối cảnh thế giới hiện nay, thông điệp của Đức Phật vì hòa bình, từ bi, tình thương đối với mọi sinh linh ngày càng trở nên khẩn thiết. Thông điệp nhắn nhủ mọi người cần mở rộng tấm lòng với đồng loại, những người đang cần sự giúp đỡ, đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ rằng chúng ta là bản thân duy nhất, đặt hạnh phúc của cộng đồng, toàn thể nhân loại ngang bằng hạnh phúc của chính mình".

Động đất tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc)

2. Vụ động đất kinh hoàng tại Trung Quốc
. Ngày 12-05-2008, đã xảy ra một vụ động chưa từng có tại huyện Văn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Thường vụ Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thành lập Bộ Tổng chỉ huy cứu hộ do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trực tiếp chỉ huy. Các bộ ngành khác ngay lập tức thành lập các Tiểu ban chỉ đạo cứu hộ và áp dụng các phương án ứng phó khẩn cấp. Hãng thông tấn Tân hoa cho biết tính đến chiều 18-5, số người thiệt mạng được xác định đã lên tới gần 32.500 người. Cơ quan chức năng Trung Quốc dự kiến số tử vong có thể lên tới 50.000 người vì hiện còn rất nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Nhiều nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam, ngay lập tức gửi lời chia buồn và đề nghị được giúp đỡ Trung Quốc sau thiên tai. Tính đến trưa ngày 17-5, tổng số tiền và hiện vật từ nhiều nước trên thế giới và từ các nơi trong nước Trung Quốc gửi cứu giúp các vùng bị nạn động đất ở nước này đã đạt tổng trị giá 6,023 tỉ nhân dân tệ (RMB), trong đó 4,905 tỉ RMB là từ trong nước Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ và hộ trợ về cả sức người và sức của từ cộng đồng quốc tế. Dư luận quốc tế nhận xét, chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã tổ chức rất tốt hoạt động khắc phục hậu quả mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được.

3. Nga thành lập Chính phủ mới do cựu Tổng thống V.Pu-tin làm thủ tướng. Ngày 12-05-2008, tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ký lệnh phê duyệt thành lập nội các mới do ông V.Pu-tin đứng đầu, với 7 Phó thủ tướng. Cựu thủ tướng Nga, ông Zúp-cốp, nay là Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách khối các dự án quốc gia và các vấn đề nghề cá, giáo dục, y tế, nhà ở, văn hóa và nghệ thuật, thể thao, bao gồm cả việc chuẩn bị Đại hội Ô-lim-píc 2012 ở Xô-chi. Nội các mới có 12 bộ trưởng trong nội các cũ, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao La-vơ-rốp và Bộ trưởng Quốc phòng Séc-đu-cốp. Nga thành lập các bộ mới là Bộ Thông tin và Truyền thông đại chúng; Bộ Văn hoá; Bộ Thể thao, Thanh niên và Du lịch. Bộ Công nghiệp và Năng lượng được tách thành hai Bộ: Bộ Năng lượng (do Xu-mat-cô làm Bộ trưởng) và Bộ Công nghiệp (do Khơ-ri-xten-cô đứng đầu). Khối Thương mại của Bộ Phát triển kinh tế và thương mại được chuyển sang cho cho Bộ Công nghiệp và Thương mại. Một loạt các cơ quan như Rô-xơ-đờ-rap (Y tế Nga), Rô-xơ-trôi (Xây dựng Nga), Rô-xơ-prôm (Công nghiệp Nga) và Rô-xơ-ê-ne-rơ-gơ (Năng lượng Nga) được giải tán và chuyển sang cho các Bộ tương ứng. Thành lập Cơ quan đặc trách về SNG (Agenstvo). Bổ nhiệm ông Pa-tơ-ru-sép (Patrushev) làm Thư ký Hội đồng an ninh Nga và ông Boóc-ni-cốp (Bortnikov) làm Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Báo "Le Monde” (Pháp) nhận định, ông V.Pu-tin sẽ đóng vai trò là “một lãnh tụ quốc gia”, chứ không chỉ là Thủ tướng Nga.

Điều trần về chất độc da cam

4.
Lần đầu tiên Quốc hội Mỹ điều trần về chất độc da cam. Trong hai ngày 14 và 15-05-2008, lần đầu tiên, Quốc hội Mỹ tiến hành điều trần vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam với chủ đề "Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta (Mỹ): Chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam". Nghị sĩ E-ni Pha-li-ma-vai-ga (Eni Faleomavaega), Chủ tịch tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu của Hạ viện Mỹ là người đề xuất sáng kiến này và điều hành cuộc điều trần. Hơn 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, lần đầu tiên, vấn đề trách nhiệm của phía Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được chính thức đặt ra tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ. Phiên điều trần này là rất cần thiết để dư luận ở Mỹ thấu hiểu hơn về những hậu quả mà cuộc chiến tranh do họ tiến hành đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Ông E-ni Pha-li-ma-vai-ga cho rằng, nước Mỹ đã lãng quên vấn đề này quá lâu. Ồng nói: "Không thể giả vờ rằng chuyện đó không xảy ra. Chúng ta nên có trách nhiệm với vấn đề này".

Tổng thống G.Bush đến Trung Đông

5. Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ thăm các nước Trung Đông
. Ngày 13-05-2008, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ lên đường thăm một số nước Trung Ðông. Đây là chuyến công du thứ hai của ông đến Trung Ðông kể từ tháng 01-2008. Theo tuyên bố chính thức, mục đích của chuyến thăm lần này là nhằm tiếp tục vận động để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Tổng thống G.Bu-sơ hy vọng phát triển các kết quả từng đạt được trong những nỗ lực hòa bình tại Hội nghị về Trung Ðông theo sáng kiến của ông vào năm 2007 tại thành phố An-na-pô-lít (Annapolis), tiểu bang Ma-ri-lăng (Mỹ). Tổng thống G.Bu-sơ muốn nhìn thấy các đường biên giới của nhà nước Pa-le-xtin được xác định trước khi ông rời Nhà Trắng và kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống của mình vào tháng 01-2009. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng, quỹ thời gian không còn đủ để Tổng thống G.Bu-sơ có thể đạt được mục tiêu này.

6. Chiến lược hướng ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 13-05-2008, Liên đoàn các nhà doanh nghiệp và công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (TUSKON) ra tuyên bố sẽ tổ chức gặp gỡ với hơn 1.000 doanh nghiệp châu Phi vào cuối tháng 05-2008. Đây là lần thứ ba TUSKON tổ chức một sự kiện lớn như thế này. Từ năm 2006, TUSKON đã thành côngtrong nhiều nỗ lực tương tự với châu Phi, châu Á và cả các nước ven bờ Thái Bình Dương. TUSKON cho rằng tăng cường thương mại là một trong những cái đem lại lợi ích cho tất cả những ai tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một số chiến lược mới hướng tới một các thị trường lựa chọn, như “Chiến lược hướng tới các nước láng giềng và phụ cận”, “Chiến lược Châu Phi”, “Chiến lược hướng tới châu Á - Thái Bình Dương" và "Chiến lược hướng sang Mỹ”. Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng buôn bán với châu Phi sẽ đạt 20 tỉ trong thời gian tới.

7. Diễn đàn đầu tư Đông Á 2008. Ngày 11-05-2008, Diễn đàn đầu tư Đông Á - 2008 do Hội học thuật quan hệ quốc tế Trung Quốc khai mạc trong bối cảnh kinh tế thế giới bước vào thời kỳ điều chỉnh mới, trong đó các yếu tố bất ổn và bất định đang gia tăng, nổi lên ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng nhanh giá dầu và giá lương thực, tăng lạm phát toàn cầu, khủng hoảng tín dụng thế chấp đối với kinh tế và tài chính tiền tệ toàn cầu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm tốc độ. Nhưng ở Đông Á, 10 năm qua, kinh tế tăng trưởng nhanh và liên tục, ổn định, sự hợp tác Đông Á ngày càng được mở rộng cả bề rộng lẫn chiều sâu, nội dung hợp tác ngày càng phong phú, hợp tác về tài chính kinh tế và tài chính tiền tệ không ngừng đi vào chiều sâu, viễn cảnh hợp tác rộng mở. Mặc dù khu vực mậu dịch tự do Đông Á chưa được thiết lập, nhưng mạng lưới mậu dịch đang hình thành, tiến trình nhất thể hóa đang tăng tốc.

8. Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Méc-ken thăm Mỹ La-tinh. Từ ngày 13 đến ngày 20-05-2008, Thủ tướng CHLB Đức Méc-ken (Merkel) sẽ đi thăm một loạt các nước Mỹ La-tinh, gồm Bra-xin, Cô-lum-bi-a, Mê-hi-cô và Pê-ru. Trọng điểm của chuyến thăm là dự Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ La-tinh lần thứ 5 ở Li-ma, thủ đô Pê-ru. EU là nhà đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại thứ hai và cũng là nhà tài trợ chính về viện trợ phát triển cho Mỹ La-tinh. Chủ đề chính của Hội nghị lần này là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chống sự thay đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giáo dục, xóa đói giảm nghèo và tăng cường liên kết xã hội v.v. Bà Méc-ken phát biểu về vấn đề tăng cường hợp tác phát triển trong các lĩnh vực mà các bên cùng sự quan tâm và vấn đề "dân chủ hóa". Mê-hi-cô và Bra-xin là hai thành viên chủ chốt trong G.5 gồm những nền kinh tế đang nổi lên rất quan trọng trên thế giới và ngày càng có ảnh hưởng chính trị lớn hơn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề hợp tác chống sự thay đổi khí hậu. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, ông Hu-gô Cha-vét (Hugo Chavez) phê phán chuyến thăm Mỹ La-tinh của Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Méc-ken. Theo ông, chính sách của Cộng hòa liên bang Đức không đem lại lợi ích cho Mỹ La-tinh.

9. Gơ-ru-di-a tuyên bố rút khỏi Hiệp ước phòng thủ chung của các nước SNG. Theo tin của Hãng thông tấn xã Nga "Interfax", ngày 14-05-2005, Chính phủ Gơ-ru-zi-a (Gruzia) chính thức thông báo cho Bộ ngoại giao Bê-la-rút (Belarus) biết, Tờ-bi-li-xi (Tbilisi) sẽ rút khỏi hiệp ước phòng thủ chung của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Cũng theo thông báo trên, Gơ-ru-di-a sẽ ngừng thực hiện các cam kết của hiệp ước này sau 12 tháng kể từ ngày 14-05-2008. Tham gia ký kết Hiệp ước phòng thủ chung của Cộng đồng các quốc gia độc lập có các nước cộng hoà xô-viết trước đây là Ác-mê-ni-a (Armenia), Bê-la-rút (Belarus), Gơ-ru-di-a, Ca-dắc-xtăng (Kazakhstan), Kiếc-gi-xtăng (Kyrgyzstan), Nga, Tát-gi-ki-xtăng (Tajikistan), Tuốc-mê-ni-xtăng (Turkmenistan), U-dơ-bê-ki-xtăng (Uzbekistan) và U-cơ-ren (Ukraine). Trước đó, ngày 05-05-2008, Gơ-ru-di-a đã chính thức thông báo với phía Nga rằng, họ rút khỏi hiệp ước phòng thủ song phương ký kết với Nga ngày 19-04-1995 với lý do "hiệp ước này không mang lại lợi ích gì cho Gơ-ru-di-a". Đồng thời với sự kiện này, Mỹ tuyên bố ý định sẽ triển khai hệ thống ra-đa giám sát không phận trên dải sóng X tại Gơ-ru-di-a, nhằm hướng tới mục đích lâu dài là xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại vùng Nam Cáp-ca. Có thể đây là động cơ sâu xa của Mỹ trong kế hoạch hối thúc các nước NATO kết nạp Gơ-ru-di-a vào khối này và sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với nền an ninh Nga.

10. Mi-an-ma trưng cầu Hiến pháp mới. Ngày 15-05-2008, bản Hiến pháp mới do giới quân sự nước này đề xuất đã được thông qua tại cuộc trưng cầu ý dân tổ chức tại 2/3 lãnh thổ quốc gia này, ngoại trừ các khu vực bị bão Na-gít (Nargis) tàn phá. Có khoảng 92,4% số phiếu nhất trí với những thay đổi ghi trong bản dự thảo với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu 99%. Theo các điều khoản trong bản Hiến pháp mới, 25% số ghế trong hai viện của Quốc hội Mi-an-ma sẽ thuộc về giới quân sự. Quyết định của giới quân sự vẫn tiến hành trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới trong khi hàng vạn người dân đang đứng trước nguy cơ bị ốm đau và đói khát sau cơn bão Na-gít khiến dư luận quốc tế không khỏi e ngại./.