Kinh tế U-crai-na đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ có nhiều bất ổn. Những ngày qua, mâu thuẫn giữa Tổng thống V.I-u-sen-cô và Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô lại bùng nổ khiến tình hình đất nước thêm rối ren. Hai nhà lãnh đạo đã công kích mạnh mẽ và đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính ngày càng sâu sắc tại U-crai-na .

Sau khi liên minh đa số, còn gọi là "Liên minh da cam" trong Quốc hội U-crai-na tan rã, ba khối chính trị là khối Ti-mô-sen-cô, khối "U-crai-na của chúng ta - Tự vệ nhân dân" và khối Lít-vin đạt được thỏa thuận thành lập liên minh mới. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ của các khối chính trị vẫn còn có những quan điểm trái ngược nhau, trong khi mâu thuẫn giữa Tổng thống và Thủ tướng ngày càng sâu sắc. Tổng thống V.I-u-sen-cô phát biểu trên truyền hình tối 30-1 khẳng định, hợp đồng hợp tác khí đốt mười năm do Thủ tướng Timoshenko ký với Nga không có lợi cho U-crai-na , không theo đúng chỉ thị của Tổng thống và không bàn bạc trước với các thành viên Chính phủ. Trong năm 2009, U-crai-na phải trả tiền mua khí đốt của Nga là 25 tỉ gríp-na (tương đương 3,2 tỉ USD), cao hơn nhiều so với năm 2008, trong khi giá trung chuyển khí đốt thay đổi không đáng kể (từ 1,6 USD lên 1,7 USD/1.000 m3/100 km). Chính vì vậy giá bán khí đốt trong năm nay tại U-crai-na đã tăng lên. Tổng thống cáo buộc Thủ tướng Ti-mô-sen-cô phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách và tài chính hiện nay. Tổng thống nhấn mạnh cần điều chỉnh và bổ sung ngân sách 2009, cân đối các khoản chi phù hợp khả năng của nền kinh tế, nếu không, U-crai-na sẽ rơi vào thảm họa thật sự. Tổng thống I-u-sen-cô yêu cầu Quốc hội và Chính phủ soạn thảo lại và thông qua ngân sách 2009 trên cơ sở trung thực và thực tế.

Một giờ sau ý kiến phát biểu của Tổng thống I-u-sen-cô, Thủ tướng Ti-mô-sen-cô tuyên bố rằng, Tổng thống không còn là nhà lãnh đạo mà U-crai-na cần đến trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tác động mạnh mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng khẳng định, Quốc hội và Chính phủ U-crai-na đang hoạt động hiệu quả và nhấn mạnh để vượt qua khủng hoảng, chính quyền và nhân dân U-crai-na cần đoàn kết, tỉnh táo và có trách nhiệm cao. Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng thống từ chức. Ðảng đối lập Các khu vực buộc tội Chính phủ của Thủ tướng Ti-mô-sen-cô không đủ năng lực giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tại U-crai-na và đề xuất Quốc hội thông qua dự luật về bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Tuy nhiên, Quốc hội U-crai-na tại cuộc họp ngày 5-2 đã không thông qua dự luật về bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô.

Nền kinh tế U-crai-na vốn đã suy yếu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt với Nga những ngày đầu năm mới. Kể từ đầu năm 2009, khủng hoảng kinh tế, tài chính ở nước này càng thêm trầm trọng. U-crai-na hiện đối mặt với những thách thức: Tỷ lệ lạm phát năm 2008 lên tới 22%, trong khi đồng nội tệ gríp-na giảm giá hơn 60%, sản xuất công nghiệp giảm và khả năng vỡ nợ tăng. U-crai-na đã nhận được 16,5 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải quyết một phần khoản nợ 80 tỉ USD của các doanh nghiệp và 20 tỉ USD nợ của Chính phủ. Theo các nhà phân tích, giá khí đốt cao hơn sẽ làm đình trệ ngành công nghiệp nặng của U-crai-na vốn dựa vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga. Sản lượng công nghiệp nước này tháng 12-2008 đã giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi nhu cầu về hai mặt hàng xuất khẩu chủ chốt là thép và hóa chất giảm mạnh. Chính phủ bị chỉ trích do tình trạng nợ lương nhân viên khối hành chính-sự nghiệp, kinh doanh quy mô nhỏ đình đốn, sa thải công nhân trong khối doanh nghiệp phi nhà nước. Chính phủ đã nợ lương giáo viên hơn 100 triệu gríp-na (gần 12,5 triệu USD). Phe đối lập phê phán chính quyền ưu đãi mua hàng ngoại, dẫn đến tình trạng nhập siêu trong cán cân thương mại. U-crai-na đã nhập siêu 11,3 tỉ USD năm 2007 và gần 16 tỉ USD năm 2008, dẫn đến nhiều ngành sản xuất trong nước phá sản, mỗi ngày 3.000 công nhân mất việc. Khủng hoảng kinh tế đã "đóng băng" thị trường bất động sản U-crai-na .

Chính phủ U-crai-na hạ dự báo mức tăng GDP năm 2009 từ 6% còn 0,4%; IMF điều chỉnh GDP của nước này từ tăng 2,5% xuống giảm 5%. Theo Bộ Tài chính U-crai-na, nguồn thu ngân sách của nước này trong tháng 1-2009 chỉ đạt 22% so với kế hoạch. Bộ trưởng Kinh tế U-crai-na B.Ða-nhi-li-sin hy vọng, đất nước có thể ra khỏi tình trạng khủng hoảng và bắt đầu tăng trưởng từ giữa năm 2009. Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô cho rằng, thời kỳ khó khăn sẽ chỉ kéo dài trong 3 đến 4 tháng tới và cam kết sẽ cung cấp ngân sách nhiều hơn 2% GDP, để bảo đảm tất cả các lĩnh vực cần giúp đỡ, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan phát triển kinh tế, sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách.

Khủng hoảng kinh tế diễn ra đồng thời với những bất ổn về chính trị nội bộ ở U-crai-na khiến Chủ tịch đảng Các khu vực Y-a-nu-cô-vích cho rằng, lối thoát duy nhất hiện nay là tiến hành bầu cử Quốc hội và Tổng thống trước thời hạn. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Trung ương V.Sa-pô-van cảnh báo, tình hình chính trị rối ren có thể dẫn tới bầu Tổng thống trước hạn, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra đúng kế hoạch vào tháng 10-2009. Dư luận hy vọng mâu thuẫn chính trị nội bộ của U-crai-na sớm được giải quyết để tập trung ngăn chặn suy thoái kinh tế, ổn định đời sống nhân dân./.