TCCSĐT - Ngày 12-9-2012, tại Brúc-xen (Bỉ), Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức đề xuất thành lập cơ chế giám sát duy nhất đối với tất cả các ngân hàng thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), qua đó tạo ra một bước quan trọng trong việc tăng cường liên minh kinh tế và tiền tệ.

Trong khuôn khổ cơ chế mới này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giám sát toàn bộ các ngân hàng thuộc Eurozone liên quan đến sự ổn định tài chính. Như vậy, ECB được trao quyền hạn lớn hơn trong việc giám sát các ngân hàng thực hiện những quy định về vốn, nợ, …nhằm duy trì sự ổn định tài chính và phát hiện những rủi ro liên quan đến sự tồn tại của các ngân hàng. Nếu một ngân hàng không tuân thủ những quy định về quản lý vốn, thì ECB có thể sử dụng các biện pháp can thiệp sớm hoặc buộc ngân hàng đó phải đưa ra những biện pháp khắc phục. Các cơ quan giám sát quốc gia tiếp tục đóng vai trò giám sát thường xuyên các ngân hàng của mỗi nước, đồng thời phải xây dựng và thực hiện những quyết định của ECB. Bên cạnh đó, Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) xây dựng một quy định chung nhằm cho phép bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường và bảo đảm quá trình giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch EC, Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (José Manuel Barroso) cho rằng, đề xuất thành lập một cơ chế giám sát duy nhất là mốc quan trọng trong việc xây dựng một liên minh ngân hàng. Hệ thống mới với ECB là trung tâm, có sự tham gia của các cơ quan giám sát quốc gia, sẽ cho phép tạo dựng lại lòng tin trong việc giám sát toàn bộ hệ thống ngân hàng thuộc Eurozone. Ông M.Ba-rô-xô nhấn mạnh với việc thành lập cơ chế giám sát này, trong tương lai, những tổn thất của các ngân hàng sẽ không trở thành món nợ của người dân, phá hoại sự ổn định tài chính của toàn bộ các quốc gia. Trước đó, nhằm hỗ trợ các nước Eurozone đang bị căn bệnh nợ công đang hoành hành, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế châu Âu và thế giới, ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định mua trái phiếu chính phủ của các nước thành viên với các điều kiện nghiêm ngặt.

Phát biểu với báo giới ngay sau khi cuộc họp ban lãnh đạo ECB kết thúc ngày 6-9 tại Phranh-phuốc (Frankfurt, Đức), Chủ tịch ECB Ma-ri-ô Đra-ghi (Mario Draghi) đã công bố chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước trong Eurozone, thay thế cho Chương trình Thị trường chứng khoán đưa ra hồi tháng 5-2010. Chủ tịch ECB nhấn mạnh, chương trình này sẽ cho phép chấn chỉnh những rối loạn trên thị trường vay tín dụng hiện nay và ECB sẽ hành động một cách độc lập trong khuôn khổ thẩm quyền của mình. Công cụ hỗ trợ mới của ECB có tên gọi là Các giao dịch tiền tệ công khai (Outright Monetary Transactions - OMTs) trên thị trường thứ cấp đối với các trái phiếu chính phủ. ECB có thể mua công trái với khối lượng không hạn chế và thời gian đáo hạn từ 1-3 năm với điều kiện các nước liên quan phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt của Quỹ cứu trợ đồng ơ-rô.

Chủ tịch M.Đra-ghi cho biết, ECB sẽ làm mọi điều cần thiết để giữ Eurozone và có nhiệm vụ bảo vệ cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ tại tất cả các nước thành viên. Trước đó, lãnh đạo các nước Đức và Tây Ban Nha cũng khẳng định sẽ nỗ lực tới cùng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại liên minh tiền tệ này. Cũng tại phiên họp này, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất chủ đạo ở mức 0,75% và giảm dự báo tăng trưởng của 17 nước thành viên Eurozone, theo đó nền kinh tế các nước sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay và dự kiến tăng trưởng 0,5% trong năm 2013. Trong dự báo đưa ra tháng 6 vừa qua, ECB cho rằng mức suy giảm của Eurozone sẽ chỉ là 0,1% và năm sau tăng trưởng 1%.

Theo Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô: "Cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng trong khi các ngân hàng đã trở nên xuyên quốc gia, các quy định và giám sát vẫn ở tầm quốc gia. Chúng ta cần đưa ra những quyết định giám sát chung trong nội bộ Eurozone và mục tiêu của những cải cách ngân hàng được đề xuất, cần được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, là phá vỡ sự liên kết giữa các ngân hàng và nhà nước, ngăn chặn các nước nợ nhiều lún sâu hơn vào khó khăn. Đề xuất này sẽ giải quyết được một thành tố cơ bản của cuộc khủng hoảng, đã tấn công các ngân hàng của châu Âu 5 năm trước và leo thang thành một cuộc khủng hoảng nợ công vào năm 2010. Tuy nhiên, để có thể thực hiện kế hoạch trên, các nước thành viên Eurozone phải từ bỏ phần nào quyền giám sát các ngân hàng của họ, lâu nay vẫn thuộc trách nhiệm của nhà nước. Do vậy, đề xuất trên đã dẫn đến những lo ngại của các nước thành viên.

Lo lắng về quyết định trên, ngày 11-9, các đại sứ trong Liên minh châu Âu (EU) đến từ Bun-ga-ri, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Ba Lan, Ru-ma-ni, Thụy Điển và Anh đã nhóm họp tại Brúc-xen (Bỉ) để chia sẻ những lo ngại liên quan các kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng trên.

Trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếng nói quyết định về việc ngân hàng nào cần tăng vốn hoặc cần bán tài sản để tránh phá sản là điều kiện của Đức để họ chấp nhận việc trong tương lai các ngân hàng yếu kém trong khu vực Eurozone được tiếp cận trực tiếp quỹ cứu trợ thường trực (ESM). Mười nước nằm ngoài Eurozone đều có quyền phủ quyết kế hoạch liên minh ngân hàng, vì các kế hoạch này đòi hỏi phải có sự nhất trí của các bộ trưởng trong Hội đồng EU để được thông qua. Một số nhà ngoại giao cho biết không nước nào thực sự muốn sử dụng tới quyền phủ quyết này, vì họ không muốn phá hỏng các biện pháp có thể giúp bình ổn khu vục sử dụng đồng tiền chung. Song những lo ngại chủ yếu về vấn đề thể chế vẫn tồn tại và sẽ phải được đưa ra cân nhắc vào phút chót. Sự khác biệt về phạm vi tham gia giữa các ngân hàng bên trong và bên ngoài Eurozone hiện là vấn đề gai góc chính.

Đối với các nước Trung và Đông Âu – nơi 65% khu vực ngân hàng nằm dưới sự điều hành của các ngân hàng Áo, Đức, Pháp và I-ta-li-a – mối lo ngại chính là động thái này sẽ tạo sự cạnh tranh không cân bằng giữa các ngân hàng lớn và các ngân hàng địa phương. Một vấn đề nữa là các nước ngoài Eurozone có thể lựa chọn tham gia liên minh ngân hàng này, nhưng sẽ không có tiếng nói trong hội đồng điều hành của ECB – vốn chỉ bao gồm các thành viên Eurozone. Các quyết định của hội đồng nhằm bình ổn giá trị đồng euro – chẳng hạn như rút vốn từ các công ty con ở đông Âu để tăng cường cho ngân khố trong nước – có thể sẽ tác động tiêu cực tới các nước nằm ngoài Eurozone.

Những câu hỏi về cái đích của tất cả những động thái hợp nhất chặt chẽ hơn của Eurozone cũng được nêu ra. Cuộc tranh luận về việc có một nghị viện – hoặc một ủy ban đặc biệt trong Nghị viện châu Âu – chỉ dành riêng cho Eurozone đang được theo dõi với sự lo ngại sâu sắc của những nước nằm ngoài khu vực này, vì điều đó sẽ củng cố cho một châu Âu hai tốc độ vốn đang trên đường hình thành.

Đối với Anh, việc có một Eurozone mạnh và hợp nhất hơn cũng là một vấn đề khi đề cập đến nguyên tắc ngân hàng hoặc cán cân quyền lực trong Cơ quan Ngân hàng châu Âu – có trụ sở tại Luân-đôn và tập hợp 27 chuyên gia giám sát ngân hàng của tất cả 27 nước thành viên EU. Mặc dù Anh nằm ngoài Eurozone và sẽ không tham gia kế hoạch này, nhưng nhiều ngân hàng quốc tế tại Luân-đôn có những hoạt động tại Eurozone và sẽ bị ảnh hưởng bởi quyền giám sát mới của ECB. Luân-đôn cũng quan ngại rằng, ECB tự tin trước quyền lực mới, sẽ có quy định có thể làm xói mòn vị thế của Luân-đôn như thủ đô tài chính của châu Âu. Khi nhấn mạnh sự nhạy cảm của vấn đề này, EC đã đề xuất việc thành lập một cơ chế bỏ phiếu đặc biệt giữa tất cả các cơ quan quản lý EU làm đối trọng với quyền lực của các cơ quan này tại Eurozone.

Một liên minh ngân hàng được thành lập theo ba bước: ECB nắm quyền giám sát tất cả các ngân hàng thuộc Eurozone và EU đồng ý chịu sự giám sát; thành lập một quỹ để đóng cửa những ngân hàng gặp khó khăn; và một kế hoạch toàn diện để bảo vệ khoản tiền gửi của người dân khắp Eurozone.Việc thành lập một cơ cấu chung để xử lý các ngân hàng gặp khó khăn sẽ đánh dấu sự chấm dứt cách tiếp cận lộn xộn trước đây của 17 thành viên Eurozone, đã khiến các nhà đầu tư thất vọng và làm tăng chi phí đi vay của những nước yếu hơn. Việc trao quyền giám sát cho ECB cũng mở ra khả năng Cơ chế Bình ổn châu Âu (EMS) hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng.

Theo các điều khoản của đề xuất trên, ECB sẽ đứng đầu hệ thống các cơ quan quản lý quốc gia hiện manh mún, với quyền kiểm soát, xử phạt và đóng cửa các ngân hàng tại khu vực Eurozone. ECB cũng có quyền giám sát chặt chẽ tính thanh khoản của các ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng dự trữ thêm vốn để tự bảo vệ trước những thua lỗ tương lai. Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone đang phản đối việc để ECB giám sát tất cả các ngân hàng thuộc Eurozone. Béc-lin (Berlin) cho rằng, ECB sẽ bị quá tải nếu phải giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng của Eurozone. Nhưng các quan chức EC cho rằng, ngay cả các ngân hàng nhỏ cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và EC có kế hoạch chia việc giám sát này theo giai đoạn để ECB có khả năng giám sát tất cả các ngân hàng.

Theo dự kiến, cơ chế giám sát mới của ECB sẽ được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thông qua từ nay đến cuối năm 2012, và chính thức được áp dụng từ năm 2013./.