Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 5
Đến 4 giờ ngày 18-8, vị trí trung tâm vùng tâm áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông; trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km, suy yếu và tan dần.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 19 giờ ngày 18-8, bão số 5 đã làm 28 người bị chết, mất tích và bị thương, trong đó có 10 người chết (Yên Bái: 3, Sơn La: 2, Bắc Giang: 2, Bắc Ninh: 1, Hà Nội: 1, Vĩnh Phúc: 1); 3 người mất tích (Vĩnh Phúc: 1, Hà Nội: 1, Yên Bái: 1) và 9 người bị thương (Yên Bái: 6, Hà Nội: 2, Vĩnh Phúc: 1).
Bão số 5 cũng làm sập 139 ngôi nhà (Yên Bái: 129, Hà Giang: 5, Thái Nguyên: 03, Lào Cai: 01, Quảng Ninh: 01); hư hỏng và tốc mái hơn 5.000 ngôi nhà (Yên Bái: 5.631, Thái Nguyên: 79, Hà Giang: 52, Bắc Kạn: 23, Quảng Ninh: 21, Lào Cai: 14, Hà Nội: 10, Phú Thọ: 10, Hải Phòng: 1 trạm thu phát truyền hình); chìm một phương tiện (Quảng Ninh); hỏng 02 phương tiện (Quảng Ninh); ngập úng, hư hỏng gần 1.500 ha lúa và hoa màu.
* Tại Hà Nội, theo thông tin từ Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đợt mưa to và gió mạnh do ảnh hưởng của bão số 5 chiều tối 17-8 đã làm 160 cây cổ thụ ven đường bị đổ.
Ngay trong chiều ngày 17-8, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty công viên cây xanh Hà Nội huy động trên 500 công nhân viên và phương tiện khẩn trương cắt dọn cây xanh bị đổ để đảm bảo giao thông. Đến 5h sáng 18-8, hầu hết các tuyến đường nội thành Hà Nội bị ách tắc do cây đổ chiều qua như đường Lý Thường Kiệt, Lò Đúc, Tràng Thi, Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Gà, Hàng Chiếu… đã thông trở lại. Sáng 18-8, nhân viên công ty môi trường đô thị tiếp tục quét dọn, làm vệ sinh đường phố.
Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ những cây có khả năng gãy đổ để xử lý.
* Tại Hải Phòng, theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng: Trận mưa tối 17-8 tuy lớn nhưng trên toàn thành phố không có thiệt hại về người. Tài sản của nhân dân từ tàu thuyền neo đậu, nhà cửa và hoa màu cơ bản không có thiệt hại nào đáng kể. Bão chỉ gây ngập úng tại một số khu vực trũng và gãy đổ một số cây xanh.
Ban chỉ huy Phòng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: “Theo báo cáo, bão số 5 không gây ra thiệt hại trên địa bàn thành phố. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương đang tích cực phòng chống úng và chủ động mở cống thoát nước và bộ phận chống ngập úng luôn thường trực trong ngày 18 và 19-8. Đặc biệt, sau khi bão tan thì hoàn lưu bão rất có thể xảy ra, nên chúng tôi vẫn tiếp tục trực và ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương vẫn phải trực ban để sẵn sàng khắc phục sự cố”.
Tại huyện đảo Cát Hải, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, sáng 18-8 vẫn có mưa nhỏ, tuy nhiên cuộc sống của người dân huyện đảo đã dần trở lại nhịp độ bình thường và cũng không có thiệt hại nào đáng kể.
* Tại tỉnh Quảng Ninh, bão số 5 đổ bộ vào đã gây nên mưa lớn kéo dài suốt đêm 17-8. Tại Móng Cái, lượng mưa đo được ước khoảng 158 mm, tại Uông Bí 124mm, Hải Hà 82,7mm, Cửa Ông 82,5mm... Hiện nay, lũ trên các sông: Ka Long, Tiên Yên, Hà Cối, Phố Cũ đang lên tương đối lớn. Theo cảnh báo của ngành chức năng, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Bão số 5 không gây thiệt hại về người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các sự cố đã được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xử lý. Khu vực cảng Vạn Gia (Móng Cái) có 23 bè nuôi trồng thủy sản bị đứt dây trôi ra phía biển, trên các bè có 41 người. Ngay sau đó đã được lực lượng bộ đội biên phòng đưa và bờ an toàn.
Tại xã Vĩnh Thực có 1 tàu cá đứt neo trôi ra phía biển, những ngư dân trên tàu được cứu an toàn. 23 hộ dân tại các xã Bắc Sơn, Hải Đông nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đã được di chuyển vào nơi an toàn.
Tại thành phố Hạ Long, vào lúc 23h ngày 17-8, một thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu tại tại Cảng Mới, phường Bạch Đằng bị đứt neo trôi ra biển, trên tàu có 4 ngư dân đã được công an đường thủy đưa vào bờ an toàn. Bão số 5 đã làm đổ khoảng 30ha mía, 30ha ngô, 5ha keo cùng cây ăn quả và làm tốc mái một số nhà trên địa bàn huyện Hải Hà.
Các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, xâm nhập mặn như các tuyến đê Xuyên Hùng, Đài Chuối, Hà Nứa, Tân Phong; khu vực dễ sạt lở đất cầu Vân Đồn, khu vực Chùa Cái Bầu... đã thực hiện các phương án phòng ngừa, chủ động xử lý kịp thời.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè, chuẩn bị các phương án chống sạt lở, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các khu du lịch, các khách sạn, khuyến cáo và chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời để xử lý các tình huống xấu. Tới nay, toàn bộ các khu du lịch như Bãi Cháy, Vân Đồn, Cô Tô… các du khách được đảm bảo an toàn.
* Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm qua đến sáng nay (18-8), trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được khoảng hơn 100mm.
Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ rạng sáng 17-8 đến 16 giờ chiều 18-8, địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to, rất to kèm theo gió lốc trên diện rộng gây thiệt hại nặng ở nhiều huyện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lốc đã làm gần 240 căn nhà, công trình phụ, phòng học, nhà văn hóa bị sập đổ và tốc mái; hơn 1.100ha lúa, hoa màu bị ngập úng; 72 ha diện tích thủy sản bị tràn vỡ; 1.890m kênh mương, đường giao thông bị sạt lở. Ngoài ra, mưa lốc còn làm đổ gãy 39 cột điện hạ thế; gần 1.000 cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 1.275m tường rào bị đổ...
Tại thành phố Việt Trì, giông, lốc đã làm hơn 300 cây đô thị dọc các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đường vành đai công viên Văn Lang… và hơn 50 biển quảng cáo dọc các tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú, Hòa Phong… bị gãy, đổ. Mưa lớn cũng đã làm gập cục bộ trên đường đại lộ Hùng Vương (đoạn khu trung tâm thể thao tỉnh Phú Thọ) và phường Vân Phú, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này... Ước tính, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các huyện, thị đã có mặt tại hiện trường để thăm hỏi, động viên các gia đình bị sập, đổ, tốc mái có hoàn cảnh khó khăn; chỉ đạo chính quyền các xã tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trước mắt, các địa phương phải tập trung dựng, sửa chữa lại những ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã vận hành hết công suất các trạm bơm để tiêu úng, đảm bảo đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra.
* Tại Vĩnh Phúc , sáng 18-8, lũ trên thượng nguồn đổ về sông Phó Đáy tỉnh, mực nước đã lên mức trên báo động 3. Nước lớn làm ngập toàn bộ diện tích hoa màu ven sông và ngập nhiều diện tích lúa tại các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Vĩnh Lạc…
Nước lũ còn làm ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên đi Tân Trào, Tuyên Quang, đặc biệt đoạn qua huyện Lập Thạch ngập sâu, các phương tiện không đi qua được. Hiện lực lượng chức năng đã bố trí chốt chặn 2 đầu để hướng dẫn xe quay đầu đề phòng nguy hiểm.
Ngay trong sáng nay, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Lập Thạch, Tam Đảo để đốc thúc công tác chuẩn bị sơ tán dân, đề phòng tình huống xấu xảy ra.
* Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu của cơn bão số 5, địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra mưa kèm theo gió lốc đã làm tốc mái trên 70 nhà và 4 phòng học. Trong đó, huyện Chợ Mới có 40 căn nhà, 4 phòng học bị tốc mái hoàn toàn. Huyện Ngân Sơn có 4 căn nhà bị tốc mái; 01 nhà sạt taluy dương; huyện Ba Bể 2 nhà ở điểm có nguy cơ sạt lở cao; thị xã Bắc Kạn có 1 nhà bị tốc mái; huyện Bạch Thông có 24 nhà bị tốc mái.
Đến nay, các hộ có nguy cơ bị sạt lở nhà đang được tổ chức di dời tới nơi an toàn. 4 phòng học đã được UBND huyện Chợ Mới khắc phục ngay sáng 18-8. Những hư hỏng về nhà cửa đang được chính quyền và nhân dân tổ chức tự khắc phục theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Do vẫn còn mưa to, những nhà cửa bị tốc mái chưa thể khắc phục được. Các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo, tổ chức giúp đỡ người dân khắc phục. Những hộ dân bị tốc mái được di chuyển đến ở nhờ những nhà khác và được cung cấp lều bạt để tạm trú.
* Trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa lớn, gây ngập úng trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ và lũ quét tại một số địa phương khác. Thiệt hại ước tính đến 18h ngày 18-8 khoảng 5 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, tại thành phố Điện Biên Phủ, tuyến dọc từ khu vực Bảo tàng tỉnh đến khu vực bản Hồng Líu, các khu dân cư 23, 24, 25,26 phường Mường Thanh đã bị nước suối dâng lên, tràn vào nhà của 120 hộ dân khoảng 30 - 40cm. Cầu treo Huổi Meo thuộc tổ dân phố số 4 phường Noong Bua bị lũ cuốn trôi. Một ao cá khoảng 200 m2 tại bản Kê Lênh, xã Tả Lènh bị vỡ. Tại huyện Điện Biên, khoảng 50 ha lúa tại các xã Thanh Hưng, Thanh An, Noong Hẹt... bị ngập úng. Hai ngầm tạm thuộc tuyến đường đi xã Núa Ngam và xã Mường Nhà đã bị trôi. Tuyến Quốc lộ 279 từ trung tâm tỉnh lỵ lên Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, đoạn đi qua xã Sam Mứn, có thời điểm nước ngập lên tới 40- 50cm trên đoạn đường dài tới 150- 200m, xuất hiện nhiều điểm sạt lở cục bộ...
Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên đã đã điều động 70 chiến sĩ kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ địa phương hỗ trợ các gia đình bị ngập úng để di dời tài sản, sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm, nạo vét bùn đất ra khỏi nhà khi nước rút. UBND thành phố Điện Biên Phủ đã cử cán bộ xuống địa bàn nắm bắt tình hình, giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Hai ngầm bị trôi chưa thể khắc phục do nước lũ vẫn đang dâng cao.
* Tại tỉnh Sơn La, suốt từ tối qua đến chiều nay (18-8) đã xảy ra mưa vừa và mưa to, làm mực nước các sông, suối trên địa bàn tăng lên nhanh.
Riêng suối Nậm La ở thành phố Sơn La đến 17h chiều 18-8, lũ đã ở mức báo động cấp 3, nếu tối và đêm 18-8 trời vẫn mưa liên tục, có thể nước sẽ dâng đến mức báo động cấp đặc biệt. Cho đến giờ phút này, vẫn chưa có thống kê cụ thể thiệt hại về hoa màu nhưng ước tính có hàng trăm héc ta hoa màu bị ngập úng.
Tại thành phố Sơn La, mưa lớn đã làm gãy, đổ 40 cây xanh trên các tuyến đường của trung tâm thành phố; nhiều cột đèn trang trí, chậu hoa cây cảnh bị đổ vỡ. Tại Bản Hẹo, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, mưa to gió lớn đã làm đứt dây điện, làm chết 2 người.
Do mưa to kéo dài đã gây sạt lở, ắch tắc nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Sơn La, tập trung trên các tuyến quốc lộ 4G, quốc lộ 37, quốc lộ 6. Đặc biệt, tại quốc lộ 37 thuộc địa bàn huyện Phù Yên có tới 7 điểm sạt lở lớn. Tổng khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 5.000m3.
Ngay sau khi có sạt lở, ắch tắc xảy ra các đơn vị chức năng đã khẩn trương huy động phương tiện, máy móc phục vụ việc thông tuyến. Tuy nhiên, do mưa kéo dài nên tại nhiều tuyến đường, đất đá, sa bồi vẫn tiếp tục sạt lở gây khó khăn cho việc khắc phục.
Hiện nay, phức tạp nhất là trên tuyến quốc lộ 37, thuộc địa bàn huyện Bắc Yên, vẫn còn tới 5 điểm do sạt lở với khối lượng cao nên việc khắc phục để thông tuyến chưa thể thực hiện được. Các đơn vị quản lý đường bộ vẫn đang tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để đảm bảo thông xe bước 1 trong thời gian sớm nhất.
* Tại tỉnh Hà Giang, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo lực lượng ứng trực suốt ngày đêm; Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động đề phòng mưa lớn có thể xảy ra sau bão số 5.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 5, trong một vài ngày nữa các địa phương ở khu vực Tây Bắc tiếp tục có mưa vừa và mưa to. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, các cấp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tiếp tục di dời các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đất.
Đặc biệt, bà con nhân dân không được đi vớt củi hay đi làm qua các sông suối, tránh xa các cột điện, trạm biến thế để tránh xẩy ra các tai nạn đáng tiếc do bị điện giật, hay lũ cuốn trôi khi đi qua sông suối như các trường hợp vừa qua.
* Tại Lai Châu, trước diễn biến của cơn bão số 5, nhằm đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn, Công ty viễn thông Lai Châu đã tập trung kiểm tra các trạm phát sóng.
Công ty đã di dời các trạm BTS ra khỏi các khu vực sạt lở; tăng cường kiểm soát các tuyến cáp, tuyến cột treo cáp tại các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét.
Tại các huyện khó khăn như Mường Tè và Sìn Hồ, công ty đã bố trí nhân lực ứng trực 24/24h đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp.
* Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ tối ngày 17 đến chiều tối 18-8, địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra mưa to, gây ra lũ lớn gây thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu của người dân, cuốn trôi một số cây cây tạm bắc qua suối và làm ách tắc giao thông ở một số tuyến đường.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, thiệt hại nặng nhất là huyện Hàm Yên, 32 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái, 3 cột điện bị gẫy đổ, 1 nhà văn hóa thôn và 1 phòng học bị sập đổ. Mưa to, gió lớn còn làm hàng chục ha lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng; 25 hộ dân sống ở ven suối xã Kháng Nhật và Sơn Nam (huyện Sơn Dương) phải sơ tán khẩn cấp, do có nguy cơ bị sạt lở, nước cuốn trôi…
Sáng 18-8, lãnh đạo các địa phương đã trực tiếp tới những nơi bị thiệt hại kiểm tra tình hình thiệt hại, động viên và giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát và di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, lũ quét đến nơi an toàn; chủ động tiêu nước úng ngập lúa và hoa màu ở những vùng trũng thấp. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hướng dẫn các địa phương chủ động đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Trung tâm Khí tượng, Thủy văn tỉnh Tuyên Quang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thông báo kịp thời về tình hình mưa lũ để các địa phương biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống có hiệu quả. Hiện nay, tại Tuyên Quang, trời vẫn âm u và có mưa rải rác.
* Tại Yên Bái, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, liên tục trong các ngày 16, 17, 18-8, địa bàn tỉnh Yên Bái đều có mưa to kèm theo gió lốc gây thiệt nại nặng nề về tài sản. 10 người bị thương phải cấp cứu tại các bệnh viện; 142 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn khiến các hộ này phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất"; 5764 nhà bị hư hại, hàng chục cột điện, hàng trăm cây xanh ven đường bị đổ gãy...thiệt hại ước tính lên tới 13 tỷ đồng.
Nhận được tin báo của các địa phương, lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các huyện thị đã xuống hiện trường nắm bắt tình hình, tặng quà và hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình bị hại. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả của thiên tai và có phương án đề phòng trước diễn biến khó lường của thời tiết. Tính đến 19 giờ ngày 18-8, hầu hết các hộ có nhà bị sập đổ đã được lực lượng cứu hộ và nhân dân giúp sức vận chuyển tài sản và bố trí ở tạm tại các nhà dân lân cận. Các hộ có nhà bị hư hại về cơ bản đã được nhân dân hỗ trợ tu sửa tạm thời để đảm bảo không bị gió lùa, mưa dột... Một số tuyến đường trọng yếu như tỉnh lộ từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu do bị sạt lở lớn gây ách tắc giao thông hoàn toàn khiến huyện Trạm Tấu bị cô lập hiện cũng đang được các lực lượng cứu hộ và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả để sớm giải tỏa ách tắc giao thông. Riêng quốc lộ 32, đoạn từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải có sạt lở đất, đá to từ trên đồi cao lăn xuống làm ách tắc giao thông cục bộ nhưng hiện đã thông xe tạm thời.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai và theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để làm tốt công tác chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai. Riêng đối với các hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm, tỉnh yêu cầu địa phương khẩn trương di dời đến nơi ở an toàn, thậm chí khi cần thiết các phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân..../.
Tuyên dương 20 thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác  (19/08/2012)
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ 4  (19/08/2012)
Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  (19/08/2012)
Họp Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Nam Phi – Việt Nam  (19/08/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên