TCCSĐT - Sáng 18-7-2012, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tổ chức họp báo công bố Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 và Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2010.

Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan trung ương, 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 37 dự án đầu tư xây dựng, 9 chương trình mục tiêu quốc gia, 27 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức lập Báo cáo Kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác theo quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước

Trong năm 2010, nhìn chung các doanh nghiệp đã quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn tuân thủ các quy định của nhà nước và phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tuy nhiên, công tác quản lý tài chính tại nhiều  doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, như: tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn; việc xác định, kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên, nhiên vật liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác, nhất là các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, xây dựng; dự trữ hàng tồn kho vượt nhu cầu.

Đáng chú ý là, theo kết quả kiểm toán, 11/21 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao, nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính; có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích, dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. Một số doanh nghiệp quản lý chi phí chưa tốt, vượt định mức, chi khuyến mãi, tuyên truyền quảng cáo và hỗ trợ vận chuyển lớn trong khi hiệu quả đạt được chưa rõ ràng, có xu hướng giảm; xây dựng kế hoạch tiền lương chưa phù hợp, chưa gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh; quá trình phân phối thu nhập chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các đơn vị thành viên.

Về thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp đã hạch toán, kê khai thuế và các khoản phải nộp theo quy định. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước chưa đầy đủ. Trong công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, do thị trường vốn suy thoái và một số nguyên nhân khách quan khác nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp của một số tập đoàn và tổng công ty chưa đạt được kế hoạch đề ra, một số đơn vị phải tạm chuyển đổi sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để hoạt động phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Về hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng

Nhìn chung các đơn vị được kiểm toán hoạt động kinh doanh bảo đảm các chỉ tiêu hoạt động, an toàn sử dụng vốn và lợi nhuận theo Thông tư số 49/2001/TT-BTC ngày 3-6-2011 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại trong nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu theo quy định của ngân hàng nhà nước, như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay thương mại ngoài các chương trình được Nhà nước cho phép, kết quả kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng và tăng so với năm trước; Công ty TNHH một thành viên mua bán nợ Việt Nam (DATC) không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng, nhiệm vụ, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn, hoạt động mua bán nợ, tiếp nhận bàn giao còn một số hạn chế...

Về hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên doanh liên kết, kết quả kiểm toán cho thấy hiệu quả một số khoản đầu tư còn thấp. Năm 2010, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tăng các khoản đầu tư chứng khoán tại các tổ chức tín dụng, tổng công ty; VDB góp vốn cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam vay tiềm ẩn nhiều rủi ro; DATC gửi tiền tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam không đúng quy định, dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn.

Về quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn, nhìn chung các đơn vị đã tuân thủ các quy định hiện hành về kiểm kê, đối chiếu và bảo đảm an toàn kho quỹ. Các đơn vị được kiểm toán quản lý thu nhập và chi phí tương đối chặt chẽ. Báo cáo tài chính của các đơn vị được kiểm toán phản ánh trung thực tình hình tài chính và hoạt động. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, năm 2010, Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng thuộc chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay sai đối tượng, ủy thác cho các tổ chức xã hội thực hiện cho vay nhưng chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm khi có sai sót; tỷ lệ nợ xấu của VDB cao, khả năng thu hồi nợ khó, nợ đến hạn ngày càng gia tăng.../.