Thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quốc gia nên hay không?

TS. Đặng Huỳnh Mai Nhà giáo nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
19:41, ngày 17-07-2012
TCCSĐT - Muốn “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cần phải dựa trên triết lý, mục tiêu của nền giáo dục nước nhà, từ đó mới có thể tìm ra những giải pháp tốt nhất để thực hiện. Thi hay không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) của tác giả là một hướng tiếp cận về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục rất đáng tham khảo.

Thử tìm lại Triết lý Giáo dục Việt Nam

Để có thể giải quyết thấu đáo vấn đề nên hay không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp PTTH cấp quốc gia, thiết nghĩ thay vì sử dụng các giải pháp tình thế kiểu “chữa cháy” thường gặp, chúng ta cần căn cứ vào những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc gắn liền với những đặc điểm và tính mục đích của nền giáo dục Việt Nam.

Khi nghiên cứu Hồ Chí Minh Toàn tập, nhận thấy toàn bộ tư tưởng của Bác về giáo dục đã toát lên nội dung cơ bản của hệ thống triết lý giáo dục Việt Nam. Đặc biệt, khi Bác đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9-1949 (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Người đã ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Mấy dòng cương lĩnh đó đã bao quát về mục đích, yêu cầu của một nền giáo dục toàn diện, có thể coi là sự cô đúc triết lý giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Điều 30 Hiến Pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đã nêu: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân.

Luật Giáo dục 2005 quy định: Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua tìm hiểu từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến Hiến pháp và Luật Giáo dục nước nhà,  đã cho chúng ta một hệ thống triết lý khoa học và hiện đại về giáo dục – đào tạo Việt Nam với những điểm nhấn như sau:

Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục phụng sự Tổ quốc, nhân dân và nhân loại. Với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị nền văn hiến của các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục nhân văn, toàn diện, đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ (có thể bao gồm cán bộ, công chức, viên chức).

Điểm lại tình hình thi tốt nghiệp PTTH

Trước năm 1975, giáo dục Việt Nam gần như theo hệ thống giáo dục của Liên Xô (cũ), mặt khác do tính chất cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc dạy học và giáo dục học sinh tốt nghiệp THPT với mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực bổ sung cho tiền tuyến và xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa rất rõ ràng và cụ thể. Những người được đào tạo Sư phạm hệ trung cấp hệ 7+3 và đại học 12+3 vào chiến trường miền Nam đều được mọi người tin tưởng, quý trọng.

Trong khi đó, trước ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giáo dục ở nửa nước phía Nam đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vào năm 1962; bỏ kỳ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở  (thời đấy gọi là kỳ thi tốt nghiệp Đệ nhất cấp) vào năm 1968; bỏ kỳ thi tú tài phần I (hết lớp 11) vào năm 1973. Và kỳ thi tú tài II đổi thành tú tài toàn phần vào năm 1974. Đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tổ chức kỳ thi tú tài với hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn học, trừ các môn Nhạc, Họa, Thể dục, Nữ công gia chánh được chọn là môn thi nhiệm ý (nghĩa là thí sinh được cộng vào điểm thi tốt nghiệp phần trên trung bình. Ví dụ như học sinh chọn môn nhiệm ý là Thể dục, nếu thi được 17/20 điểm thì được cộng vào tổng điểm thi tốt nghiệp là 7 điểm). Kỳ thi tú tài được tổ chức thành 2 lần. Lần thứ nhất gần như tốt nghiệp trên dưới 30% , tổng cả 2 kỳ đỗ thường đạt trên dưới 70% (trừ năm 1974 có tỉ lệ rất cao, trên 60% ở kỳ thứ nhất). Vấn đề cơ bản ở đây là học sinh tốt nghiệp kỳ thứ nhất rất dễ dàng nộp hồ sơ thi vào đại học, học sinh tốt nghiệp kỳ thứ hai không đủ thời gian để chuẩn bị cho việc nộp đơn dự thi vào các trường đại học danh giá, nên chỉ có thể vào đại học ghi danh mà thôi. Nhìn chung học sinh tốt nghiệp tú tài, có thêm bằng thư ký đánh máy cấp tốc là có thể xin vào làm việc ở văn phòng. Số học sinh không đỗ tú tài thì cầm giấy chứng nhận hết lớp 12 do hiệu trưởng ký thì xin việc làm ở bất cứ nơi nào cũng được chấp nhận.

Cũng cần tham khảo giáo dục trung học của nước Pháp, nhiều năm trước đây do yêu cầu của việc cấp bằng tốt nghiệp tú tài phải qua lựa chọn rất chặt chẽ. Vì vậy, học sinh muốn học đại học sau khi đã tốt nghiệp tú tài chỉ cần ghi danh. Đến những năm 1980-1990, Tổng thống Cộng hòa Pháp lại cho rằng việc có tấm bằng tốt nghiệp tú tài phải phổ biến cho nhân dân. Chính phủ công khai yêu cầu Giáo dục phải bảo đảm 80% thí sinh thi có được bằng tú tài. Song việc vào đại học vẫn ghi danh trên nền tú tài được mở rộng này đã khiến tỉ lệ trượt của sinh viên trong hai năm đầu ở trường đại học lên đến 70%. Các nhà giáo dục Pháp cho rằng sinh viên phải bỏ chi phí học đại học hai năm đầu với chất lượng thấp như thế là lãng phí, nên cho đến giờ vẫn đang kiến nghị vào đại học phải thi(1).

Năm 2012 ở nước ta tỷ lệ tốt nghiệp THPT có nhiều tỉnh, thành phố đạt trên 90%, đặc biệt biệt có một số trường đạt tỉ lệ 100%. Con số này đã làm dư luận xã hội xôn xao và cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm. Ở những nơi có tỷ lệ tốt nghiệp là ảo, chắc chắn lương tâm đội ngũ nhà giáo chân chính nơi đó rất ưu tư, trăn trở và thất vọng. Ngược lại, có nhiều trường học, thậm chí không phải thuộc vùng thuận lợi nhưng đội ngũ giáo viên tâm huyết, chăm chút cho việc dạy và học. Nhiều thầy, cô giáo ở những trường này đã dành cả tiền lương của mình hoặc vận động xã hội hỗ trợ để đưa học sinh yếu kém vào ăn ở nội trú, ngày đêm ôn luyện cùng với học trò của mình mong dành được kết quả mỹ mãn trong kỳ thi. Công tâm mà  nói, trên đất nước chúng ta có khá nhiều trường đã từng làm như thế. Chẳng hạn ở trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau), THPT Trà Ôn (Vĩnh Long), Dân tộc nội trú Kỳ Sơn (Nghệ An) và ở Cao Bằng... Những trường học làm được điều này thật đáng biểu dương, vì nó đã mang lại niềm tin cho các em học sinh và toàn xã hội, cũng là niềm tự hào chính đáng của địa phương và của ngành giáo dục.

Vấn đề đặt ra cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia?

Mới đây, sau khi công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012, có rất nhiều ý kiến bàn về “nên hay không nên” tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia. Trong đó, có nhiều quan điểm cho rằng “Nên giao hẳn kỳ thi này về cho ngành giáo dục địa phương, mặc dù giao vẫn có thể sẽ cho kết quả không thực chất, còn hơn là giữ lại một kỳ thi quốc gia mà kết quả đem lại kém trung thực, sẽ làm cho cả xã hội rơi vào lo lắng, căng thẳng và quá tốn kém thì có lẽ… cũng không cần thiết”. Một số ý kiến khác xoay quanh ý tưởng, tỷ lệ tốt nghiệp cao tới hơn 90%, thậm chí 100% thì có cần thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp ở cấp quốc gia nữa hay không?.

Nếu không tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia tức là đồng nghĩa với việc đổi mới công tác quản lý, củng cố chất lượng dạy và học từ lớp 1 đến lớp 12 bao gồm:

1. Xây dựng một bộ giáo khoa chuẩn do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ấn hành và nhiều sách tham khảo chuyên sâu do những người tâm huyết và đầy trách nhiệm với nền giáo dục Việt Nam viết bảo đảm tính mục tiêu và triết lý giáo dục Việt Nam. Chỉ như vậy, khi giảng một bài, người giáo viên mới có thể tham khảo được nhiều nội dung và phương pháp giảng dạy phong phú, việc dạy và học sẽ không bị gò bó bởi một nội dung duy nhất. Tuyệt đối không chấp nhận loại sách dạy học sinh thiếu tính nhân văn như: có 10 ngón tay đứt mất 2 ngón còn mấy ngón?...

2. Đổi mới công tác quản lý ra đề thi. Giáo viên được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng dạy, kể cả phân phối chương trình tuần, tháng và học kỳ sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình, sao cho đến cuối năm học, học sinh đạt yêu cầu cơ bản do Bộ quy định. Đề kiểm tra cuối mỗi năm học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai cả hình thức lẫn nội dung (dạng mẫu) để mang tính hệ thống và đồng chuẩn. Giáo viên có thể tự học tập cách ra đề dựa trên mẫu (có thể hiểu mẫu ở đây chính là yêu cầu về kiến thức và kỹ năng chuẩn). Lãnh đạo nhà trường dựa trên mẫu chuẩn có thể vừa ra đề kiểm tra đồng thời vừa đánh giá năng lực giáo viên của mình. Phòng giáo dục ra đề kiểm tra cuối mỗi năm học đối với tiểu học và trung học cơ sở. Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra cuối năm đối với THPT và giáo dục thường xuyên. Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi hoặc đề kiểm tra cuối lớp 12, ngoài ra Bộ cũng có thể ra đề để kiểm tra ở tất cả các khối lớp khi cần thiết để vừa thanh tra vừa chỉ đạo...

3. Giấy chứng nhận Tốt nghiệp THPT do Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký. Người có Chứng nhận tốt nghiệp THPT chỉ cần có chứng chỉ hoặc bằng  đào tạo nghề là được tuyển dụng làm lao động phổ thông theo nhu cầu cơ cấu lao động của người sử dụng.

4. Phân luồng sau trung học cơ sở. Học sinh học hết lớp 9 được học trung học chuyên nghiệp hệ 3 năm. Các trường thực hiện chương trình này được nhận kinh phí từ ngân sách chi cho giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên như các trung tâm giáo dục thường xuyên của ngành giáo dục. Học sinh được nhận học bổng trong thời gian học chương trình 9+3, 10+2 và 11+1 năm như học sinh dân tộc nội trú. Có được như thế thì sự phân luồng mới thực chất và khắc phục được tình trạng nhiều năm qua triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách này có thể xem như một sự kích cầu về chất lượng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thực hiện song song với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.

5. Tuyển sinh đại học. Học sinh được chứng nhận tốt nghiệp THPT đạt từ trung bình trở lên là có thể nộp đơn thi vào đại học, vì đây chính là quyền được học của mọi công dân trẻ. Các trường đại học danh tiếng, các lớp yêu cầu chất lượng cao, các lớp tuyển theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Nhà nước có thề yêu cầu học sinh có chứng nhận tốt nghiệp THPT đạt từ loại khá trở lên hoặc chỉ cần loại giỏi. Sẽ có một số trường đại học cho học sinh đăng ký dự tuyển, thời gian học không hạn chế chỉ có trong vòng 4 hoặc 5 năm, miễn sao sinh viên đạt yêu cầu theo đúng qui định là được tốt nghiệp. Làm được điều này sẽ hạn chế được tình trạng toàn dân thi vào đại học và cũng tạo điều kiện cho những người có ý chí, quyết tâm phấn đấu đều có thể học lên đại học. Đây cũng là hình thức quản chặt chất lượng đào tạo.

Có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả ấy tuyển sinh vào đại học? Có 3 lý do để thấy rằng ở Việt Nam chúng ta chưa thể làm được điều này:

Thứ nhất, kết quả tốt nghiệp THPT hoàn toàn không đồng đều giữa các vùng miền, thậm chí giữa các trường. Đất nước ta vừa dài lại đông dân với nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh không đều nên việc kiểm soát để bảo đảm tính công bằng cho tuyển sinh đại học là điều không dễ. Mặt khác, đâu đâu cũng muốn con em mình được vào đại học nhiều hơn, trong khi khung pháp lý để kiểm tra, kiểm soát là chưa đủ sức đáp ứng trong những năm sắp đến.

Thứ hai, nếu để các trường đại học tự chịu trách nhiệm tuyển đầu vào cho mình, chắc sẽ tuyển được học sinh yêu nghề và mặt bằng chuyên môn ban đầu cũng sẽ cao hơn. Ví dụ như khi tuyển vào sư phạm, người ta rút thăm 1 bài dạy và yêu cầu nếu anh (chị) là Giáo viên thì sẽ dạy bài này như thế nào?. Môn Kỹ năng sư phạm có điểm với hệ số cao ở đầu vào sẽ dễ đào tạo sinh viên thành giáo viên dạy tốt.

Thứ ba, trong khi xã hội đang còn có nhiều băn khoăn về một chất lượng tốt nghiệp THPT cấp quốc gia thì không nên sử dụng kết quả thi này để tuyển học sinh vào các trường đại học.

Ngoài ra, quan điểm trọng dụng tài năng không hoàn toàn dựa trên bằng cấp cũng cần được quan tâm cải tiến trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực cùng với tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Chỉ có như thế thì bằng cấp giả sẽ dần dần không còn đất để tồn tại, Nhà nước cũng không phải mất quá nhiều thời gian và tài chính để giải quyết và xử lý. Đất nước chúng ta đã có truyền thống rất tốt đẹp là “Tôn hiền”, “Cử hiền”. Những tài, đức lớn như Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Phan Bội Châu... là những người đã từng không đậu hoặc đậu không cao ở trường thi, Tú Xương, “Tám khoa thi không khỏi phạm trường quy”...

Nếu năm học 2012 – 2013 vẫn tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp PTTH cấp quốc gia như từ trước đến nay, thì có lẽ đã đến lúc nên phân cấp cho Giám đốc các Sở Giáo dục và đào tạo trực tiếp chỉ đạo, tổ chức coi thi theo từng cụm hoặc từng trường. Và sử dụng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tại địa phương để coi thi thay vì chọn phương thức đảo địa bàn giáo viên coi thi như hiện nay rất tốn kém. Tổ chức một Hội đồng chấm thi phải để giáo viên chấm chuẩn và đồng đều, theo đúng quy trình thống nhất chỉ đạo của Bộ./.



(1)  Theo Ngọc Hà (TTO)