Tranh thủ và cân bằng

Quách Quỳnh
22:01, ngày 15-07-2012

TCCSĐT - Chuyến đi 6 nước châu Á lần này là một trong những chuyến công du khu vực đáng được chú ý đến nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton. Nhìn vào đó có thể thấy được không ít nét đặc thù mới trong toàn bộ chiến lược của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm này, bà Hillary Clinton tới Afghanistan, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Việt Nam và Campuchia. Chuyến thăm Afghanistan trong thực chất chỉ nhằm phục vụ Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Afghanistan tổ chức ở Nhật Bản và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đến Nhật Bản lần này cũng chỉ để tham dự Hội nghị đó. Bà Hillary đến Afghanistan chủ yếu chỉ để tuyên bố Mỹ coi Afghanistan là đồng minh quan trọng thứ 15 ngoài NATO. Thông điệp đó tác động tới Hội nghị ở Nhật Bản và khẳng định: không chỉ có chính sách của Mỹ ở Afghanistan thời hậu chiến, mà còn cả định hướng chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Mông Cổ, Lào và Việt Nam được xem là phần chính trong lộ trình của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi quan hệ giữa Mỹ với Mông Cổ mới được bình thường hoá và cải thiện. Hơn nữa, bà Hillary Clinton là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Lào trong suốt 57 năm qua. Còn trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong hơn ba năm rưỡi qua, đây là chuyến đi Việt Nam lần thứ ba của bà Hillary Clinton.

Mỹ coi trọng và ưu tiên cho việc phát triển quan hệ song phương với tất cả các nước này vì lợi ích kinh tế, đầu tư và thương mại nhưng cũng còn cả vì lợi ích chính trị - an ninh trong cuộc chơi chiến lược mới ở khu vực. Ở Lào và Việt Nam, Mỹ còn có những vấn đề do lịch sử để lại mà nếu giải quyết ổn thỏa thì rất có lợi cho Mỹ không chỉ tại quốc gia mình mà còn ở ngay cả chính hai nước này.

Chẳng thế mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhiều lần quả quyết và lần mới đây nhất là ở Lào khi bà nói rằng, Mỹ dành ưu tiên hàng đầu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ về chính trị - an ninh mà còn về mọi phương diện khác. Và Mỹ sẽ thực hiện sự điều chỉnh chiến lược ấy không chỉ trên phương diện chính trị - an ninh, mà còn trên tất cả các lĩnh vực khác: ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... Mỹ muốn gây dựng những lợi ích chung hiện tại và lâu dài để rồi trên cơ sở ấy gắn kết các đối tác này vào sự bố trí chiến lược chung của Mỹ ở khu vực. Việc Mỹ quyết định nới lỏng các biện pháp bao vây cấn vận và trừng phạt Myanmar và bà Hillary Clinton gặp lãnh đạo Myanmar ở Campuchia cũng nằm trong chủ định ấy.

Mỹ tranh thủ các đối tác này như thế không thể không khiến Trung Quốc nghi ngại và lo ngại. Mỹ dẫu muốn đối phó và đề phòng Trung Quốc nhưng không muốn đối đầu với nước này. Vì thế, Mỹ luôn chủ định duy trì mức độ cân bằng nhất định.

Trong khi đẩy mạnh quan hệ với các đồng minh trong khu vực, Mỹ hết sức tránh tạo ấn tượng công khai tập hợp lực lượng hình thành thế trận kiềm chế hay đối đầu với Trung Quốc. Washington tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước để xua tan mọi lo ngại và nghi ngại từ phía Bắc Kinh. Song đồng thời, Mỹ lại luôn nhấn mạnh những quan điểm liên quan đến Biển Đông tương đồng với quan điểm chung của ASEAN thể hiện trong Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và với các quốc gia bị Trung Quốc thách thức, thậm chí cả đe dọa về chủ quyền lãnh thổ trên khu vực này.

Việc nhấn mạnh đó đúng là có hàm ý răn đe nhưng răn đe để Mỹ không bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn giữa các đồng minh, đối tác của Mỹ và Trung Quốc, và răn đe nhằm ngăn ngừa tranh chấp chứ không phải để Mỹ bị liên đới hay buộc phải tham gia giải quyết.

Tranh thủ và cân bằng như thế là cách giúp Mỹ làm cho các bên đều có cái để hài lòng về quan hệ với Mỹ và không thể dùng Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, gây bất lợi cho Mỹ. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Campuchia mới rồi cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy./.